Bài 2 - Du lịch Đà Bắc: Diện mạo mới từ những ‘hạt giống’ đầu tiên

Cập nhật: 02/05/2019
Người dân làm homestay và đặc biệt là những phụ nữ như Nhềm sau bốn năm đã tự học được nhiều điều để phát triển bản thân, mở ra nhiều hơn cơ hội đổi đời từ chính vốn văn hóa, sản vật địa phương...

Góc thư giãn ngoài trời trong không gian Ngọc Nhềm homestay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Buổi sớm ở xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), không khí trong lành với tiếng chim chí choách chuyền cành đã thức chúng tôi dậy thưởng ngoạn một khung cảnh núi non hữu tình, thư thái ngắm lòng Đà giang xanh ngắt soi bóng những bè cá dập dềnh.

Những ngày tháng Ba nơi này đẹp nhất là từng vạt đồi đỏ rực hoa gạo, những quả đồi phủ kín luồng xanh đương mùa rụng lá. Con đường mòn uốn lượn bao quanh những hòn đảo như Hạ Long thu nhỏ, qua những nương ngô, nóc nhà sàn nhuộm màu thời gian dưới tán những cây hồng, mít hay nhãn… Con trẻ tíu tít khi thấy người lạ, những cụ bà cười móm mém ló đầu qua ô cửa hiền khô.

Nhờ “đòn bẩy” từ dự án AOP (The Australian Foundation for the Peoples of Asia and the Pacific Limited) hỗ trợ Đà Bắc phát triển du lịch cộng đồng, sau bốn năm, diện mạo nơi đây đã dần khởi sắc.

Người dân từ chỗ đầy bỡ ngỡ, lóng ngóng chuẩn bị đồ ăn, trải chăn chiếu ngủ rồi giao tiếp ngượng ngùng với khách…; từ chỗ thí điểm 1-2 homestay, Đà Bắc đã có hàng chục homestay (tập trung ở Đá Bia, xóm Ké, xóm Sưng) đạt chuẩn đón khách nước ngoài và trở thành “hạt giống” cho nhiều địa phương khác đến học tập mô hình.

Nỗi niềm giờ mới kể

Khi thấy khách du lịch tìm đến Đá Bia ngày càng đông, nhìn ra cơ hội du lịch cộng đồng, gia đình chị Đinh Thị Nhiệu (Quang Thọ homestay) mới bàn nhau rồi vay mượn khắp nơi để dựng homestay như bây giờ. Chị Nhiệu bảo, lo thì lo đấy vì đến giờ vẫn chưa thu lại được vốn nhưng mà vui, vì làm du lịch được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, lại đỡ vất vả hơn làm nông.

Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu vụng về, chị Nhiệu cho hay, lần đón đoàn khách đầu tiên hồi hộp, lo lắng đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên. Trước khi khách đến chị và chồng trằn trọc, cứ vắt tay lên trán thao thức cả đêm. Chị bảo, vốn chỉ là gia đình thuần nông nên thời gian đầu khó khăn nhất là thiếu vốn đầu tư cũng như kỹ năng làm du lịch.

Khách đến thăm quan mô hình du lịch cộng đồng ở Đà Bắc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Người dân Đá Bia và đặc biệt là những phụ nữ như chị Nhiệu, như Nhềm… từ chỗ còn chưa hiểu du lịch cộng đồng là gì, sau bốn năm đã có thể tự tin đón được nhiều đoàn khách cả trong và nước ngoài; từ chỗ không biết cách quảng bá rộng rãi tới khách du lịch, chưa có thuyền lớn để đưa khách đi lại…, nay mọi thứ chẳng thiếu gì.

Hàng ngày, Nhềm lên Facebook cập nhật thông tin của homestay, hình ảnh dẫn khách đi tour khám phá sông núi, sản vật địa phương như một cách quảng bá trực quan. Nhềm tự tin “bắn tiếng Anh” hoặc cùng lắm khách không hiểu lại duyên dáng dùng ngôn ngữ hình thể. Nhềm cứ thoăn thoắt sắp đặt mọi việc, quản lý hoạt động của homestay như thế.

Hay như Đinh Thị Thúy, từ chỗ chỉ biết mỗi nương rẫy vất vả, lấm lem, nay đã có thể tự cập nhật, học nấu các món ăn mới từ “bác Google” và cũng bày biện điệu đà như nhà hàng. Cùng bố mẹ vận hành homestay cũng giúp Thúy mở mang nhiều điều, thêm cơ hội giao lưu với bạn bè khắp nơi.

Du khách thích thú thưởng thức đặc sản địa phương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khi “hạt giống” sinh sôi

Anh Vũ Tuyển, chuyên gia dự án cho biết, từ tháng 8/2014, AOP hỗ trợ bà con 50% kinh phí (được hiểu là kinh phí cho vay không tính lãi trong hai năm từ 7/2014-7/2016) cho bốn homestay ở hai xã Hiền Lương và xã Tiền Phong của huyện Đà Bắc thí điểm, mở các lớp tập huấn cho người dân.

Với hình thức hỗ trợ này, sau đó, khi có lợi nhuận, mỗi hộ sẽ “trả nợ” bằng cách trích 30% từ lợi nhuận hàng tháng (20% dùng để quay vòng đầu tư cho hộ dân khác và 10% dùng duy trì hoạt động quỹ du lịch cộng đồng Đà Bắc).

Không “đem con bỏ chợ,” trong bốn năm qua, dự án AOP vẫn luôn đồng hành cùng bà con xóm Đá Bia bằng cách thành lập Công ty cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc, hỗ trợ người dân tìm kiếm nguồn khách, giám sát chất lượng du lịch…

Quầy hàng 'tự giác' ở xóm Tiền Phong, người mua tự bỏ tiền tương ứng với giá trị món hàng.
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Mỗi đoàn khách được đưa đến đây đều có điều phối viên phân chia số lượng về các hộ để cùng nhau phát triển dịch vụ chứ không tập trung vào riêng homestay nào. Khách qua công ty sẽ trích lại phần trăm vừa để duy trì hoạt động công ty vừa góp phần tái đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Từ “hạt giống” Homestay Ngọc Nhềm, nay xã Tiền Phong còn có những Đinh Thu Homestay, Quang Thọ Homestay, Lake View Homestay, Văn Hiếu Homestay.

Nhềm cho biết, lượng khách Âu đến đây nhiều hơn khách Việt. Riêng năm 2018, Homestay Ngọc Nhềm đón 155 đoàn (mỗi đoàn từ 8-17 khách). Nhiều tỉnh bạn cũng sang Đá Bia để học hỏi mô hình du lịch cộng đồng này như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng…

Những người dân địa phương như Nhềm, sau 4 năm gắn bó với công việc du lịch cộng đồng, cũng đã nhận ra đây chính là mô hình phát triển du lịch bền vững.

Con đường lãng mạn giữa rừng luồng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Tôi cũng luôn cầu thị, đi học hỏi để phát triển bản thân, phát triển mô hình du lịch của gia đình chứ không chỉ bằng lòng với những gì đang có. Chúng tôi tự ý thức được việc bản thân cần phải vận động nhiều hơn vì hiểu rằng AOP không thể lúc nào cũng đồng hành cùng mình,” Nhềm chia sẻ.

Người dân làm homestay ở Đà Bắc và đặc biệt là những phụ nữ như Nhềm sau bốn năm đã tự học được nhiều điều để phát triển bản thân, mở ra nhiều hơn cơ hội đổi đời từ chính vốn văn hóa, sản vật địa phương và cơ sở vật chất đậm nét truyền thống dân tộc. Con đường dẫu còn dài và nhiều khó khăn nhưng ít ra, đến giờ này, họ đã biết mình muốn gì, làm được gì cho bản thân và cộng đồng.

Khách tây thích thú với những cung đường trekking ở Đà Bắc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Toàn bộ địa giới hai xã Hiền Lương, Tiền Phong (Đà Bắc, Hòa Bình) đều nằm trong khuôn viên lòng hồ, nên có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái lòng hồ và du lịch văn hóa, lịch sử… cũng như thế mạnh về phát triển kinh tế thủy sản.

Không chỉ có lợi thế kết hợp các yếu tố tự nhiên giữa đường thủy và đường bộ giữa hai xã mà cung đường còn toát lên toàn bộ cảnh đẹp và đời sống sinh hoạt điển. hình, độc đáo của cư dân các dân tộc Mường, Dao, Tày, Thái… sống trong khu vực lòng hồ.

Hơn nữa, từ mỗi điểm lại có thể kết nối với hai điểm du lịch lân cận đã có du khách đến thường xuyên là hai huyện Mai Châu và Kỳ Sơn, giúp phát triển cụm du lịch cộng đồng Kỳ Sơn-Đà Bắc-Mai Châu để tạo thành điểm nhấn cho ngành du lịch Hòa Bình trong tương lai.

 

Tố Linh

Nguồn: TTXVN