Với mong muốn Huế trở thành “thành phố bốn mùa hoa”, tạo nên không gian đô thị xanh, thơ mộng…; Viện Nghiên cứu phát triển (VNCPT) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức diễn đàn với chủ đề “Huế - Thành phố bốn mùa hoa và giao thông công cộng” vào đầu tháng 3/2019 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, qua đó hiến kế nhiều phương án hữu hiệu.
Thừa Thiên Huế tổ chức diễn đàn “Huế - Thành phố bốn mùa hoa và giao thông công cộng”
Ngồi trên thuyền và xuất phát từ Bến Nghinh Lương Đình ngược dòng Hương Giang về phía thượng nguồn, các chuyên gia và khách mời được trải nghiệm và ngắm nhìn vẻ đẹp của sông Hương, các danh lam thắng cảnh cùng những di tích văn hóa lịch sử để cảm nhận vẻ đẹp không nơi nào có được của Huế và cùng trao đổi, chia sẻ, hiến kế những ý tưởng của mình cho các dự án.
Mở đầu diễn đàn, TS. Cung Trọng Cường - Viện trưởng VNCPT tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu đề dẫn tổng quan về mục tiêu của các dự án, nhấn mạnh những nội dung chính là xây dựng thế nào để Huế có hoa bốn mùa, tạo nên không gian đô thị xanh, thơ mộng; những giải pháp để hạn chế được phương tiện cá nhân, tiến tới sử dụng phương tiện công cộng, qua đó mong muốn được tiếp thu những ý kiến, trao đổi và đóng góp từ các chuyên gia và những người yêu Huế để hoàn thiện dự án.
TS. Đặng Minh Nam - Phó Viện trưởng VNCPT tỉnh cũng đã khái quát về lịch sử, địa lý, danh lam thắng cảnh Huế… và cho rằng, Huế có nhiều lợi thế để phát triển và thực hiện thành công dự án “Huế - Thành phố bốn mùa hoa”. Vấn đề đặt ra là chúng ta làm cho ai, làm như thế nào, trồng hoa gì để bốn mùa có hoa và từ hệ thống chính quyền đến doanh nghiệp, người dân sẽ thực hiện như thế nào…
Nhấn mạnh những vấn đề đó, ông Nam cho rằng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để huy động đầu tư, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng để triển khai hiệu quả các dự án. Minh họa những mô hình như cánh đồng hoa, con đường hoa, đồi hoa… của một số quốc gia trên thế giới, ông Nam khẳng định Huế hoàn toàn có thể làm được và thu hút nhiều du khách đến tham quan bằng những loài hoa, và gợi ý rằng hoa ở đây không chỉ có nghĩa là hoa thật mà còn có thể là hoa nhân tạo, rồi hoa “ánh sáng” về đêm như cách làm đẹp Huế bấy lâu nay.
Nhiều giải pháp được hiến kế tại diễn đàn
Tham gia trao đổi tại diễn đàn, Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm - Chuyên gia cây xanh đã đánh giá tổng quan hiện trạng sinh thái môi trường và hệ thống cây xanh đô thị TP. Huế.
Ông Cẩm chỉ ra điểm mạnh của Huế là điều kiện sinh thái môi trường khá phù hợp, có khả năng dung nạp nhiều chủng loại cây xanh ngoại lai; đa số đường phố đã có vỉa hè hoàn chỉnh, đủ điều kiện để trồng cây xanh; có nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành; hệ thống cây xanh đô thị đa dạng sắc thái và phong phú chủng loại.
“Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh đó, cũng cần xét đến những điểm yếu hiện tại. Hiện trạng cây xanh đô thị còn nhiều bất cập, thiếu tính hệ thống, chưa hoàn thiện về mặt mỹ quan, phân bổ tùy tiện mất cân đối; nguồn giống thiếu, chưa đảm bảo chất lượng do thiếu chiến lược phát triển vườn ươm; cây xanh trên nhiều vỉa hè đường phố được bố trí sai quy định của Nhà nước; nhiều đường phố chưa có cây xanh và công tác quản lý cây xanh còn lỏng lẻo” - ông Đỗ Xuân Cẩm nhận định.
Bên cạnh đó, ông Cẩm cũng lưu ý về những thách thức khi thực hiện dự án “Huế - Thành phố bốn mùa hoa” do thời tiết ở Huế có kiểu khí hậu khá khắc nghiệt, thay vì có bốn mùa xuân - hạ - thu - đông thì chỉ thể hiện rõ nét hai mùa mưa - nắng.
“Thực tế cho đến nay, rất hiếm loài cây trong hệ thống cây xanh đô thị Huế ra hoa trong mùa mưa. Với kiểu mưa dầm dề, triền miên của xứ Huế thì dù chúng ta có di thực một số loài mới về trồng e cũng khó khả thi. Tôi sẽ xem xét và nghiên cứu loài cây nào chịu được mưa lâu ngày sẽ hiến kế cho tỉnh để thực hiện hiệu quả dự án này…” - ông Cẩm chia sẻ.
Dọc sông Hương với nhiều thắng cảnh đẹp cũng là nơi Huế có thể thực hiện đề án bốn mùa hoa
TS. Lương Hoài Nam - Chuyên gia về giao thông & du lịch cho rằng, Huế không nằm ngoài cuộc đua về du lịch của cả nước. Huế có nhiều cảnh quan, có tiềm năng và cơ hội để thành công với du lịch. Vấn đề đặt ra là chúng ta làm du lịch nhưng không hiểu sâu về nhu cầu của du khách nên không đưa ra được lý do để níu giữ du khách ở lại. Do đó, Huế bắt buộc cần phải đủ hấp dẫn thì du khách ở lại lâu hơn và tạo được nguồn thu lớn cho địa phương.
“Muốn đủ lý do để khách ở lại thì phải hiểu khách hơn nữa, phải hiểu vì sao khách đi du lịch. Họ đi là để chụp ảnh. Với thời gian ngắn, phần lớn du khách đến Huế không phải để tìm hiểu về lịch sử, quá khứ của các triều đại… mà là có chỗ đẹp để họ chụp ảnh. Do đó, ngành du lịch Huế phải có tính sáng tạo, có nhiều tour, tuyến hấp dẫn, điểm đến đẹp, tổng lại tất cả là để chụp ảnh” - ông Hoài Nam cho hay.
Cũng tại diễn đàn, nhiều khách mời đã đề xuất nhiều ý tưởng thiết thực nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các dự án mà tỉnh đã đề ra như cần xây dựng hình ảnh xe đạp là một trong những phương tiện giao thông công cộng hữu ích cho người dân, tuyên truyền, tổ chức các phong trào thể thao như Festival chuyên đề thể thao vào thời gian thấp điểm để thu hút du khách, xây dựng các bến thuyền bằng cách tạo ra các cơ chế phù hợp để thực hiện xã hội hóa, chuyển đổi phương thức linh hoạt chuẩn hóa các dịch vụ và tối ưu các dịch vụ tại Huế, hạn chế thời gian “chết” của du khách khi đến Huế… có như vậy, du khách mới thật sự ấn tượng và thích thú về du lịch tại Huế với những điểm đến đặc biệt, dịch vụ chất lượng, sản phẩm độc đáo.
Kết thúc diễn đàn, TS. Cung Trọng Cường đã đánh giá cao những ý kiến từ chuyên gia cho đến những người dân. Đó là những ý tưởng hay gợi ý đầu tư xã hội hóa, hoặc chính quyền kết nối với doanh nghiệp và người dân để cùng đầu tư phát triển.
Một không gian đô thị xanh, thơ mộng… là điều mà Huế muốn hướng đến trong thời gian tới
“Mục tiêu cao cả nhất của các dự án là đều phục vụ cho người dân và du khách khi đến Huế tham quan. Qua đó, để mọi người biết được Huế là một đô thị độc đáo, đẹp, nhân văn, hài hòa giữa thiên nhiên và con người, xứng đáng là một thành phố “Xanh- sạch- sáng. Chúng tôi sẽ ghi nhận, tiếp tục lấy ý kiến của dư luận và tham mưu cho tỉnh trong quá trình triển khai các dự án…” - ông Cường kết luận.
Được biết, “Huế - Thành phố bốn mùa hoa” là ý tưởng của ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo ông Thọ, xây dựng Huế - Thành phố bốn mùa hoa sẽ tạo một bộ mặt mới cho đô thị Huế, một điểm đến ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước khi đến Huế cũng như tạo không gian sống mới cho người dân.
“Vừa rồi tôi đã cùng với lãnh đạo tỉnh đi khảo sát thực tế dọc hai bờ sông Hương từ cầu Trường Tiền đến Văn Thánh, Võ Thánh. Tôi thấy rằng hai bờ sông Hương đẹp song vẫn thiếu màu sắc của các loài hoa. Nếu có những công viên trồng hoa thì người dân sẽ không xả rác và nhận thức về môi trường, ý thức đô thị sẽ được nâng cao” - ông Thọ nói.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan trước mắt tập trung triển khai thực hiện trồng hoa, cây xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như đầu tư hệ thống chiếu sáng hai bờ sông Hương, đảm bảo tiêu chí xanh, sạch và sáng. Đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu nghiên cứu trồng các loại hoa, cây phù hợp để hướng đến hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lễ hội hoa mùa xuân tại Huế.
Không chỉ trồng hoa, cây xanh ven hai bờ sông Hương để làm Huế đẹp hơn, ông Phan Ngọc Thọ cũng đề nghị các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu và thực hiện hệ thống chiếu sáng nghệ thuật hai bờ sông Hương, làm cho đôi bờ sông Hương vốn đã đẹp lại càng đẹp hơn, lung linh hơn trong sắc hoa bốn mùa….
Văn Dinh - Đăng Vinh