Sáng ngày 22/02, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam – Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo với UNESCO-IOC về việc xây dựng chương trình hỗ trợ lập Quy hoạch không gian biển Việt Nam và quản trị đại dương.
Hội thảo được tổ chức bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 2 của Ủy ban Liên Chính phủ Hải dương học (IOC) thuộc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 18/02 đến ngày 21/02.
TS. Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học (IOC) thuộc UNESCO, Việt Nam đã và đang chủ động triển khai sáng kiến của IOC về quy hoạch không gian biển. Theo Luật Quy hoạch 2017 của Việt Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Vì vậy, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi mong muốn: “Hội thảo sẽ đề xuất và thống nhất các các nội dung hỗ trợ thực hiện việc lập Quy hoạch không gian biển ở Việt Nam hướng tới kinh tế xanh bền vững, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.”
Ông Alejandro Iglesias Campos, Đại diện IOC-UNESCO Paris phát biểu tại Hội thảo
Chia sẻ kinh nghiệm của Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học, ông Alejandro Iglesias Campos, Đại diện IOC-UNESCO Paris cho biết, theo khái niệm của UNESCO, quy hoạch không gian biển (QHKGB) là quá trình phân tích và định hướng các hoạt động của con người để đạt được mục tiêu về môi trường - xã hội - kinh tế và thường đạt được thông qua thỏa thuận về chính trị.
Quy hoạch không gian biển được thực hiện theo 10 bước cơ bản sau: (1) Xác định nhu cầu và thành lập cơ quan thực hiện; (2) Tiếp nhận hỗ trợ về tài chính; (3) Chuẩn bị quy hoạch (giai đoạn tiền quy hoạch); (4) Tổ chức cho các bên liên quan tham gia; (5) Xác định và phân tích các điều kiện hiện có (hiện trạng); (6) Xác định và phân tích các điều kiện trong tương lai; (7) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch quản lý không gian; (8) Thực hiện kế hoạch quản lý không gian; (9) Giám sát và đánh giá việc thực hiện; (10) Điều chỉnh kế hoạch quản lý không gian biển.
Theo ông Alejandro Iglesias Campos, năm 2005 chỉ có 9 quốc gia có Quy hoạch không gian biển thì năm 2017 đã có 65 quốc gia có Quy hoạch không gian biển. Tính đến năm 2017, khoảng 10% diện tích bề mặt vùng đặc quyền kinh tế thế giới đã nằm trong Quy hoạch không gian biển của các quốc gia trên thế giới.
Ông Phan Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo phát biểu tại Hội thảo
Chia sẻ cách tiếp cận lập Quy hoạch không gian biển của Việt Nam, ông Phan Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo cho biết, Quy hoạch không gian biển quốc gia là loại quy hoạch đa ngành, phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển. Quy hoạch không gian biển của Việt Nam sẽ được xây dựng theo cách tiếp cận tổng hợp và dựa vào hệ sinh thái.
Theo đó, mục tiêu của việc lập Quy hoạch không gian biển sẽ là giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển; góp phần bảo vệ, bảo tồn được các tài nguyên thiên nhiên, các sinh thái, các giá trị tự nhiên - văn hóa - lịch sử và chất lượng môi trường trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam; khai thác, sử dụng không gian biển hiệu quả, lâu bền trên cơ sở tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển. Đồng thời, làm căn cứ, cơ sở pháp lý để của các Bộ, ngành và địa phương có biển xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến việc khai thác, sử dụng không gian biển. Phạm vi không gian của Quy hoạch bao gồm vùng đất ven biển, vùng trời, vùng biển và các hải đảo của Việt Nam. Về phạm vi thời gian, Quy hoạch được lập đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện đối với mỗi kỳ quy hoạch là 05 năm.
Toàn cảnh Hội thảo
Để thực hiện được việc xây dựng Quy hoạch không gian biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đề xuất phía UNESCO-IOC hỗ trợ, phối hợp trong một số nội dung như: Hỗ trợ các chuyên gia về lập quy hoạch; tăng cường năng lực quản trị đại dương và quy hoạch không gian biển; thiết lập/hoàn thiện hệ thống quản lý tổng hợp thông tin, dữ liệu biển, đảo; đào tạo nâng cao năng lực, sự hiểu biết về kỹ thuật trong lập và quản lý quy hoạch không gian biển, quản trị biển.