Phát triển làng hoa Bình Lâm gắn với du lịch: Cần một cú hích đủ mạnh!

Cập nhật: 22/02/2019
Phát triển nghề trồng hoa gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi mới nhiều tiềm năng được huyện Tuy Phước xây dựng cho làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa).

Sau làng nghề mai Nhơn An - TX An Nhơn, năm 2012 làng hoa Bình Lâm được UBND tỉnh công nhận làng nghề trồng hoa. Nơi đây là vựa trồng hoa cúc tết nổi tiếng trong tỉnh.

Mô hình trồng các giống hoa mới của gia đình ông Nguyễn Ngọc Tùng
cho thu nhập ổn định. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Năm 2017, sau khi Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh chuyển giao kỹ thuật, ông Nguyễn Ngọc Tùng - thâm niên hơn 30 năm làm nghề trồng hoa ở Bình Lâm - đầu tư trồng chuyên canh các loại hoa đồng tiền, phú quý, dạ yến thảo, hồng môn, thu hải đường… Từ mô hình này, đến nay, một số hộ dân tại làng nghề đã đề xuất với địa phương tham gia quy trình sản xuất đa dạng hóa sản phẩm hoa kiểng.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng tâm sự: “Từ năm 2017, tôi chuyển vườn hoa trồng cúc sang trồng quất kiểng và các loại hoa ngắn ngày loại mini để bàn. Trồng cúc vụ tết khá nhọc công, giá cả lại ít ổn định, thu nhập thấp hơn trồng chuyên canh nhiều loại hoa. Tôi mong trong tương lai không xa, Bình Lâm sẽ phát triển thành vùng chuyên canh hoa, trở thành điểm đến du lịch như làng hoa Sa Đéc ở tỉnh Đồng Tháp”.

Sau nhiều năm dừng lại ở hoa cúc vụ tết, một hai năm gần đây, nhiều hộ dân ở Bình Lâm bắt đầu trồng thêm một số loại hoa khác để có thu nhập suốt các tháng trong năm. Ông Nguyễn Minh Trực chia sẻ: “Vườn hoa hồng của gia đình tôi mỗi năm xuất bán 600 - 700 chậu, thu nhập 50 - 60 triệu đồng, lai rai có bán quanh năm. Bây giờ, bà con Bình Lâm ai cũng mong chính quyền cho quy hoạch vùng trồng hoa tập trung, đầu tư hạ tầng giao thông để tạo điều kiện giúp dân phát triển nghề trồng hoa”.

Vườn hoa hồng chuyên canh của ông Nguyễn Minh Trực
cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Không khó để tìm thấy trong cả nước, nhiều làng nghề hoặc một vùng nào đó, bên cạnh sản xuất nông nghiệp còn phát triển du lịch như sản phẩm đi kèm để gia tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, cho hay: “Chúng tôi đã triển khai mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cây hoa kiểng tại làng nghề Bình Lâm. Nếu thực hiện được mục tiêu đa dạng hóa, người trồng hoa không chỉ có thu nhập khá từ việc bán hoa mà còn góp phần phát triển làng nghề theo hướng bền vững, gắn làng nghề với hoạt động du lịch”.

Theo Chủ tịch UBND xã Phước Hòa Huỳnh Thanh Vương, trong số 750 hộ dân ở thôn Bình Lâm, có khoảng 300 hộ trồng hoa cúc kiểng, bình quân mỗi vụ tết cho tổng thu nhập 6 - 7 tỉ đồng. Định hướng phát triển làng hoa gắn với phát triển du lịch sẽ là “cú hích” thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương. Còn Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Đình Thuận cũng khẳng định, huyện sẽ đánh giá, rà soát lại nhu cầu, điều kiện thực tế của người dân vùng trồng hoa để lập đề án cụ thể báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ phát triển làng hoa Bình Lâm gắn với du lịch.

Trong chuyến khảo sát mới đây tại làng hoa Bình Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - Nguyễn Thanh Tùng giao huyện Tuy Phước chủ trì lập đề án trồng hoa kiểng tại thôn Bình Lâm, trong đó kết hợp giữa trồng hoa truyền thống và trồng hoa kiểng; tổ chức quy hoạch phát triển làng hoa gắn với quy hoạch nông thôn mới, kết hợp phục vụ phát triển du lịch; đề xuất chính sách hỗ trợ.

MAI HOÀNG - NGỌC NHUẬN

Nguồn: www.baobinhdinh.com.vn