Bảo vệ và phát huy hài hòa giá trị Danh thắng Ngũ Hành Sơn

Cập nhật: 25/03/2019
Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự ghi nhận, quá trình Đà Nẵng đầu tư mạnh cho ngành văn hóa để tạo dựng giá trị bền vững, phát huy cao nhất giá trị di tích, danh thắng.

Nhiều hộ sống tại đường Huyền Trân Công Chúa, quận Ngũ Hành Sơn
đã nhận đất tái định cư, xây nhà mới nhưng chưa bàn giao mặt bằng.

Mặc dù TP Đà Nẵng đã rất nỗ lực trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích nhưng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong công tác giải tỏa các hộ dân nằm trong khu vực xâm lấn di tích. Bài toán bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi của di tích vẫn đặt ra nhiều thách thức cho địa phương.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được xếp hạng Di tích Danh thắng cấp quốc gia từ năm 1980, khi đó di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Ngoài những tác động xâm thực do thiên nhiên, di tích đã phải đối mặt với sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Tại thời điểm này, chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp khắc phục quyết liệt như cấm khai thác đá trên núi Non Nước, thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn, nay là Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Sau khi chia tách tỉnh năm 1997, chính quyền TP Đà Nẵng đã xác định lại các giá trị văn hóa, lịch sử, từng bước đầu tư, nâng cấp để đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Nhiều năm qua, đây là điểm đến thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước. Khi được cấp bằng Di tích Quốc gia đặc biệt, danh thắng cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo đúng Luật Di sản văn hóa. Chính quyền các cấp phải vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quy hoạch lại toàn bộ khu vực lân cận, giáp ranh để trả lại không gian thoáng rộng vốn có của di tích.

Quần thể Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện vướng đồ án quy hoạch chi tiết Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt từ năm 2009. Với mục tiêu đặt ra khi quy hoạch chi tiết Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn là đưa khu vực có giá trị đặc biệt, hội tụ các yếu tố bảo tồn văn hóa di tích, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đến ngày 26-7-2016, UBND thành phố có Quyết định số 5002/QĐ-UBND phê duyệt sơ đồ ranh giới điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Khu Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Hiện, dự án vẫn chưa được triển khai và tiến độ đền bù, giải tỏa mới thực hiện được một phần tư, thành phố chưa kêu gọi được nhà đầu tư tương xứng.

Ghi nhận của phóng viên, hiện nay, đường Huyền Trân Công Chúa dẫn vào Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, mặc dù đã di dời hàng trăm hộ dân xâm lấn khu vực bảo vệ của di tích nhưng hiện vẫn còn một số hộ “bám trụ”, gây nên hình ảnh lộn xộn, nhếch nhác, mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Đầu đường Huyền Trần Công Chúa, hiện là nơi tập trung rác tự phát gây ô nhiễm nghiêm trọng, tại thời điểm phóng viên thực hiện bài viết, đống rác này đã tràn lan, bốc mùi hôi thối. Theo chính quyền địa phương, hiện nhiều hộ gia đình đã nhận đất, làm nhà tại khu tái định cư nhưng vẫn không giao trả nhà, mặt bằng và có tám hộ chưa nhận đất tái định cư. Chính thực trạng này gây nên hình ảnh “lởm khởm” ngay ngọn núi Sơn Thủy - phía mặt tiền di tích. Phần lớn các hộ dân đang sống tại đây kinh doanh, buôn bán các loại đá mỹ nghệ, buôn bán tạp hóa, cà-phê, trông giữ xe phục vụ du khách đến tham quan. Liên quan đến công tác di dời, giải tỏa khu vực này, hiện chính quyền địa phương đang vận động hơn 40 hộ dân để bố trí về khu tái định cư mới. Ông Đặng Hữu Thông, Tổ trưởng dân phố 55, phường Hòa Hải cho biết: Những hộ còn chưa di dời, giải tỏa ở phía bắc đường Huyền Trân Công Chúa, tổ dân phố đã nhiều lần có ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND phường, quận cũng nhiều lần mời họ lên gặp, nhưng hiện vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Ngũ Hành Sơn nay là Di tích Quốc gia đặc biệt vì vậy, người dân mong mỏi các cấp chính quyền sớm có những giải pháp cụ thể, quy hoạch bài bản để phát huy đúng giá trị di tích, ổn định đời sống người dân. Các cấp chính quyền cần tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đường Huyền Trân Công Chúa, để khớp nối quy hoạch đồng bộ, khi có quy hoạch tổng thể mới phân kỳ đầu tư theo quy trình. Phải giải tỏa dứt điểm để phân kỳ đầu tư, từng bước phát huy các giá trị của di tích công tác bảo vệ cần được đặt lên hàng đầu nhằm bảo đảm việc con người không can thiệp thô bạo vào di tích. Bảo vệ tốt môi trường văn hóa, môi trường an ninh trật tự, an toàn, mới thu hút được du khách, tạo nguồn thu để tiến hành trùng tu, tôn tạo, xây dựng hạ tầng mới phát huy được các giá trị cốt lõi. Bản thân di tích này là một vốn quý và tự di tích hiện tại đã là một báu vật thiên nhiên hội tụ nhiều giá trị cả về lịch sử, văn hóa, tâm linh. Mở rộng không gian cho di tích là ý kiến được nhiều người tâm đắc, vì sự kết tinh của tự nhiên, tạo nên vẻ đẹp độc nhất cho Ngũ Hành Sơn. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, những nỗ lực của chính quyền và người dân Đà Nẵng đối với di tích trong thời gian qua rất cần thiết. Đó là tín hiệu tích cực làm sống lại những giá trị cốt lõi của một di tích độc đáo, giàu giá trị văn hóa, tâm linh. Việc bảo vệ, phát huy các giá trị đó, sẽ làm giàu có thêm giá trị của di tích đặc biệt này.

Nhìn tổng thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn, không khó để nhận ra trong những thời điểm nóng phát triển đô thị, quy hoạch đô thị không được gắn với chuỗi giá trị lâu dài đã tác động lên di tích. Cụ thể, tháng 5-2010, Đà Nẵng lắp đặt hệ thống thang máy nhằm đưa khách tham quan chùa Linh Ứng trên đỉnh hòn Thủy Sơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Đà Nẵng cho lắp đặt hệ thống thang máy lên di tích này đã làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có, phá vỡ tổng thể của di tích. Bởi những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, tâm linh, kinh tế, du lịch cho nên công tác quy hoạch, giữ gìn, tôn tạo di tích phải thận trọng, tránh xâm hại đến cảnh quan thiên nhiên, các giá trị truyền thuyết. Bài toán phát huy các giá trị vốn có của di tích, danh thắng luôn phải đặt song song với bài toán kinh tế. Đưa di tích vào điểm nhấn trong hành trình khám phá, phát triển du lịch, bán vé và chính nguồn thu từ bán vé sẽ được dùng để “tái đầu tư”, tôn tạo di tích. Nhưng, vẻ đẹp độc nhất mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng cho Ngũ Hành Sơn, thì càng hạn chế sự tác động của con người, vẻ đẹp ấy mới thực sự tỏa sáng.

Chính quyền TP Đà Nẵng xác định vai trò của người dân địa phương là vấn đề then chốt trong việc bảo tồn, trùng tu, gìn giữ Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Di tích này cần sớm được trả lại không gian mở và việc trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa lịch sử cũng như những dự án phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn cần tiến hành nghiêm túc, đúng luật định, tránh xâm hại di tích dưới mọi hình thức.

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Nguồn: NDO