Theo các nhà khoa học, việc khai thác nước ngầm quá mức kết hợp với tốc độ gia tăng mực nước biển đã kéo theo tình trạng sụt lún đất, có thể khiến gần như toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị chìm.
Nước biển đe dọa đê biển Tây Vàm Rầy ở Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utrecht ở Hà Lan vừa cảnh báo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của Việt Nam, đang phải đối mặt với nguy cơ bị chìm gần như hoàn toàn vào năm 2100.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utrecht đã tạo ra một mô hình số rộng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sử dụng nó làm cơ sở cho các dự đoán trong tương lai.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy việc khai thác nước ngầm quá mức kết hợp với tốc độ gia tăng mực nước biển do biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo đã kéo theo tình trạng sụt lún đất, có thể khiến gần như toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong tương lai.
Ông Philip Minderhoud - một nhà nghiên cứu các hệ thống dưới mặt đất và nước ngầm tại Đại học Utrecht và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết khai thác nước ngầm là một trong những yếu tố khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún.
Theo ông, nước mất đi làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất bên dưới, khiến đồng bằng bị sụt lún trung bình khoảng 1cm mỗi năm. Bên cạnh đó, mực nước biển đang tăng với tốc độ khoảng 3mm đến 4 mm/năm do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, cùng trọng lượng của những cấu trúc nhân tạo xây trên đồng bằng, dòng chảy trầm tích từ thượng nguồn suy giảm và độ nén tự nhiên cũng là những yếu tố góp phần làm mất đất Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, các nhà khoa học cũng cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên, đặc biệt là biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng. Ngoài ra, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng... cũng tác động khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún.
Trước thực trạng này, Chính phủ Việt Nam gần đây đã ban hành Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ quan chức năng cũng đang soạn thảo các biện pháp chính sách ứng phó với các yếu tố làm xói mòn Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đê và cửa xả nước.
Theo kế hoạch, cuối năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số Việt Nam, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, với 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng cá xuất khẩu. Đây cũng là khu vực có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tiểu vùng sông Mekong./.