Tìm lời giải bài toán rác thải nhựa đảo xa: Cù Lao Chàm sẵn sàng cho “cách mạng môi trường” lần thứ 3

Cập nhật: 19/04/2019
Cách đây 20 năm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) ô nhiễm trầm trọng. Bằng quyết tâm của chính quyền và tấm lòng của cộng đồng người dân đã làm nên một hòn đảo Cù Lao Chàm xinh đẹp bậc nhất ở Việt Nam. Giờ đây, Cù Lao Chàm lại là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện nói không với ống hút nhựa và tiến tới giảm các vật dụng nhựa khác.

Cù Lao Chàm - đảo xanh không rác thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

Từ chuyện “cái… toilet”

Cách đất liền 15 km về phía Đông, Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) là nơi cư ngụ của 610 hộ dân (tương đương hơn 2.000 khẩu). Nơi mà từ bến tàu, âu thuyền đến những bãi tắm đông đúc người vẫn sạch bóng, chỉ có cát trắng biển xanh đêm ngày. Dẫn chúng tôi về homestay của gia đình, anh Võ Minh Lương, cán bộ Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm kể một câu chuyện hoàn toàn có thật: Hơn hai mươi năm trước, chuyện “đầu ra” của hầu hết bà con nơi đây tất thảy đều… hướng về thiên nhiên. Ngày ấy, cả xã đảo duy nhất chỉ có 4 cái nhà vệ sinh đặt ở những nơi công cộng như cảng cá, UBND xã. Khách du lịch thỉnh thoảng ra đảo chứng kiến cảnh phóng uế bừa bãi “phản cảm” của cư dân nơi đây đều cảm thấy hốt hoảng.

Thời điểm đó, năm 1999, ông Nguyễn Sự còn là Chủ tịch UBND Thị xã Hội An đã lập hẳn một dự án xây dựng nhà vệ sinh cho bà con ngoài đảo. Với nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng thị xã đã rất “sang”, vào thời ấy, khi hỗ trợ mỗi hộ dân 1,2 triệu đồng để làm nhà vệ sinh. Đồng thời, cử một đội xây dựng ra ngoài đảo làm cho dân, chi phí xây dựng không vượt quá số tiền hỗ trợ mỗi hộ gia đình.


Chị công nhân công ty môi trường đô thị Hội An ngày ngày dọn rác
dù Bãi Ông sạch bóng, nước trong xanh tới đáy biển

Để thay đổi một thói quen lâu nay của bà con trên đảo không phải chuyện “một sớm một chiều”. Khi xây dựng xong, nhiều nhà vệ sinh lại trở thành nơi để chất củi, làm nhà kho khiến chính quyền vô cùng đau đầu. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sự phải trực tiếp ra đảo kiểm tra. Kiên trì vận động đến năm 1998, hàng trăm hộ dân ở Cù Lao Chàm đã xóa được những “nhà vệ sinh di động” ngoài bờ biển. Tất cả mọi người đều chấp hành “nhiệm vụ mới” và cũng là nhiệm vụ giữ môi trường sống của chính mình và các loài sinh vật biển.

“Từ khi thay đổi thói quen phóng uế bừa bãi, đảo sạch hơn bà con bắt đầu tự đầu tư xây dựng nhà vệ sinh hiện đại hơn. Bây giờ, đi khắp các đảo dọc đất nước không không đâu có nhà vệ sinh đẹp và sạch sẽ hơn Cù Lao Chàm cả” - anh Võ Minh Lương tự hào “khoe”.

…đến hòn đảo nói không với túi ni lông

Còn nhớ, khi Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới được du khách quốc tế biết đến, Cù Lao Chàm cách đó gần 20 km cũng được “thơm lây”. Nhưng du khách kéo đến nhiều cũng là lúc Cù Lao Chàm trở thành “túi rác” khổng lồ giữa biển khơi. Từ rác thải sinh hoạt, hoạt động du lịch, khai thác thủy sản; đến các loại rác thải từ đất liền với nhiều loại túi ni lông theo sóng tấp vào bãi biển, kè đá làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường Cù Lao Chàm… Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước.

Tháng 5/2009, Cù Lao Chàm phát động Chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông” trên cơ sở huy động sự đồng thuận của người dân. Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền tại khu dân cư, Ban Quản lý du lịch, Ban Quản lý bến và Ban Môi trường còn làm việc với chủ ca nô đưa nội dung cuộc vận động không sử dụng túi ni lông vào nội dung hướng dẫn du khách khi bước chân lên đảo, kiểm soát ngay tại điểm xuất bến. Đến nay, người dân trên hòn đảo du lịch này đã nói không với loại vật dụng tưởng “không thể nào thiếu” này.

Với người dân Cù Lao Chàm, việc dùng túi cước, hay bao xác rắn,
làn nhựa, hộp nhựa... để đi chợ đựng thực phẩm đã trở thành thói quen thường nhật

Ghé thăm chợ Tân Hiệp, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ cô bán rau đến chị bán cá, cả những sạp hàng bánh ít lá gai, bánh su suê đặc sản đất Quảng ở Cù Lao Chàm ai ai cũng cầm trên tay những chiếc túi giấy, túi lưới, túi lát đủ kích cỡ. Và, trẻ em ở Cù Lao Chàm rảnh tay, thay vì chơi đùa, các em đều phụ cha mẹ gấp túi giấy dự trữ vào những ngày cuối tuần. Nói không với túi ni lông đã không còn là khẩu hiệu, trên pa-nô mà đã ăn sâu vào nếp nghĩ, hành động của người dân nơi đất đảo một cách tự nhiên.

“10 năm nay, người dân xã đảo không sử dụng túi ni lông nữa. Bữa nào mua nhiều thì mang làn to, còn bữa nào mua ít, hoặc đi làm ghé qua chợ thì sử dụng túi lưới, túi giấy. Sau đó, những túi này sẽ giặt phơi để tái sử dụng hoặc mang tặng lại cho các hộ kinh doanh vừa tiện lại bảo vệ môi trường, người dân chúng tôi rất thích. Còn với các loại hàng khô khác, chúng tôi đều được phát các túi làm bằng giấy, bằng báo để không gây hại cho môi trường” - Chị Lê Thị Bích Liên, người dân bãi Ông vừa thoăn thoắt bỏ những con cá vào chiếc hộp nhựa vừa trò chuyện.

Những âu tàu không rác ở Cù Lao Chàm

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Kim Thùy - cán bộ môi trường xã Tân Hiệp cho biết, người dân rất ý thức, ở đây, không ai còn muốn sử dụng túi ni lông. Người dân đã hoàn toàn chủ động tìm vật liệu thay thế cho loại chất liệu này như lá chuối, lá bàng hay vật liệu cây cỏ có trên đất đảo. “Việc vận động cũng phải lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” mới có được thương hiệu như ngày nay. Không những vậy, việc “hậu kiểm” cũng phải được thực hiện thường xuyên để bản thân doanh nghiệp, khách từ nơi khác đến đảo cũng tự thấy ý thức bảo vệ môi trường”- bà Trần Thị Kim Thùy cho biết.

Hướng đến đảo nói không với ống hút nhựa, chai nhựa dùng một lần

Sau thành công của 2 cuộc “Cách mạng môi trường”, cuối năm 2018, TP. Hội An lại tiếp tục phát động Chương trình “Cù Lao Chàm nói không với ống hút nhựa” với thông điệp chỉ một hành động nhỏ nhưng có thể mang lại thay đổi lớn. Đến nay, Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động nói không với ống hút nhựa và tiến tới giảm các vật dụng nhựa khác.

Các bạn trẻ trên đảo gấp túi giấy, báo cũ để thay thế túi ni lông

Những ngày này đến với Cù Lao Chàm, bước vào quán cà phê, nhà hàng, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những ống hút thân thiện với môi trường từ cây sậy, tre, trúc thay thế ông hút nhựa. Anh Huỳnh Giang, Chủ cửa hàng Hải Dương, bãi Ông, xã Tân Hiệp chia sẻ, với 80.000 anh chỉ mua được tầm 100 ống hút sậy, trong khi đó, với giá tiền này anh có thể mua được hàng trăm ống hút nhựa. Dĩ nhiên, khi kinh doanh, lợi nhuận sẽ giảm đi nhiều nhưng cái gì lợi ích chung, bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như sức khỏe của con người, phải theo chứ. Thế mới thấy được tình yêu của người dân nơi đây đối với đảo lớn đến chừng nào!

Lần đầu tiên đến với Cù Lao Chàm, cô Alice Wettergren, du khách Thụy Điển cũng phải ngạc nhiên thốt lên rằng, biển ở đây hoang sơ và xinh đẹp quá. Trực tiếp sử dụng những chiếc ống hút sậy tại quán ăn, cô rất ấn tượng với cách người dân ở đây bảo vệ môi trường biển. “Sáng nay, tôi đã đi vòng quanh đảo bằng xe máy. Tôi vô cùng thích thú bởi biển ở đây sạch không túi ni lông, nước biển xanh lóng lánh. Chắc chắn khi về đến Thụy Điển tôi sẽ giới thiệu đến với bạn bè, người thân về hòn đảo xinh đẹp này” - cô Alice Wettergren vui vẻ nói.

Và họ cùng quyết tâm giữ đảo Cù Lao Chàm Xanh mãi

Cù Lao Chàm có thực sự trở thành hòn đảo “nói không với chai nhựa dùng một lần và ống hút nhựa hay không?” - chắc chắn được. Điều này được thể hiện bởi sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Nói như Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hiệp Trần Thanh Hải: “Khó như việc vận động người dân bỏ thói quen đi vệ sinh trên núi dưới biển, khó như việc vận động bà con và nhất là tiểu thương trong chợ bỏ túi ni lông mà đảo Cù Lao Chàm còn làm được, cớ gì chúng tôi lại không vận động bà con bỏ ống hút nhựa dùng một lần”.

Với quyết tâm như thế, chúng tôi tin, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, Cù Lao Chàm sẽ luôn là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách muôn phương, bởi nơi đây là đảo xanh, hoàn toàn không có bóng dáng của túi ni lông, ống hút nhựa hay chai nhựa dùng một lần.

Bài và ảnh: Việt Hùng - Lan Anh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn