Không chỉ xây dựng phong trào bằng ngày lao động xanh, hiện nay Victoria không còn sử dụng các túi nilông lấy rác trong phòng khách nữa.
Ở hầu hết các bộ phận sân vườn, buồng đều không sử dụng bao nilông để lấy rác mà sử dụng giỏ lát, giỏ cần xé. Ngoài ra, Victoria còn vận động các nhà cung cấp khi giao hàng cho Victoria sử dụng container nhựa hoặc giỏ cần xé để chuyên chở. Trong tương lai Victoria cũng sẽ tiến dần tới việc thay thế các chai nước uống nhựa đặt trong phòng khách bằng chai thủy tinh. Ông Hanno Stamm - Tổng Giám đốc điều hành Vicroria Phan Thiết đã chia sẻ về những việc làm để góp phần gìn giữ môi trường:
PV: Trong thời gian 5 năm qua, Victoria Phan Thiet đã đóng góp vì một môi trường xanh, theo ông điều đó có ý nghĩa như thế nào ?
Ông Hanno Stamm: Ý tưởng về ngày lao động xanh nhằm mục đích thức tỉnh nhận thức của mọi người về môi trường, vì chúng tôi cho rằng môi trường trong sạch thì mới thúc đẩy việc kinh doanh được. Chúng tôi thật sự hi vọng rằng mọi người thay đổi cách suy nghĩ sẽ bảo vệ được môi trường xung quanh.
Ý tưởng kêu gọi nhân viên tham gia bảo vệ môi trường mà hàng năm Victoria Phan Thiết hành động, được bắt đầu từ đâu? Và ông làm thế nào, để nhận được sự đồng thuận của tập thể nhân viên mà không vướng phải sự phàn nàn từ họ? Ý tưởng về việc bảo vệ môi trường không phải là mới, nhất là ở các nước châu Âu, châu Mỹ hoặc châu Úc. Trong quá khứ, các nước này đã phạm sai lầm thì giờ đây phong trào “Xanh” bảo vệ môi trường phát triển rất mạnh mẽ.
Việc thuyết phục nhân viên thật sự không dễ dàng gì vì cách suy nghĩ của con người ở đây khác hẳn; người ta ít quan tâm đến môi trường. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn này, bằng những hành động thực tiễn thì mới hi vọng thay đổi dần cách suy nghĩ của con người.
Là người đang kinh doanh, cụ thể là kinh doanh về du lịch, môi trường xanh, sạch có phải là yếu tố quan trọng để thu hút du khách? Nhưng hiện nay, ông nhận thấy thực trạng về môi trường tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né như thế nào? Chắc chắn rồi, không có được một môi trường sạch, trong lành, sẽ sớm bị đào thải khỏi ngành. Chắc chắn một điều rằng du khách không bao giờ đến tham quan nơi nào mà xung quanh toàn rác. Một điều đáng tiếc là môi trường kinh doanh hiện giờ ở Mũi Né chỉ hướng đến lợi nhuận mà không chú trọng đến phát triển bền vững.
Việc tổ chức hoạt động “green day” hàng năm, có phải là cách để “đánh thức” suy nghĩ của nhiều người cùng tham gia bảo vệ môi trường sống? Ông sẽ làm thế nào để hoạt động này phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai?
Hy vọng rằng việc làm đó sẽ tác động phần nào đến cách suy nghĩ của người dân về môi trường. Chắc chắn chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục, và khuếch trương những hoạt động như thế và sẽ tiếp tục nỗ lực để làm thay đổi cách nghĩ của người dân Phan Thiết và Mũi Né.
Thực tế, một mình Victoria khởi xướng và tham gia rất dễ làm cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch khác cảm thấy không hài lòng. Ông có e ngại không, vì họ đến đây chỉ với mục đích kinh doanh?
Ở Việt Nam, Tập đoàn Victoria luôn đi tiên phong, và vì vậy tôi không để ý lắm đến việc các khách sạn khác nghĩ gì. Một số resort ở Mũi Né chỉ nghĩ đến việc kinh doanh thôi thì đó là cách nghĩ không lâu dài, tôi thật sự tin rằng họ sẽ thay đổi cách suy nghĩ khi họ bắt đầu nhận thấy khách không lưu trú ở đây nữa.
Một vấn đề khác có liên quan đến môi trường, đó là hệ thống xử lý nước thải ở các doanh nghiệp chưa tốt. Điều này đúng không, thưa ông? Hệ thống xử lý nước thải tại Vicroria như thế nào?
Nước thải đang là vấn đề chính ở Mũi Né. Hầu hết các resort, nhà hàng và hộ gia đình thải nước thải chưa qua xử lý ra biển, hãy đi dạo bộ một vòng dọc theo biển vào buổi sáng sẽ thấy điều này rõ nhất. Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe con người, việc này còn đi ngược lại pháp luật hiện hành; chứng tỏ rằng luật pháp không có hiệu lực. Dĩ nhiên là chúng tôi có hệ thống xử lý nước thải, sau khi qua xử lý, nước được đảm bảo để tái sử dụng cho việc tưới cây và tưới cỏ trong vườn.
Ông đã và đang kêu gọi mọi người không nên sử dụng quá nhiều bao nilông trong sinh hoạt thường ngày, vì sao như vậy? Trong khi bao nilông là vật được sử dụng thường xuyên của rất nhiều người, điều này có đi ngược với thực tế không?
Bịch nilông phải mất nhiều năm, nếu không nói là nhiều thập kỷ mới phân hủy được. Ngoài ra còn là lý do thẩm mỹ, hãy nhìn túi nilông treo trên cây và hàng rào xung quanh khu vực Phan Thiết và Mũi Né, các túi này còn gây cản trở cho dòng chảy và hệ thống cống rãnh, nhét lẫn vào đất, và là hiểm họa cho thế hệ con trẻ sau này. Người ta còn dùng nguyên liệu thô khan hiếm như dầu để sản xuất ra nilông. Ông có lời khuyên nào với các doanh nghiệp đang kinh doanh du lịch, mọi người trong xã hội về ý thức bảo vệ môi trường? Và theo ông, việc áp dụng biện pháp xử lý “mạnh”, liệu có góp phần cải thiện được tình hình ô nhiễm ở khu vực đang kinh doanh du lịch không?
Phải nhận thức rằng việc kinh doanh ở đây không thể tiếp tục suy nghĩ theo kiểu ngắn hạn nữa. Làm sao thế hệ con cái của chúng ta kiếm sống được nếu chúng ta hủy hoại mọi thứ, đó là những gì mà chúng ta để lại cho con cháu chúng ta kế thừa. Tôi nghĩ rằng Chính phủ cũng cần thiết không chỉ đưa ra những quy định thích đáng, vì như thế chưa đủ mà còn phải làm cho pháp luật hiện hành mang tính bắt buộc thật sự Cảm ơn ông về sự chia sẻ này!.