Không ngẫu nhiên khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn “Du lịch xanh” làm chủ đề chính tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019 vừa qua.
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch xanh đang rất được du khách quan tâm, đón nhận và đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế tất yếu để phát triển bền vững ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, tại nước ta, hiện nhiều người mới chỉ “vỡ vạc” về khái niệm này, trong khi lẽ ra đây phải là câu chuyện từ cả chục năm trước.
Du khách trải nghiệm hoạt động du lịch nông nghiệp tại trang trại Đồng quê Ba Vì (huyên Ba Vì).
Ảnh: Khuê Diệp
Đã có chuyển động
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, việc lấy "Du lịch xanh" làm chủ đề chính của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019 vừa qua, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, người dân cùng đưa du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Các doanh nghiệp du lịch đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm du lịch xanh thông qua quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, các sáng kiến bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu trong ngành Du lịch. Còn người dân thì hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong hành trình đưa du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
Một trong những nét đáng chú ý tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019 là có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng chủ đề “Du lịch xanh” thông qua cách trang trí gian hàng. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc HanoiRedtours cho biết, gian hàng của HanoiRedtours thể hiện không gian xanh không chỉ để đối tác, du khách đến tham quan và làm việc, mà còn truyền tải thông điệp “Du lịch xanh” là sự phát triển bền vững.
Trên thực tế, việc nêu trên chỉ là một phần trong quá trình triển khai các hoạt động hướng đến du lịch xanh trong thời gian qua. Trường hợp của Công ty Lữ hành Tiên Phong Travel là ví dụ điển hình. Trong mỗi lịch trình tour, Tiên Phong Travel đều lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường. Theo đó, nguyên tắc “4 không” được chuyển tải tới du khách, gồm: Không xả rác nơi công cộng và không sử dụng túi ni lông; không sử dụng thịt thú rừng, sản phẩm động thực vật bị nghiêm cấm; không tác động làm hư hại đến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái, cảnh quan…; không sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên như điện, nước… Gần đây nhất, Công ty Lữ hành Tiên Phong Travel đã tổ chức đoàn thiện nguyện, vệ sinh môi trường tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) để tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, góp phần thu hút du khách.
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Tiên Phong Travel cho rằng, những nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp du lịch sẽ góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận du khách cũng như người dân địa phương và tạo được phong trào “Yêu môi trường” trong cộng đồng. Còn theo ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc VietSense Travel, trong các hành trình của VietSense Travel đều chú trọng hướng dẫn thực hiện các hoạt động ý nghĩa tại các điểm đến như lựa chọn đối tác khách sạn đạt tiêu chuẩn xanh, hạn chế sử dụng túi ni lông, tham gia nhặt rác tại điểm đến, vận động du khách không xả rác... Các tour du lịch nước ngoài cũng hướng đến các tuyến du lịch thiên nhiên như Maldives, Bali (Indonesia), Hàn Quốc, Nga và các quốc gia có nhiều thắng cảnh thiên nhiên, biển đảo.
Cần những động thái mạnh mẽ
Tại diễn đàn “Du lịch xanh” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, bên cạnh những tiềm năng phát triển du lịch xanh tại Việt Nam, hiện còn tồn tại nhiều vấn đề và trở thành thách thức không nhỏ, như: Nhận thức về phát triển du lịch xanh của người dân chưa đầy đủ, chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc phát triển bền vững; thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể để phát triển du lịch xanh; vấn đề tài chính và đầu tư vào các giải pháp xanh; việc tiêu thụ năng lượng, tài nguyên nước khó kiểm soát... Theo đại diện doanh nghiệp Topas, do không có hệ thống xử lý rác thải ở nhiều điểm đến tại Việt Nam, nên không thể áp dụng triệt để quy trình xử lý rác của chính doanh nghiệp.
Còn ông Tráng A Chu, chủ của A Chu Homestay tại Vân Hồ (tỉnh Sơn La) cho biết, cơ sở hạ tầng tại địa phương chưa đồng bộ, trong đó rõ nhất là thiếu những cây cầu dân sinh, nên ảnh hưởng đến hoạt động của du khách khi muốn tham gia vào hành trình khám phá du lịch xanh tại địa phương. Ngoài ra, sự hỗ trợ về vốn, ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp khai thác du lịch cộng đồng cũng chưa rõ ràng. Theo ông Tráng A Chu, làm du lịch cộng đồng vừa đem lại công ăn việc làm cho người địa phương, vừa bảo vệ môi trường, cho nên rất cần được sự hỗ trợ về cơ chế thuế hay vay vốn. Từ đó, sẽ kích thích nhiều người cùng làm du lịch cộng đồng hiệu quả.
Không chỉ ông Tráng A Chu, đã có nhiều ý kiến đề xuất phải hỗ trợ về cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng du lịch xanh. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, giải pháp cần thực hiện ngay là truyền thông mạnh hơn nữa về du lịch xanh trong xã hội để nhận thấy tính cấp bách của vấn đề. Ngoài ra, cần khuyến khích các thế hệ trẻ khởi nghiệp du lịch với ý thức lấy du lịch xanh làm chủ đạo trong định hướng phát triển.
Du lịch xanh đang là một xu thế tất yếu trong việc phát triển ngành Du lịch bền vững. Vì vậy, đã đến lúc phải nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của du lịch xanh trong phát triển ngành "công nghiệp không khói" tại Việt Nam; trong đó việc quan trọng là cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả và mạnh mẽ của các cấp, ngành chứ không riêng ngành Du lịch.