Nâng cao công tác BVMT trong Quần thể Danh thắng Tràng An – Ninh Bình

Cập nhật: 01/02/2019
Kể từ khi được UNESCO vinh danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới, danh hiệu Di sản đã thực sự là hạt nhân để xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch xanh lớn nhất của đồng bằng sông Hồng.

Nhờ chú trọng công tác bảo vệ môi trưởng, bảo vệ cảnh quan, sinh thái
nên những năm qua Tràng An luôn là địa chỉ “đỏ” hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung và công tác quản lý môi trường cảnh quan nói riêng nên đã thu được những kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch trong toàn tỉnh, số lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng tăng, doanh thu từ du lịch đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống của cộng đồng dân cư trong vùng di sản ngày càng được cải thiện.

Xác định công tác bảo vệ môi trường cảnh quan trong khu vực Di sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong gìn giữ Di sản, năm 2018, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường trong khu Di sản, đồng thời quán triệt và phổ biến sâu rộng các quy định của Nhà nước và của tỉnh về quản lý, bảo tồn Di sản, từng bước đưa các Quy định này vào cuộc sống.

Quần thể Danh thắng Tràng An nơi sông, núi, may trời hòa quyện với nhau
tạo nên một cảnh quan đặc sắc mà khó có nơi nào có được.

Để cụ thể hóa các quy định, kế hoạch bảo tồn Di sản, các sở, ban, ngành thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, giám sát và kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm hại đến Di sản. Nhận thức rõ vai trò của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ môi trường cảnh quan Di sản, các ngành chức năng luôn quan tâm chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tham gia, bảo vệ di sản bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Những hoạt động này đã thu được nhiều kết quả đáng mừng, người dân bản địa đã phần nào ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ giữ gìn di sản để trao truyền cho các thế hệ mai sau theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý di sản hiện nay còn gặp phải nhiều khó khăn, không chỉ đến từ trách nhiệm bảo vệ tính toàn vẹn của Di sản của các cơ quan quản lý, mà còn phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, để di sản thực sự “sống” và phát huy những giá trị vốn có của nó, để thương hiệu Di sản thực sự trở thành động lực cho sự phát triển du lịch nói riêng và phá triển kinh tế - xã hội nói chung.

Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự chung tay của cộng đồng địa phương. Xác định Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới theo tiêu chí hỗn hợp giữa thiên nhiên và văn hóa, các nhà khoa học và quản lý di sản cần tiếp tục xác định rõ các yếu tố tác động tới di sản, đề xuất các giải pháp giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị nổi bật toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững cho khu Di sản và cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Quần thể danh thắng Tràng An.

Anh Tú – Việt Thắng

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn