Hội thảo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng phát triển du lịch từ năm 2011 đến nay, xây dựng kịch bản phát triển du lịch và các giải pháp phát triển du lịch đến năm 2030 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Đưa Việt Nam thành thiên đường nghỉ dưỡng biển mới thế giới
Qua gần 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành Du lịch Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội đất nước. Nhiều kết quả mà Du lịch Việt Nam đạt được trong thời gian qua đã vượt các con số dự báo đưa ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời một số mục tiêu, giải pháp không còn phù hợp trong bối cảnh và xu hướng phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, thực tế phát triển du lịch thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội...
Đứng trước bối cảnh đó, cần phải có định hướng chiến lược phát triển du lịch thời kỳ mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, nền tảng các kinh nghiệm phát triển để đưa Du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, là một trong những quốc gia phát triển du lịch hàng đầu ở khu vực.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, TCDL đã giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) và lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ĐMC). Để thực hiện 2 nhiệm vụ này, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã thành lập Ban chuyên môn xây dựng Chiến lược với 19 thành viên và Ban Chuyên môn lập báo cáo ĐMC với 6 thành viên, trong đó có 2 thành viên thuộc Ban Chuyên môn xây dựng Chiến lược.
Quá trình thực hiện Chiến lược và ĐMC được tiến hành song song và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Trong quá trình làm việc, nhóm thực hiện ĐMC đã đóng góp và hỗ trợ, thu thập thông tin, xác định các phương án, xác định các tác động môi trường, xây dựng các biện pháp giảm nhẹ/tăng cường, và chỉnh sửa lại các đề xuất cho phù hợp trên cơ sở các tác động môi trường đã được dự báo. Quá trình thực hiện báo cáo ĐMC được tiến hành theo nguyên tắc phối hợp, trao đổi thường xuyên giữa Ban chuyên môn xây dựng Chiến lược và Ban chuyên môn lập báo cáo ĐMC...
Việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá và tổng hợp báo cáo ĐMC dựa trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, chính quyền địa phương, cộng đồng địa phương và các tổ chức khác... thông qua các đợt khảo sát, họp trao đổi, hội thảo xin ý kiến.
Tại hội thảo, ông Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Trưởng ban chuyên môn lập báo cáo ĐMC, Phó Trưởng ban chuyên môn xây dựng Chiến lược đã trình bày vắn tắt kết quả báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các đại biểu tham dự đánh giá cao dự thảo ĐMC cũng như những nỗ lực của Ban chuyên môn; đồng thời đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, cởi mở, đa chiều nhằm giúp dự thảo tiếp tục được hoàn thiện về nội dung cũng như hình thức.
Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, là lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế, là thiên đường nghỉ dưỡng biển mới của thế giới; thuộc nhóm 3 quốc gia phát triển du lịch hàng đầu Đông Nam Á; chiếm lĩnh thị trường ngày càng tăng trên thị trường quốc tế, khẳng định vị thế điểm đến cạnh tranh toàn cầu.
Cụ thể là đến năm 2025, cả nước đón 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.400.000 tỉ đồng (tương đương 64,2 tỉ đô la Mỹ), đóng góp 11,6% trong tổng GDP cả nước; tạo ra 4,6 triệu việc làm, trong đó có 1,53 triệu việc làm trực tiếp trong ngành Du lịch. Đến năm 2030, cả nước đón 47 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 2.400.000 tỉ đồng (tương đương 106,7 tỉ đô la Mỹ), đóng góp 13,9% trong tổng số GDP cả nước, tạo ra 7,02 triệu việc làm, trong đó 2,34 triệu việc làm trực tiếp.
Tầm nhìn đến năm 2050, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; Việt Nam trở thành điểm đến du lịch quốc tế đặc biệt, có uy tín, thương hiệu và năng lực cạnh tranh mạnh, được ưu tiên lựa chọn trên thị trường quốc tế, thuộc nhóm 20 quốc gia phát triển du lịch hàng đầu thế giới.
Phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Sau hội thảo, Ban chuyên môn sẽ tiếp tục tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo ĐMC. Dự kiến, ĐMC sẽ được trình phê duyệt và triển khai thực hiện vào cuối năm 2019.
THÚY HÀ