Trào lưu mới đi kèm với dòng hashtag #trashtag đã và đang khuyến khích tất cả mọi người cùng chung tay giải quyết phần nào vấn đề rác thải.
Những dòng hashtag hay những trào lưu được lan truyền rộng rãi trên mạng Internet thường gợi nên những khoảnh khắc hài hước hoặc mang tính biểu tượng trong văn hóa đại chúng.
Tuy vậy, gần đây đã xuất hiện một trào lưu mới, được hưởng ứng rất nhiệt liệt dù mục đích của nó không phải là để giải trí - mà là để cứu Trái Đất.
Mỗi năm có tới 1,3 tỷ tấn rác thải sinh hoạt được thải ra và trong số đó, chỉ có từ 258-368 triệu tấn được đưa tới 50 bãi rác lớn nhất.
Hàng triệu tấn rác rốt cuộc đã bị đổ ra biển, và có tới 80% lượng rác thải trong các đại dương có nguồn gốc từ đất liền. Trào lưu mới đi kèm với dòng hashtag #trashtag đã và đang khuyến khích tất cả mọi người cùng chung tay giải quyết phần nào vấn đề rác thải này.
Các cư dân mạng đang thử thách nhau chụp ảnh một địa điểm nào đó cần được dọn sạch rác, sau đó tiến hành dọn dẹp và chụp một bức ảnh nữa khi nơi đó đã trở nên gọn gàng sạch sẽ, rồi đăng hai bức ảnh này lên mạng Internet.
Trào lưu này bùng nổ trên mạng xã hội sau khi một người dùng Reddit đăng bức ảnh chụp màn hình về một người đã hoàn thành thử thách này, kèm theo dòng chú thích: "Đây là một thử thách mới cho tất cả những bạn thiếu niên chán chường. Chụp ảnh một nơi nào đó cần được dọn dẹp hoặc tu sửa, sau đó chụp ảnh nơi đó sau khi bạn hoàn thành việc dọn dẹp hoặc tu sửa nơi đó, và đăng nó lên đây."
Dưới đây là những bức ảnh đẹp nhất và đáng ngưỡng mộ nhất tham gia trào lưu thân thiện với môi trường này (Nguồn: boredpanda.com).
Ngay cả khi được đưa vào các bãi chứa rác thải, rác vẫn tìm ra những con đường khác để can thiệp vào cuộc sống của chúng ta. Khi phân hủy, rác thải có thể giải phóng các chất độc và các chất hóa học độc hại mà sau đó sẽ ngấm vào đất, rồi ngấm lan sang nước và không khí.
Dù quá trình này có vẻ chậm chạp và không ảnh hưởng trực tiếp đến bạn, song việc quản lý chất thải không đúng cách có thể gây ra những hậu quả chết người ngay lập tức.
Vào năm 1998 và 1999, hàng nghìn người đã thiệt mạng ở Bangladesh do lũ lụt gây ra bởi chất thải tắc nghẽn trong hệ thống cống.
Trên toàn thế giới, mỗi cá nhân thải ra trung bình 0,74 kg chất thải mỗi ngày, nhưng lượng chất thải mỗi ngày có sự khác biệt rất lớn giữa các cá nhân với nhau, dao động trong khoảng 0,11-4,54 kg/người. Các quốc gia có thu nhập cao thải ra khoảng 34% tổng lượng rác thải của thế giới, hay 683 triệu tấn rác, mặc dù chỉ chiếm 16% dân số thế giới.
Người Mỹ thích phóng đại mọi thứ, thậm chí cả rác thải. Dù chỉ chiếm khoảng 5% dân số thế giới, nhưng người Mỹ thải ra gần 40% tổng lượng chất thải của thế giới.
Dường như nơi nào trên hành tinh cũng đang bộn bề rác, nhưng nơi duy nhất mà ở đó bạn gần như có thể thoát khỏi những đống rác bất tận chính là Nam Cực. Nam Cực được bảo vệ bởi Hiệp ước Nam Cực, một hiệp ước cấm các hoạt động quân sự, khai thác khoáng sản, nổ hạt nhân và xử lý chất thải hạt nhân tại đây.
Các bãi chôn lấp là nơi được chỉ định cho rác thải, và với rất nhiều rác thải như vậy thì các bãi chôn lấp cũng có mật độ rác rất lớn. Trong quá trình phân hủy rác, rác trải qua quá trình kị khí (tức là không có không khí), tạo ra một lượng lớn khí metan - một loại khí nhà kính có tác động môi trường lớn gấp 25 lần khí CO2.
Bạn có thể không nghĩ rằng bao bì nhựa và thực phẩm thuộc cùng một loại, nhưng thực phẩm đúng là thuộc loại chất thải. Khoảng 1/3 tổng lượng thực phẩm được làm ra trên thế giới mỗi năm để phục vụ con người (khoảng 1,3 tỷ tấn) bị lãng phí. Mỗi năm, mỗi người Mỹ bỏ đi khoảng hơn 5000 kg rác thải hữu cơ có thể được ủ thành phân bón.
Hàng năm, hơn 6,3 tỷ kg rác được đổ vào các đại dương (chủ yếu là các loại nhựa độc hại đối với sinh vật biển). Lượng rác thải này đã góp phần tạo nên cái được gọi là Đảo rác lớn ở Thái Bình Dương, hay Xoáy rác Thái Bình Dương, một khối rác lớn ở biển Thái Bình Dương lớn gấp đôi diện tích nước Mỹ.
Có bao giờ bạn tự hỏi điều gì đã xảy ra với chiếc điện thoại gập cũ kỹ mà bạn từng dùng hay không? Nó có lẽ đã bị chôn ở một bãi rác nào đó cùng với hơn 140 triệu chiếc điện thoại di động mà người Mỹ thải loại ra các bãi rác hàng năm. Mỗi năm trôi qua lại phát sinh hơn 50 triệu tấn rác thải điện tử như điện thoại, máy tính, TV ...
1. Đây là đóng góp của tôi cho #trashtag. Toàn thể đại gia đình của tôi đã dọn sạch bãi biển này ở gần nơi chúng tôi cắm trại vào mùa hè.
2. #trashtag dường như đang là xu hướng. Bức ảnh này được chụp ở Nepal.
3. #trashtag Vịnh Manila được coi là một trong những vịnh bẩn nhất trên thế giới. Sau 11 năm, Tòa án Tối cao cuối cùng đã ban hành sắc lệnh về việc dọn dẹp vịnh Manila, và hàng nghìn tình nguyện viên đã tham gia công việc này vào ngày 27/1/2019.
4. Khoảng 500 tình nguyện viên đã giúp dọn sạch 5 triệu kg rác trên bãi biển này ở Mumbai.
5. Đây nên là thử thách mới để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.
6. Một trong những ngày làm sạch hệ thống kênh rạch ở nơi chúng tôi ở. Với sự tham gia của Selma Kayak và thuyền rác Large Marge.
7. 3 người phụ nữ cùng nhau dọn sạch nơi này.
8. #trashtag ở Việt Nam, các bạn trẻ tình nguyện tập hợp làm sạch môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng.