Giữ Cù Lao Chàm xanh để bảo tồn rùa

Cập nhật: 26/12/2018
Hội An đạt mục tiêu hướng đến xây dựng khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trở thành một trung tâm bảo tồn rùa biển của miền Trung Việt Nam. Cùng với việc bảo tồn rùa biển với phương pháp chuyển vị trứng, người dân đảo đang “nói không với túi nilong và ống hút nhựa” để tạo một môi trường tốt cho rùa sinh sống và trở về.

Cá thể rùa biển bị chết do nuốt phải nhiều dị vật bằng mảnh xốp, nhựa, lưới.. vào dạ dày

Rùa biển đang bị tổn thương

Vào đầu tháng 12/2018, một cá thể rùa biển ở Cù Lao Chàm (được đặt tên Chi, tên khoa học là Chelonioidea) sau khi mổ nôi soi tại Bệnh viện Gia Đình (TP. Đà Nẵng) chết nuốt phải nhiều dị vật bằng mảnh xốp, nhựa, lưới… vào dạ dày. Dù đã được Nhóm cứu hộ mang đến Bệnh viện Gia Đình tiến hành mổ nội soi lấy dị vật ra nhưng rùa vẫn không qua khỏi. Các chết của rùa Chi là lời cảnh báo mạnh mẽ về những hành vi xả rác của con người, du khách ở những khu bảo tồn. Các rác thải từ nhựa chính là mối đe dọa, khiến môi trường biển bị ô nhiễm và gây tổn hại nghiêm trọng đến các loài sinh vật đại dương, trong đó có rùa biển.

Trước đó, tháng 6/2018, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đã tiếp nhận cá thể rùa biển nặng khoảng 80kg đã bị chết do vướng vào một tay lưới của ngư dân. Những hoạt động khai thác du lịch, tài nguyên của con người đang đẩy rùa biển đến nguy cơ bị tuyệt chủng.

Ông Phạm Viết Tích- Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam cho biết, bờ biển thuộc Cù Lao Chàm (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) trước khi trở thành điểm du lịch nổi tiếng đã từng là một bãi ấp tự nhiên của loài rùa biển. Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại không ghi nhận trường hợp rùa biển lên bãi đẻ, nhưng số lượng rùa biển bị sa lưới tại Cù Lao Chàm vẫn được ghi nhận hằng năm. Năm 2015-2016, Cù Lao Chàm ghi nhận được 15 trường hợp rùa biển bị sa lưới, trong đó đó có 4 cá thể được cứu sống và thả về lại biển, 7 cá thể chết được hiến tặng làm mẫu vật.

Rùa biển ấp nở theo phương pháp chuyển vị trở về với đại dương tại Cù Lao Chàm

“Trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 khách du lịch đặt chân đến Cù Lao Chàm không phải là lớn so với các khu du lịch khác nhưng với một địa điểm nhạy cảm, chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu như Cù Lao Chàm thì con số này vượt quá ngưỡng chịu đựng. Kèm theo hoạt động du lịch phát triển, rùa biển đang phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng từ con người như hoạt động săn bắt rùa để lấy vỏ làm đồ lưu niệm hay thu thập trứng”- ông Tích cho biết.

Những nỗ lực đầu tiên

Cuối năm 2015, đầu năm 2016, sau khi Hội An có chủ trương thống nhất, Ban quản lý Khu sinh quyển và Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm bắt tay xây dựng kế hoạch bảo tồn rùa biển tại đảo Cù Lao Chàm. Ngoài việc bảo tồn nguyên vị, quy hoạch phân vùng biển tự nhiên cho rùa biển về và lên bãi cát sinh đẻ. Theo đó,Hội An chọn phía đông bắc cụm đảo với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển. Đồng thời, Hội An sẽ lập trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại khu vực, giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển.  

Từ tháng 9/2017 đến nay, hơn 900 quả trứng rùa biển di chuyển từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, Hội An với đoạn đường hơn 1.000 km bằng đường hàng không, đường bộ rồi đường biển đã ấp nở thành công 800 con rùa con và thả về đại dương như một phần của dự án bảo tồn trong năm qua.

Theo chuyên gia rùa biển Lê Xuân Ái, Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên tại Viêt Nam thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển. Dự án bảo tồn đã mang lại hy vọng cho sự tái sinh của các loài rùa ở những khu vực chúng “bỏ đi”.

Cù Lao Chàm nỗ lực bảo vệ môi trường đại dương để trở thành trung tâm bảo tồn rùa biển của miền Trung Việt Nam

“Các bãi biển ở miền trung Việt Nam được xem là nơi an toàn để rùa biển đẻ trứng, nhưng sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các hoạt động du lịch đã làm hỏng môi trường của chúng. Theo quy luật, rùa con thường quay trở lại bãi biển nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng khi trưởng thành vào khoảng 30 năm sau. Rùa con mà chúng tôi thả ra từ Cù Lao Chàm có thể sẽ quay trở lại để sinh ra thế hệ tiếp theo”- ông Lê Xuân Ái cho biết.

Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, hiện công tác bảo vệ rùa biển, thực hiện chuyển vị vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Chặng đường để Cù Lao Chàm trở lại thành bãi đẻ của rùa như vài mươi năm trước đây vẫn còn rất dài với bao thử thách đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ các nhà khoa học mà còn là các ngành có liên quan. Để chuẩn bị một môi trường tốt cho rùa sinh sống, sau “nói không với túi ni-lông”, tới đây người dân đảo “nói không với ống hút nhựa” để hướng tới mục tiêu Vì một Cù Lao Chàm không có rác thải nhựa.

“Kể từ khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, thành phố và các tổ chức bảo tồn đã có nhiều hoạt động truyền thông về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và sự cần thiết phải bảo vệ hệ sinh thái biển và rừng. Hầu hết người dân đảo đã nhận được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đảo vì nó sẽ cải thiện cuộc sống của họ”- ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định.

Lan Anh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn