Mục tiêu quy hoạch xây dựng mô hình không gian tỉnh Bình Định phát triển linh hoạt và hiệu quả. Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn theo hướng bền vững, giữ gìn sinh thái môi trường và phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một góc thành phố Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh VnEconomy
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035.
Theo đồ án quy hoạch, phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 6.050 km2. Gồm 11 đơn vị hành chính: 01 thành phố, 01 thị xã và 09 huyện.
Mục tiêu quy hoạch xây dựng mô hình không gian tỉnh Bình Định phát triển linh hoạt và hiệu quả. Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn theo hướng bền vững, giữ gìn sinh thái môi trường và phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật diện rộng, các công trình đầu mối kỹ thuật kết nối đồng bộ với hệ thống đô thị, các khu động lực kinh tế và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia.
Xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển tạo sức lan tỏa đến hệ thống đô thị toàn tỉnh Bình Định và vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Phát triển khu kinh tế Nhơn Hội làm động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội.
Đến năm 2025, tỉnh Bình Định có 17 đô thị
Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, đến năm 2025, tỉnh Bình Định có 17 đô thị bao gồm: 01 đô thị loại I (Thành phố Quy Nhơn); 01 đô thị loại III (Thành phố An Nhơn); 02 đô thị loại IV (Hoài Nhơn, Tây Sơn); 10 đô thị loại V hiện hữu (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh); 03 đô thị loại V hình thành mới (Cát Tiến, huyện Phù Cát; Phước Hòa, huyện Tuy Phước; An Hòa, huyện An Lão).
Đến năm 2035, tỉnh Bình Định có 22 đô thị bao gồm: 01 đô thị loại I (Thành phố Quy Nhơn); 02 đô thị loại III (Thành phố An Nhơn, đô thị Hoài Nhơn); 02 đô thị loại IV (Tây Sơn, Cát Tiến); 10 đô thị loại V hiện hữu (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh); 07 đô thị loại V hình thành mới (Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ; Cát Khánh, huyện Phù Cát; Phước Lộc, huyện Tuy Phước; Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân; Canh Vinh, huyện Vân Canh; Phước Hòa, huyện Tuy Phước; An Hòa, huyện An Lão).
Phát triển 3 cụm du lịch trọng tâm
Về định hướng phát triển du lịch, phát triển 03 cụm du dịch trọng tâm trên cơ sở lợi thế của từng vùng trong tỉnh, bao gồm:
Cụm du lịch Quy Nhơn và phụ cận gồm các điểm du lịch tại thành phố Quy Nhơn, An Nhơn, các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát. Phát triển du lịch biển đảo chất lượng cao, du lịch tâm linh, tham quan di tích kiến trúc, tôn giáo, thắng cảnh; du lịch khoa học gắn với tổ hợp không gian khoa học - giáo dục Ghềnh Ráng (Thung lũng sáng tạo), du lịch sinh thái gắn với đầm Thị Nại.
Cụm du lịch Tây Sơn và phụ cận gồm các điểm du lịch tại đô thị Tây Sơn và huyện Vĩnh Thạnh. Phát triển sản phẩm du lịch, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; lễ hội, tâm linh; giáo dục, tri ân; tham quan, trải nghiệm làng nghề; nghiên cứu hệ sinh thái, tham quan thắng cảnh,...
Cụm du lịch Hoài Nhơn và phụ cận gồm các điểm du lịch tại đô thị Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão. Phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển; tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa; thể thao, vui chơi giải trí, mạo hiểm; văn hóa ẩm thực.
Xây dựng thành phố Quy Nhơn là trung tâm du lịch của toàn tỉnh và là một trong những trung tâm tiểu vùng du lịch thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Các trung tâm du lịch phụ trợ gồm đô thị Hoài Nhơn và Tây Sơn. Phát triển Khu du lịch Phương Mai - Núi Bà quy mô khoảng 2.500 ha trở thành khu du lịch quốc gia với các giá trị sinh thái biển đảo và mang đậm dấu ấn văn hóa Bình Định. Định hướng phát triển quần thể di tích gắn với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung và đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt thành điểm du lịch quốc gia.
Hình thành trung tâm hội chợ, triển lãm cấp vùng
Về phát triển thương mại và dịch vụ, phát triển trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cấp vùng tại thành phố Quy Nhơn, An Nhơn, đô thị Hoài Nhơn và khu kinh tế Nhơn Hội. Phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ, phân phối hiện đại, kết hợp cải tạo và xây dựng mới hệ thống chợ tại khu vực thành phố, các thị trấn và các khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung của tỉnh.
Phát triển các trung tâm dịch vụ kho vận cấp vùng, cấp tỉnh tại thành phố Quy Nhơn, An Nhơn, đô thị Hoài Nhơn và Tây Sơn gắn với cảng biển, cảng hàng không, các trục hành lang kinh tế trọng điểm quốc lộ 1, quốc lộ 19 và tuyến thương mại liên vùng.
Hình thành trung tâm hội chợ, triển lãm cấp vùng, tại thành phố Quy Nhơn. Tại thành phố An Nhơn, đô thị Hoài Nhơn, Tây Sơn hình thành và phát triển các cụm hoặc khu vực hội chợ, triển lãm, các trung tâm xúc tiến quảng bá, giao lưu hàng hóa đóng vai trò kết nối nội vùng và giữa Bình Định với các vùng lân cận. Phát triển các trung tâm thương mại chợ đầu mối tại các vùng sản xuất nông lâm ngư nghiệp có quy mô sản lượng lớn như chợ đầu mối nông lâm sản tại Hoài Nhơn, Tây Sơn, chợ đầu mối thủy sản tại Tam Quan (đô thị Hoài Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát)./.
Hà Bắc