Là điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực, Việt Nam đang xác lập những bước tăng trưởng ngoạn mục và mạnh mẽ về du lịch. Thế nhưng, cùng với đó là không ít thách thức trong khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là ở những nơi du lịch phát triển “nóng”. Để giải quyết vấn đề này, du lịch xanh được xác định là “chìa khóa” cho sự phát triển bền vững.
Gian hàng có thiết kế xanh tại Hội chợ VITM Hà Nội năm 2019.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, du lịch xanh đã trở thành xu hướng của ngành công nghiệp không khói ở nhiều nước trên thế giới, bởi có vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học, văn hóa cộng đồng và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nghiên cứu từ Tổ chức Trip Advisor cho thấy 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Ðiều này khẳng định, du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.
Sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa - nhân văn đa dạng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã xác định: Phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương là giải pháp để Việt Nam phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, từ thực tế khai thác hoạt động du lịch thời gian qua, có thể thấy hướng đi này vẫn còn gặp nhiều thách thức. Và những thách thức đó đã được các chuyên gia du lịch thẳng thắn đề cập tại diễn đàn "Du lịch xanh" vừa được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019. Trước hết là hạn chế trong nhận thức về phát triển du lịch xanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động đầu tư, phát triển du lịch. GS,TS Nguyễn Văn Ðính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Ðào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) đã thẳng thắn chỉ ra các vấn đề tiêu cực: Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để. Nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển, đảo. Sự xung đột về lợi ích kinh tế, tầm nhìn ngắn hạn và sự hạn chế về công nghệ cũng dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch, rào cản đối với du lịch xanh còn là sự thiếu hụt cơ chế, chính sách và những hướng dẫn cụ thể về phát triển loại hình này. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012 nhưng các cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển du lịch xanh cũng như các quy định, hướng dẫn cụ thể chưa được ban hành, dẫn đến phát triển du lịch ở nhiều địa phương còn mang tính tự phát, không tuân thủ các yêu cầu, nguyên tắc phát triển xanh và bền vững. Thêm nữa, việc đòi hỏi phải chi cho đầu tư ban đầu khá lớn để phát triển những giải pháp xanh cũng là khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp, địa phương còn băn khoăn, ngần ngại...
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh, giải pháp cơ bản là cần nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch: từ nhà quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp tới cộng đồng làm du lịch và du khách. Ðồng thời, để tạo môi trường thuận lợi cho du lịch xanh phát triển, TS Nguyễn Văn Ðính cho rằng, cần có những hành động cụ thể trong xây dựng, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, trong thẩm định và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch ở các cấp trên phạm vi cả nước. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chính sách tăng cường tính "xanh" trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi nơi như ứng dụng năng lượng tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện, chế biến rác thải, xử lý nước thải...; khuyến khích các chương trình bảo tồn, truyền bá văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du lịch; xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về du lịch xanh để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch có thể vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Ðây cũng là căn cứ để công nhận những sản phẩm du lịch xanh như: tua du lịch xanh, khách sạn xanh, nhà hàng xanh...
Thời gian qua, một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã chủ động áp dụng những biện pháp để chuyển đổi theo hướng phát triển xanh với các mô hình tiết kiệm điện, nước, đăng ký chứng nhận nhãn Bông sen Xanh cho các cơ sở lưu trú, xây dựng những tua du lịch có trách nhiệm như thám hiểm hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), tua vớt rác tại Hội An (Quảng Nam)... Lấy chủ đề "Du lịch xanh", Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2019 vừa được tổ chức cũng muốn thúc đẩy và khẳng định vai trò đi đầu của doanh nghiệp. Nhiều công ty đã thể hiện quyết tâm đối với mục tiêu tăng trưởng xanh ngay từ việc thiết kế gian hàng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, cùng với đó là các chùm tua khuyến khích du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và tinh thần chủ động của một số doanh nghiệp du lịch cũng như sự quan tâm, đánh giá cao của Nhà nước về tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh là những tiền đề hứa hẹn ngành công nghiệp không khói nước nhà sẽ có những bước tăng trưởng xanh, bền vững trong thời gian tới.
TRANG ANH