Ngày 10/4, tại tỉnh Lạng Sơn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp vớiUBND huyện Chi Lăng, Sở VHTT&DL Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học “Khu di tích lịch sử Chi Lăng – Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cùng hơn 30 chuyên gia, Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín đã tham dự sự kiện này.
Quang cảnh Hội thảo.
Khu di tích lịch sử Chi Lăng gồm 52 điểm di tích trải dài khoảng 15km dọc theo thung lũng sông Thương, chủ yếu thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang, huyện Chi Lăng. Đây là khu di tích lịch sử ghi dấu chiến thắng chống Tống (thế kỷ XI), chiến thắng chống quân Nguyên (thế kỷ XIII), chống Pháp cuối thế kỷ 19, đặc biệt là chiến thắng Chi Lăng ngày 10/10/ 1427 tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân tinh nhuệ do Liễu Thăng chỉ huy, góp phần quyết định kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc Minh 20 năm của dân tộc. Chiến thắng Chi Lăng năm 1427 đã đi vào lịch sử vẻ vang của đất nước và trở thành biểu tượng chiến thắng, tượng trưng cho hào khí dân tộc Việt Nam.
Hội thảo thu hút hàng chục chuyên gia, Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên khẳng định, Khu di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử anh hùng cách mạng gắn liền với những chiến công hiển hách của cha ông ta trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó chính là niềm tự hào, biểu tượng cho trí tuệ, khát vọng, ý chí và sức mạnh không khuất phục của dân tộc Việt Nam và đặc biệt là nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là con đường huyết mạch ngoại giao duy nhất giữa hai nước Việt – Trung và lịch sử lâu đời của người dân nơi đây đã để lại cho Chi Lăng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Việc tổ chức Hội thảo “Khu di tích lịch sử Chi Lăng, giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vừa tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, vừa định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích. Qua ý kiến tham luận của các nhà khoa học, nhà quân sự, nhà quản lý sẽ giúp cho tỉnh tiếp tục nghiên cứu, thực hiện tốt quy hoạch, tôn tạo, xây dựng khu di tích lịch sử Chi Lăng xứng tầm với tầm vóc, ý nghĩa gắn với phát triển du lịch. Đồng thời là cơ sở để UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục củng cố và hoàn thiện hồ sơ đề xuất Cục di sản công nhận Khu di tích Chi Lăng là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Các tham luận sẽ giúp tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, thực hiện tốt quy hoạch,
tôn tạo, xây dựng khu di tích lịch sử Chi Lăng xứng tầm với tầm vóc, ý nghĩa gắn với phát triển du lịch.
Tại hội thảo, các tham luận tập trung làm rõ vào các chủ đề: Giá trị lịch sử văn hóa, giá trị lịch sử quân sự; Hoạt động bảo tồn, tôn tạo, khai thác những giá trị đặc sắc của Khu di tích lịch sử Chi Lăng để phát triển du lịch bền vững; việc triển khai đề án “Xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Bên cạnh những ý kiến đóng góp về mặt khoa học về giá trị lịch sử văn hóa, một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm chính là vai trò của người dân điạ phương trong việc tôn tạo, trùng tu và phát triển giá trị của Khu di tích. Cùng với đó, nhiều tham luận đã đưa ra những giải pháp khai thác những giá trị đặc sắc của khu di tích này để phát triển du lịch bền vững như: Cần tiến hành xây dựng Hồ sơ khoa học và pháp lý để trình Bộ VHTT&DL, Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng quần thể Khu di tích Ải Chi Lăng là di tích Quốc gia đặc biệt; chú trọng đầu tư bảo vệ và khai thác các di sản văn hóa truyền thống...
Hoàng Nghĩa