Hà Tiên nằm ở điểm cực Tây Nam - Vùng đất biên thùy đầy nắng gió, nhưng cũng là nơi có một không hai ở đồng bằng sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan kỳ thú, hội tụ đủ các loại địa hình, từ đồng bằng xanh thẳm đến núi rừng hùng vĩ, biển đảo mênh mông. Đặc biệt, đầu tháng 11/2018, Hà Tiên chính thức được nâng tầm, trở thành TP biên mậu và du lịch, đánh dấu bước phát triển mới của TP nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung.
Năm 1998, khi Hà Tiên mới lên thị xã, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4,45 triệu đồng/năm, nhưng sau 20 năm, con số này đã đạt mốc gần 69 triệu đồng/năm (tăng 15,5 lần); thu ngân sách tăng lên hơn 110 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 51,8 triệu USD (tăng 3,23 lần). Trên lĩnh vực du lịch, Hà Tiên có sự tăng trưởng vượt bậc, trung bình mỗi năm, TP đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu bán lẻ đạt 4.358 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn TP có 161 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 2.449 phòng, thu hút 35 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, Hà Tiên sẽ hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao với mục tiêu, đến năm 2020, thu hút 3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng; năm 2025, thu hút 4,4 triệu lược khách, doanh thu 9.400 tỷ đồng; năm 2030, thú hút 6,4 triệu lượt khách, doanh thu 34.500 tỷ đồng.
Thành phố Hà Tiên
Dựa trên những tiềm năng sẵn có, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hà Tiên xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sức bật cho nhiều ngành nghề khác cùng phát triển. Trong đó, du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ với nhiều lợi thế vượt trội đang được TP đầu tư phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Đây là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa với mục tiêu BVMT. Loại hình du lịch này tạo cơ hội cho du khách được tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của cộng đồng cư dân đầm Đông Hồ.
Đầm Đông Hồ thuộc phường Đông Hồ, có diện tích tự nhiên hơn 1.384 ha, trong đó, diện tích mặt nước trên 900 ha, là một trong những đầm nước tự nhiên lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đầm Đông Hồ mang tính đa dạng sinh học cao, về thực vật, tại hồ đã ghi nhận 322 loài, trong đó, nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới như thiên tuế, thu hải đường, điểu bế, bạc thau, bình vôi… Về động vật, có ít nhất 155 loài, trong đó khoảng trên 30 loài thú quý hiếm như voọc bạc Đông Dương, sóc đồi… Tại khu vực đầm còn ghi nhận 114 loài chim, với nhiều loài quý hiếm (gầm ghì lưng nâu, cú muỗi Á Châu, chim hút mật họng hồng, chim sẻ khoang cổ…). Đầm Đông Hồ cũng có nguồn thủy sản phong phú, với các loại tôm, cua, cá, ghẹ…
Đầm Đông Hồ
Theo Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ đến năm 2020, ngành du lịch Hà Tiên sẽ đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để phát triển loại hình du lịch trên đầm về đêm từ nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa. TP đang phấn đấu, đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng để đưa vào khai thác. Kết quả khảo sát thực tế cộng đồng cư dân sinh sống tại khu vực đầm Đông Hồ do UBND TP. Hà Tiên tiến hành cho thấy, có khoảng 40 hộ dân đủ điều kiện tham gia phát triển du lịch sinh thái cộng đồng với các hình thức: Giúp du khách trải nghiệm nuôi trồng thủy sản; xây dựng điểm dừng chân, cho du khách tự bơi xuồng thăm quan rừng dừa nước, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử, ngắm trăng soi trên mặt đầm; tổ chức tham quan cảnh quan thiên nhiên, vườn chim và trải nghiệm, tìm hiểu nghề chằm lá dừa nước truyền thống, phục vụ món ăn, nước uống chế biến từ trái dừa nước…
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP. Hà Tiên sẽ thành lập Ban quản lý Du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, một số tuyến đường giao thông trọng yếu quanh khu vực đầm; mở các bến tàu, bến thuyền, một số điểm mua sắm, nhà trưng bày sản phẩm ở những điểm thăm quan để hỗ trợ hộ dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, tổ chức đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ trực tiếp làm du lịch cộng đồng; tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý và kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách, thuyết minh du lịch; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, các di tích lịch sử, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đặc sản của địa phương… để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển du lịch. Cùng với đó, nâng cao nhận thức trong du khách, cộng đồng dân cư và cán bộ các cấp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về BVMT, vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn tại các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch; bảo vệ, khai thác hợp lý giá trị sinh thái thuộc khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận; khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng và áp dụng các giải pháp năng lượng sạch, hướng đến môi trường du lịch thân thiện, an toàn, bền vững.
Nguyễn Thị Hoa