Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã khởi động Kế hoạch hành động vì các đại dương Xanh và các nền kinh tế biển bền vững cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
ADB đang lên kế hoạch bảo vệ đại dương trên thế giới. (Nguồn: UC Berkeley News)
Ngày 2/5, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã khởi động Kế hoạch hành động vì các đại dương Xanh và các nền kinh tế biển bền vững cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Việc khởi động kế hoạch trên nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) lần thứ 52 đang diễn ra tại Fiji. Theo đó, ADB sẽ mở rộng gói hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế biển và bảo vệ đại dương lên tới 5 tỷ USD trong 5 năm, từ 2019-2024 bao gồm cả phần vốn hỗ trợ từ các nước đối tác.
Kế hoạch hành động sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực: tạo sinh kế hòa nhập và cơ hội kinh doanh trong ngành du lịch và nghề đánh bắt cá bền vững; bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển, biển và các sông chính; giảm các nguồn ô nhiễm biển trên đất liền, bao gồm nhựa, nước thải và dòng chảy nông nghiệp; cải thiện tính bền vững trong phát triển cơ sở hạ tầng cảng và ven biển.
Để từng bước triển khai Kế hoạch hành động, trước mắt, ADB sẽ khởi động Sáng kiến tài chính các đại dương để tạo cơ hội cho các khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào các dự án có lãi với mục đích giúp cải thiện môi trường biển.
Sáng kiến này sẽ cung cấp các khoản tài trợ về tài chính và kỹ thuật từ ADB và các nhà tài trợ khác để giảm những rủi ro tài chính của các dự án. Điều này sẽ được thực hiện thông qua các công cụ như bảo đảm rủi ro tín dụng và "trái phiếu xanh" trên thị trường vốn.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho rằng sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào các đại dương Xanh và sự phát triển bền vững. Ông nhấn mạnh hai yếu tố này cần hướng tới một tương lai vững mạnh hơn nơi con người và các đại dương cùng phát triển.
Hội nghị thường niên ADB lần thứ 52 khai mạc ngày 1/5 tại Nadi - thành phố lớn thứ 3 Fiji với sự tham dự của bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương, các quan chức chính phủ, các đại diện khu vực kinh tế tư nhân, các đối tác phát triển và đại diện các cơ quan báo chí khu vực châu Á- Thái Bình Dương.