Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa thống nhất bổ sung danh mục 9 nhà vườn tại làng cổ Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) được hỗ trợ trùng tu năm 2019 với tổng giá trị là trên 5,6 tỷ đồng.
Nhà vườn Huế (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa thống nhất bổ sung danh mục 9 nhà vườn tại làng cổ Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) được hỗ trợ trùng tu năm 2019 với tổng giá trị là trên 5,6 tỷ đồng (khoảng từ 600-820 triệu đồng/nhà).
Theo đó, trong năm nay, nhà vườn của các ông, bà Lê Trọng Thị Vui, Đoàn Thị Nguyệt, Lê Thị Phương, Lương Thanh Thị Loan (Nguyễn Hoàng), Lương Thanh Hoàng, Trương Công Huấn, Lương Thanh Bạch và Hồ Văn Thuyên sẽ được hỗ trợ trùng tu.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, các nhà vườn bổ sung hỗ trợ trùng tu trong năm 2019 là những nhà rường cổ (loại I và loại II) nằm trong danh sách 25 nhà vườn tham gia Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" đã được phê duyệt, đáp ứng các tiêu chí phân loại nhà vườn Huế đặc trưng, điều kiện được hỗ trợ kinh phí trùng tu.
Trước đó, thành phố Huế đã tổ chức trùng tu, bảo tồn 8 nhà vườn đặc trưng, với tổng mức hỗ trợ gần 6 tỷ đồng (từ 600-750 triệu đồng/nhà).
Đó là các nhà vườn Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn tại số 31 Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp; nhà vườn của gia đình ông Lê Lương tọa lạc tại số 38 Nguyễn Hoàng, phường Kim Long; nhà vườn Hoàng Kim Khánh, địa chỉ 145 Vạn Xuân, phường Kim Long; nhà vườn của ông Hồ Xuân Doanh, phường Thủy Biều; phủ thờ Diên Khánh Vương, đường Nguyễn Sinh Cung phường Vỹ Dạ.
Riêng 3 nhà vườn tiêu biểu của các hộ: Nguyễn Hữu Thông (Sum Viên), địa chỉ 313 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, thành phố Huế; Nguyễn Thị Tâm, địa chỉ 31 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Phú Cát, thành phố Huế; Nhà thờ họ Tôn Thất (Tôn Thất Hùng), địa chỉ 7 kiệt 72 Thân Văn Nhiếp, phường Thủy Biều, thành phố Huế đang được tiếp tục hoàn thiện việc trùng tu.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, hiện trên địa bàn có khoảng 100 nhà vườn; trong đó có 25 nhà vườn tham gia đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng."
Các nhà vườn sau khi hỗ trợ trùng tu, sửa chữa đều phát huy giá trị, số lượng khách du lịch đến nhiều hơn nên doanh thu từ các dịch vụ cũng tăng lên.
Tuy nhiên, hiện nhiều nhà vườn do kinh phí trùng tu quá lớn, trong khi việc huy động nguồn vốn đối ứng gặp khó khăn; nhiều nhà vườn đều là đồng thừa kế nhưng mỗi người định cư mỗi nơi, kể cả ở nước ngoài nên rất khó khăn cho việc trùng tu theo đề án.
Để bảo tồn kiến trúc nhà vườn Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng và ban hành "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng."
Các nhà vườn được chọn trong danh mục, tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng… được hỗ trợ hơn 700 triệu đồng/nhà (loại 1), không quá 500 triệu đồng/nhà (loại 2) và không quá 400 triệu đồng/nhà (loại 3) để trùng tu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nhà vườn từ "Quỹ bảo trợ nhà vườn Huế."
Các nhà vườn trong diện bảo tồn đảm bảo các yếu tố như diện tích vườn phải lớn hơn 600m2, có kiến trúc, mỹ thuật của nhà đặc trưng Huế (như nhà rường một gian hai chái, ba gian hai chái, các cấu kiện gỗ chạm trổ công phu).
Tại các kỳ tiếp xúc cử tri Hội đồng Nhân dân tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng "Nhà vườn truyền thống Huế cần được bảo tồn thích nghi dựa vào cộng đồng" để tranh thủ thêm nguồn lực từ chính gia chủ.
Cùng với đó, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong chính sách bảo vệ nhà vườn (theo dự án bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn) như sử dụng vật liệu địa phương, gam màu truyền thống, lược giản quá trình đăng ký tham gia dự án, điều chỉnh các quyền lợi, nghĩa vụ các bên liên quan, thành lập hội nhà vườn...
Ngoài ra, cần thiết lập các tuyến du lịch nhà vườn, kết hợp với các tour du lịch ở các di sản khác sao cho thuận lợi, phù hợp vì du lịch là sự quảng bá, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn, góp phần có thêm kinh phí trong tái sử dụng và bảo quản ngôi nhà.
Theo ý kiến của nhiều người, nhà vườn Huế thực sự xứng đáng là điểm đến của du khách khi đến tham quan du lịch.
Vấn đề đặt ra là làm sao để người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ nhà vườn và nhà vườn thực sự hấp dẫn đối với du khách.
Bên cạnh việc trùng tu, để nhà vườn thuận lợi cho phát triển du lịch nên cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn. Chẳng hạn như khu nhà vườn Phú Mộng - Kim Long, Ở đây có nhiều nhà vườn, song cũng cần tạo cảnh quan và xây dựng đường giao thông thuận lợi.
Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng lại tour tuyến và có ý tưởng kinh doanh tốt. Để làm được cần có sự tham gia hướng dẫn của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, thậm chí có thể có kịch bản riêng cho hoạt động này.
Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đối với tuyến du lịch nhà vườn cần quan tâm bởi các nhà vườn ở đây có diện tích rất rộng; nhiều nơi còn là vùng đất trồng thanh trà nổi tiếng như ở Thủy Biều nhưng cùng chỉ nên mở các dịch vụ kinh doanh với quy mô vừa phải, nếu được nên kinh doanh theo kiểu xưa vì dù sao nhà vườn cũng là nơi ở của gia chủ.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần lập "Hội nhà vườn" nhằm đóng vai trò đại diện các nhà vườn truyền thống, được chính quyền công nhận; thay mặt các chủ nhân thỏa thuận, làm việc với chính quyền, các công ty lữ hành và tổ chức khác về các mặt du lịch, chính sách, sửa chữa, bảo quản thông qua các chính sách, điều lệ tạo cho các nhà vườn truyền thống chủ động trong mọi hoạt động trên cơ sở pháp luật.
Các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư là những nhà tư vấn cho Hội về mặt chuyên môn như sửa chữa, cải tạo.. vì mục tiêu của việc bảo tồn là dựa vào các yếu tố làm nhà vườn biến đổi để từ đó đề xuất giải pháp cho ngôi nhà có thể biến đổi sao cho phù hợp, đồng thời vẫn giữ được các giá trị tiêu biểu, đặc trưng của nhà vườn Huế./.
Quốc Việt