Kiên Giang: Phát triển khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Cập nhật: 02/04/2019
Trong hai năm 2019 – 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng với tổng vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng. Dự án nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Hồ Hoa Mai ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang)

Trong hai năm 2019-2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng với tổng vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn nhấn mạnh dự án này nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

Dự án từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tuyến du lịch sinh thái, tạo dựng các điểm hấp dẫn làm cơ sở đưa Vườn Quốc gia U Minh Thượng là một trong những Vườn Quốc gia tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ngoài những giá trị và tiềm năng của bản thân rừng Tràm, các cảnh quan tự nhiên như đầm lầy, hệ thống kênh đào, hệ canh tác đất nông nghiệp trên vùng đệm đã góp phần tạo cho rừng thêm phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Đây là một bức tranh thiên nhiên tổng hòa của trời – đất – con người, do đó du khách có thể chọn các loại hình và sản phẩm du lịch đa dạng: du lịch khoa học, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – giải trí và du lịch cộng đồng, cắm trại dã ngoại, homestay… để khám phá những nét văn hóa độc đáo của người dân U Minh Thượng.

Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng được phát triển theo hướng: tham quan cảnh quan thiên nhiên rừng tràm trên đất than bùn, hệ sinh thái đầm lầy đất ngập nước kết hợp quan sát động vật hoang dã; tham quan sân chim, máng dơi; quan sát động vật hoang dã về đêm. Du lịch sinh thái kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử và tham quan cộng đồng dân cư địa phương.

Du lịch sinh thái trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, giáo dục, vui chơi, giải trí; du lịch sinh thái cộng đồng homestay… Dự án quản lý, bảo vệ khôi phục tài nguyên rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên diện tích phát triển du lịch sinh thái hơn 8.000ha, diện tích cho thuê môi trường rừng đến năm 2030 khoảng 195ha.

Cùng với đó, dự án xây dựng 9 tuyến tham quan du lịch sinh thái trên lâm phần Vườn Quốc gia U Minh Thượng; xây dựng văn phòng, nhà làm việc, cơ sở hạ tầng, nhà nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khu công năng phục vụ dịch vụ du lịch sinh thái; đầu tư hệ thống đường đi bộ qua các hệ sinh thái rừng đặc sắc, kết nối các điểm cảnh quan tự nhiên và các hệ sinh thái rừng đặc trưng; hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng Homestay.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng có diện tích tự nhiên 8.038 ha, nằm trên địa bàn hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận thuộc huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Vườn Quốc gia này được xem như một bảo tàng thiên nhiên lớn về hệ sinh thái đất ngập nước. Nổi bật là cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loài động vật quý hiếm.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng hiện là một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam bộ và của Việt Nam; trên than bùn còn lại những cảnh quan tự nhiên của rừng U Minh xưa với những cây tràm cổ thụ, dòng nước đỏ vùng U Minh và nhiều loài cá đồng, rắn, rùa, lươn, ếch, mật ong, chim cò, dơi…

Hệ sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang)

Năm 1994, rừng tràm U Minh Thượng (Kiên Giang) trở thành Khu Bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng, với diện tích rừng tràm trên đất than bùn được bảo vệ hơn 8.000 ha. Năm 1997, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận nơi đây là Khu Di tích cấp Quốc gia. Năm 2002, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được thành lập.

Năm 2006, Vườn được công nhận là một trong 3 khu vực trọng yếu của Khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc vùng ven biển và vùng biển Kiên Giang.

Năm 2012, Vườn Quốc gia U Minh Thượng là Vườn Quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN và là Vườn Di sản ASEAN đầu tiên trên đất than bùn trong khu vực.

Năm 2015, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam.

Những năm gần đây, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được du khách biết đến là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở miền Tây Nam bộ và ngày càng có nhiều khách du lịch tìm đến.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng cho biết, năm 2018 thu hút hơn 63.180 lượt du khách đến tham quan, du lịch, tăng 5% so với năm 2017, doanh thu đạt hơn 4,7 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm nay, Vườn đón trên 15.000 lượt du khách đến thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên rừng tràm, tham quan sân chim, máng dơi và câu cá giải trí…

Vườn Quốc gia U Minh Thượng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư và du khách đến tham quan tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng thực hiện xã hội hóa các loại hình dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan, du lịch, vui chơi giải trí; thường xuyên dọn vệ sinh các tuyến tham quan, duy trì cảnh quan xanh-sạch-đẹp trên lâm phần.

Vườn chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên những thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa lịch sử, văn hóa truyền thống để thu hút du khách du lịch. Vườn phấn đấu năm 2019 đón từ 70.000 lượt du khách trở lên.

 Hạnh Trang (t/h)

Nguồn: moitruong.net.vn