Trong những năm gần đây, số lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đến Thanh Hóa ngày càng tăng (bình quân hàng năm tăng 42 đến 45%).
Tăng trưởng về du lịch không chỉ đem lại nguồn thu cho ngân sách, mở rộng quan hệ giao lưu, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương ở những khu, điểm du lịch. Tuy nhiên, vấn đề môi trường đang trở nên bức xúc.
Tại các điểm du lịch, tình trạng đổ rác thải bừa bãi đang là một trong những nguyên nhân gây mất cảnh quan, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Sự phát triển nhanh về cơ sở lưu trú, nhà hàng và các cơ sở dịch vụ du lịch cùng với lượng khách du lịch đến các điểm du lịch ngày càng tăng, đặc biệt là thị xã Sầm Sơn đã đặt môi trường du lịch biển trước những thách thức lớn. Đó là ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nhỏ nhân dân và du khách chưa cao. Công tác quản lý quy hoạch còn lỏng lẻo, nhất là quản lý các dự án đầu tư du lịch. Đáng chú ý, xu hướng bê tông hóa tại các khu, điểm du lịch biển đang gia tăng đã dẫn đến diện tích khuôn viên cây xanh, thảm thực vật bị thu hẹp dần. Một số cơ sở lưu trú và nhà hàng chưa có biện pháp xử lý nước thải, còn đổ thẳng ra biển hoặc cho thẩm thấu vào đất, cát ngấm vào nguồn nước ngầm và các thủy vực lân cận, có nguy cơ làm lây truyền nhiều loại dịch bệnh hoặc gây hại cho cảnh quan và nuôi trồng thủy sản.
Để du lịch Thanh Hóa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm phát huy hiệu quả lâu dài, bền vững, không có cách nào khác là phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường. Vì vậy, đi đôi với việc chỉ đạo các ngành, các địa phương kiên quyết triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường tại các khu du lịch, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ dự án đầu tư phát triển du lịch, trong thiết kế phải đặt khâu bảo vệ môi trường sinh thái lên hàng đầu. Đồng thời, tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...; mở các lớp tập huấn phổ biến Luật Du lịch, Luật Môi trường và các nghị định hướng dẫn cho cộng đồng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch; khôi phục và mở rộng diện tích cây xanh, thảm thực vật vùng ven biển; có quy chế quản lý riêng quy định về kiến trúc, diện tích khuôn viên, thảm thực vật... đối với các khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch biển; xây dựng hệ thống cấp, thoát nước để bảo đảm cho các hoạt động trong khu du lịch và chống suy thoái môi trường; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phầm du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường để bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Hiện tại, nhiều khu du lịch biển, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường như thường xuyên cử nhân viên làm vệ sinh bờ biển, quét dọn và thu gom rác trên bãi biển; tổ chức trồng cây xanh trong khuôn viên khu du lịch... Đặc biệt, UBND thị xã Sầm Sơn cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục thực hiện tốt chương trình “năm không” trong đó có việc “không làm tổn hại đến cảnh quan, môi trường”...; vận động nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng; thành lập tổ thu gom rác tại cụm dân cư, thực hiện tốt công tác tổng vệ sinh môi trường bảo đảm không để rác tồn đọng ở các khu vực công cộng và dọc bãi biển... phấn đấu tỷ lệ rác được thu gom đạt trên 80 đến 90%. Hiện nay, hầu hết ki ốt kinh doanh tại các khu du lịch đều được trang bị thùng chứa rác, giúp các chủ hộ kinh doanh thực hiện nghiêm quy định việc đưa rác đến điểm tập trung trong ngày. Thực hiện tốt những giải pháp trên là tạo điều kiện để du lịch Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu hàng năm đón và phục vụ từ 2 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh.