Bảo vệ môi trường dưới góc nhìn sức chứa điểm đến du lịch – Bài học từ một số điểm đến du lịch

Cập nhật: 13/05/2019
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa rất cao. Sự tồn tại và phát triển du lịch có tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có môi trường; sự tồn tại và phát triển của du lịch gắn liền với môi trường, du lịch chỉ phát triển tốt khi môi trường được bảo vệ.

Bảo vệ môi trường là vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với hoạt động du lịch, bởi môi trường không những là điều kiện để diễn ra các hoạt động du lịch mà còn là yếu tố quyết định sự hấp dẫn du lịch đó. Nếu như du lịch phát triển được là nhờ sự hấp dẫn du lịch thì môi trường đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển này, đặc biệt là trong xu hướng phát triển du lịch bền vững. Trong đó, việc bảo vệ môi trường cần được nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu khả năng sức chứa của điểm đến du lịch để không dẫn tới tình trạng quá tải, tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sống.

1. Sức chứa điểm đến du lịch

Sức chứa điểm đến du lịch có thể được hiểu là khả năng đáp ứng một cách hiệu quả nhất nhu cầu tối đa của một lượng khách tham quan nhất định, trong giới hạn nguồn tài nguyên và dịch vụ cho phép tại nơi khách đến. Nó được quyết định bởi ba yếu tố chính là: lượng nguồn tài nguyên sẵn có, số lượng khách tham quan và lượng tài nguyên và dịch vụ mà mỗi cá nhân đó sử dụng.

Thực tế cho thấy, bất cứ một điểm đến du lịch là một quốc gia hay một địa phương/thành phố, hoặc một điểm du lịch cụ thể, đều nằm trong một giới hạn nhất định về không gian địa lý, hành chính. Bên trong không gian đó chứa đựng nguồn tài nguyên nhất định cả tự nhiên và nhân tạo, đó là những sản phẩm cốt lõi tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến du lịch. Đồng thời, trong điểm đến du lịch này cũng tồn tại nhiều yếu tố sản phẩm quan trọng khác, bổ trợ cho hoạt động du lịch, như: nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, các nhà hàng, lưu trú, cửa hiệu và các dịch vụ liên quan. Một xu hướng thực tế tương đối phổ biến là, các nhà quản lý điểm đến thường chỉ tập trung quan tâm và kỳ vọng nhiều tới việc làm thế nào để thu hút được càng nhiều khách tới du lịch càng tốt, chứ chưa tập trung vào chất lượng của du khách; đồng thời còn xem nhẹ hoặc thậm chí hầu như không quan tâm tới yếu tố sức chứa của điểm đến du lịch. Điều này đồng nghĩa với việc họ chưa xác định được khả năng thực tế của điểm đến cả về khía cạnh không gian, thời gian, tính hợp lý trong việc quy hoạch các khu dịch vụ chức năng, bố trí nguồn nhân lực phù hợp và năng lực cung cấp dịch vụ, hàng hóa cũng như tập quán tiêu dùng của khách du lịch, để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của một lượng khách du lịch nhất định tới thăm quan vào một thời điểm nhất định. Với cách tiếp cận như trên, các nhà quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát và điều tiết lượng khách tới cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ của điểm đến du lịch, nhất là vào những mùa cao điểm du lịch. Khi lượng khách tới tham quan vượt quá sức chứa của điểm đến du lịch, một khối lượng lớn về hàng hóa, dịch vụ sẽ được tiêu thụ, trong khi lượng tài nguyên và nguồn nhân lực hạn chế, sẽ dẫn tới sự quá tải về mọi mặt và không thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng, doanh thu suy giảm. Đặc biệt nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng quá tải này sẽ triệt tiêu động lực của khách du lịch tới tham quan, cũng như quay trở lại và hình ảnh điểm đến sẽ ngày một mờ nhạt đi.

2. Sức chứa điểm đến du lịch và mối quan hệ với môi trường sinh thái

Sức chứa tối đa là số lượng du khách cho phép đến các khu du lịch, điểm đến du lịch trong một thời gian, không gian nhất định, được bao nhiêu thì sẽ không ảnh hưởng đến cảnh quan, các cơ sở hạ tầng du lịch không bị quá tải. Nếu mỗi địa điểm du lịch vượt qua sức chứa tối đa sẽ dẫn đến các mâu thuẫn, xung đột, điển hình như hệ thống xử lý nước thải, rác thải tại chỗ sẽ không xử lý kịp, ảnh hưởng đến môi trường. Tại một số quốc gia có quy định rất rõ: mỗi đợt khách chỉ có tối đa vài trăm người, hết đợt đó thì lượng khách khác mới được đến, mỗi tháng có bao nhiêu ngày duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, bao lâu thì phải sửa chữa, xây mới các công trình phục vụ… Đây là điều hết sức quan trọng mà lâu nay chúng ta không để ý đến trong quá trình phát triển du lịch dẫn đến nhiều khu du lịch tồn tại vấn đề về môi trường, đặc biệt là rác thải, nước thải… Nếu địa phương cứ chú tâm vào số lượng du khách, năm sau cao hơn năm trước là cảm thấy vui thì nên nghĩ lại. Đây là điều hết sức sai lầm bởi là sự phát triển không bền vững. Có khi thu 1 đồng từ du lịch nhưng phải bỏ ra đến 3 đồng để làm sạch môi trường.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, sức chứa tối đa tại các khu du lịch được tính toán từ các thông số như: hệ số thời tiết, hệ số giới hạn về môi trường (mức độ ô nhiễm, tiếng ồn, chất lượng nguồn nước, hệ số an toàn cho du khách, giới hạn ảnh hưởng đến hệ sinh thái), hệ số giới hạn về cơ sở hạ tầng, về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, năng lực quản lý điều hành… Khi xây dựng các quy hoạch phát triển du lịch đều phải phải tính đến sức chứa tối đa trong các đề án, dự án quy hoạch phát triển du lịch. Để tính toán được điều này đòi hỏi rất nhiều số liệu kèm theo, ví dụ như hệ thống xử lý rác thải, hệ thống xử lý nước, cung cấp nước sạch, loại hình kinh doanh du lịch, số lượng phòng nghỉ tối đa cho du khách. Có như vậy các địa phương mới biết được mình đang thiếu cái gì, yếu lĩnh vực nào trong quá trình phát triển du lịch, từ đó có những định hướng, kêu gọi đầu tư vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu của du khách và bảo vệ tốt môi trường.

Qua phân tích trên, có thể khẳng định, quản lý sức chứa là một trong những nội dung quan trọng, cần được nghiên cứu và triển khai đồng bộ với những yếu tố liên quan trong quá trình quy hoạch phát triển du lịch. Đặc biệt, vấn đề này càng có ý nghĩa hơn đối với những quốc gia điểm đến có ngành du lịch ở giai đoạn đầu hay đang trên đà phát triển du lịch. Quản trị tốt vấn đề sức chứa, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nhà quản lý điểm đến và các cơ sở dịch vụ du lịch từ khâu định hình được hướng phát triển một cách phù hợp ngay từ ban đầu, cho tới việc lập và triển khai hiệu quả quy hoạch, xây dựng, vận hành, quảng bá xúc tiến...;  từ đó phát huy được tối đa những lợi ích kinh tế xã hội do hoạt động du lịch mang lại, đồng thời tránh và giảm thiểu các tác động tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Với nguyên lý cơ bản mang tính định hướng trên, vận dụng tốt, chắc chắn sẽ là cơ sở quan trọng để góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển chất lượng, bền vững, có trách nhiệm.

3. Phát triển du lịch sinh thái - Xu hướng tất yếu để bảo vệ môi trường

Phát triển du lịch sinh thái là một xu thế tất yếu. Du lịch sinh thái phát triển nhằm thoả mãn nhu cầu ngày một tăng của khách du lịch, của cộng đồng. Nhu cầu này liên quan chặt chẽ đến sự phát triển không ngừng của xã hội, đảm bảo về tổng thể một tương lai phát triển lâu dài của hệ sinh thái, với tư cách là một ngành kinh tế. Bên cạnh xu thế phát triển du lịch sinh thái do nhu cầu khách quan, xu thế này còn không nằm ngoài xu thế chung về phát triển xã hội của loài người khi các giá trị tài nguyên ngày càng bị suy thoái, khai thác cạn kiệt.

Để đảm bảo tính giáo dục, nâng cao được sự hiểu biết cho khách du lịch sinh thái, người hướng dẫn ngoài kiến thức ngoại ngữ tốt còn phải là người am hiểu các đặc điểm sinh thái tự nhiên và văn hoá cộng đồng địa phương. Điều này rất quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của hoạt động du lịch sinh thái, khác với những loại hình du lịch tự nhiên khác khi du khách có thể tự mình tìm hiểu hoặc yêu cầu không cao về sự hiểu biết này ở người hướng dẫn viên. Trong nhiều trường hợp, cần thiết phải cộng tác với người dân địa phương để có được những hiểu biết tốt nhất, lúc đó người hướng dẫn viên chỉ đóng vai trò là một người phiên dịch giỏi.

Hoạt động du lịch sinh thái đòi hỏi phải có được người điều hành có nguyên tắc. Các nhà điều hành du lịch truyền thống thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận và không có cam kết gì đối với việc bảo tồn hoặc quản lý các khu tự nhiên, họ chỉ đơn giản tạo cho khách du lịch một cơ hội để biết được những giá trị tự nhiên và văn hoá trước khi những cơ hội này thay đổi hoặc vĩnh viễn mất đi. Ngược lại, các nhà điều hành du lịch sinh thái phải có được sự cộng tác với các nhà quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên và cộng đồng địa phương nhằm mục đích đóng góp vào việc bảo vệ một cách lâu dài các giá trị tự nhiên và văn hoá khu vực, cải thiện cuộc sống, nâng cao sự hiểu biết chung giữa người dân địa phương và du khách.

Du lịch sinh thái cần được tổ chức với sự tuân thủ chặt chẽ các quy định về “sức chứa”. Đứng trên góc độ vật lý, sức chứa ở đây được hiểu là số lượng tối đa khách du lịch mà khu vực có thể tiếp nhận. Điều này liên quan đến những tiêu chuẩn về không gian đối với mỗi du khách cũng như nhu cầu sinh hoạt của họ. Đứng ở góc độ xã hội, sức chứa là giới hạn về lượng du khách mà tại đó bắt đầu xuất hiện những tác động tiêu cực của các hoạt động du lịch đến đời sống văn hoá-xã hội, kinh tế-xã hội của khu vực. Cuộc sống bình thường của cộng đồng địa phương có cảm giác bị phá vỡ, xâm nhập. Đứng ở góc độ quản lý, sức chứa được hiểu là lượng khách tối đa mà khu du lịch có khả năng phục vụ. Nếu lượng khách vượt quá giới hạn này thì năng lực quản lý (lực lượng nhân viên, trình độ và phương tiện quản lý...) của khu du lịch sẽ không đáp ứng được yêu cầu của khách, làm mất khả năng quản lý và kiểm soát hoạt động của khách, kết quả là sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và xã hội.

Thị trường du lịch sinh thái hiện nay đang phát triển mạnh so với các thị trường khác. Song sự phát triển nhanh chóng này đe doạ tính bền vững của du lịch sinh thái và mở rộng ra những cái có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững. Du lịch sinh thái bản thân nó bị giới hạn phạm vi, mức độ phát triển. Nó không thể tiếp nhận một số lượng lớn du khách mà không phải là nguyên nhân dần dần làm thay đổi dẫn đến sự phá huỷ lý do mà nó tồn tại. Vì vậy vấn đề trọng tâm trong việc phát triển du lịch sinh thái bền vững là sự kiểm soát hạn chế những nguyên tắc xử lý và thực hiện. Nguyên tắc cơ bản về du lịch sinh thái phải phù hợp với những nguyên tắc tích cực về môi trường, tăng cường và khuyến khích trách nhiêm đạo đức đối với môi trường tự nhiên.

4. Bài học từ một số điểm đến du lịch

4.1. Du khách phải cam kết bảo vệ môi trường khi đến thăm đảo quốc Palau

Nằm ở phía tây Thái Bình Dương, Cộng hòa Palau bao gồm nhiều hòn đảo đẹp và có hệ sinh thái đa dạng. Từ các đảo san hô như Kayangel tới quần đảo Rock với cấu tạo hoàn toàn bằng đá vôi hay hồ sứa kỳ thú, du khách tới Palau cảm nhận thiên đường theo nhiều cách khác nhau. Giống như nhiều quốc đảo khác ở Thái Bình Dương, Palau dựa vào du lịch như một động lực chính của nền kinh tế. Mỗi năm, rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới tới khám phá hòn đảo này. Trong vài năm gần đây, số lượng khách trung bình tới Palau cao gấp gần 7 lần số dân địa phương. Khi số du khách tiếp tục tăng, các vấn đề bắt đầu phát sinh như nhiều du khách không tôn trọng hệ sinh thái và thiên nhiên.

Nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên trước việc ngày một gia tăng số lượng khách du lịch. Chính quyền đảo quốc Palau đã ban hành bắt buộc du khách cam kết dưới dạng tem hộ chiếu. Quốc đảo Palau đã thực hiện một bước cứng rắn theo hướng bảo vệ thiên nhiên. Đó là yêu cầu tất cả du khách tới đây phải dán tem cam kết đối xử tốt với môi trường trong thời gian ở Palau lên hộ chiếu của họ. Để tới Palau, mọi người phải ký cam kết sẽ “đi lại nhẹ nhàng, hành động lịch sự và khám phá thân thiện”. Sáng kiến Cam kết Palau đi kèm với một đoạn video phát bắt buộc trên các chuyến bay đến Palau với nội dung giáo dục tất cả du khách về trách nhiệm của họ đối với môi trường cùng một danh sách những việc nên làm và không được làm trong thời gian ở quốc đảo này. Nhiều người dân địa phương cảm thấy rằng Cam kết Palau là sáng kiến nhỏ nhưng là một bước quan trọng để thay đổi thái độ của du khách về giá trị thiên nhiên và sinh thái của đất nước này. Hiện vẫn quá sớm để đánh giá hiệu quả của sáng kiến, nhưng nhiều người hy vọng nó có thể là công cụ để khuyến khích cộng đồng địa phương có ý thức tương tự về bảo vệ thiên nhiên.

4.2. Thành công từ Singapore
 

Mặc dù với diện tích nhỏ bé với gần 716,1 km2, với tổng số hơn 5 triệu người sống trên quốc đảo này, trong đó có hơn 3 triệu dân mang quốc tịch Singapore, tài nguyên du lịch tự nhiên không nhiều, chủ yếu là nhân tạo, song Singapore luôn là nước đón được lượng khách quốc tế đến du lịch nhiều nhất trong khu vực. Để đạt được thành công trên, Singapore đã thực thi nhiều biện pháp và giải pháp đồng bộ trong quản lý và phát triển du lịch, trong đó vấn đề quản lý sức chứa du lịch là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu. Ý thức được vấn đề hạn chế diện tích về không gian lãnh thổ, nhằm tăng sức chứa, Singapore đã lấn biển mở rộng diện tích đất đai để xây dựng thêm các công trình, dự án phục vụ mục đích du lịch như điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan; đồng thời mở rộng sân bay, bến đỗ, cầu cảng để đảm bảo đủ công suất phục vụ được số lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng. Với nguồn nhân lực hạn chế, Singapore đã thực hiện chính sách cho phép các cơ sở dịch vụ được tuyển dụng lao động nước ngoài đủ tiêu chuẩn tay nghề cao vào làm việc để khắc phục thiếu hụt trên. Là quốc gia không có thế mạnh về tài nguyên cũng như ngành sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, Singapore đã thực hiện chính sách nhập khẩu phù hợp từ các quốc gia khác trên thế giới để đáp ứng cả nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như cho khách du lịch. Về mặt thị trường, Singapore tiến hành kết nối tour nhịp nhàng với các nước láng giềng nhằm giãn mật độ tập trung số lượng lớn khách du lịch quốc tế ở nước mình, đặc biệt vào mùa du lịch cao điểm; tiến hành chiến lược dần từng bước thay vì thu hút khách du lịch đại trà bằng tập trung sâu vào khai thác khách du lịch cao cấp. Tiêu dùng thông minh cũng được phổ biến và khuyến khích rộng rãi không những trong dân cư mà cả khách du lịch. Với việc thực thi biện pháp này đã giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực, tránh lãng phí nguồn tài nguyên khan hiếm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đáng kể cho việc duy trì tính bền vững của sức chứa điểm đến.  

4.3. Bài học từ một số điểm đến du lịch buộc phải tạm thời đóng cửa

Cửu Trại Câu (Trung Quốc)

Tháng 8/2017, khu vực tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) hứng chịu một trận động đất nặng nề, phá hủy nhiều danh thắng, trong đó nổi tiếng nhất là khu Cửu Trại Câu - nơi được mệnh danh là thiên đường dưới hạ giới. Tại thời điểm xảy ra động đất, 40.000 khách du lịch vẫn đang trên hành trình khám phá nơi này, lập tức phải sơ tán đến nơi an toàn. Ngay sau đó, ban quản lý quyết định đóng cửa khu danh thắng để khắp phục hậu quả. Nhiều cụm cảnh quan như hồ Ngũ Hoa, thác Nuorilang thiệt hại lớn. Khung cảnh hoang tàn bao trùm nơi đây khi các hồ nước từng xanh ngắt, trong vắt như gương trở nên đục ngầu.

Mặc dù từ đầu tháng 3/2018, khu du lịch này đã được mở cửa trở lại nhưng du khách sẽ không thể tham quan toàn bộ công viên như trước đây mà sẽ chỉ được tới các địa điểm bao gồm: thác nước Nuorilang, hồ Trường Hải, hồ Gương, hồ Ngũ sắc và hồ Shuzheng. Ngoài ra, bạn cần phải đăng ký theo đoàn, không được đi lẻ và phải có bảo hiểm du lịch. Lượng khách tối đa chỉ được giới hạn 2.000  người để đảm bảo an toàn và còn bởi công tác khắc phục vẫn chưa hoàn thiện hoàn toàn.

Cửu Trại Câu được biết đến là thiên đường dưới hạ giới, với hàng trăm hồ nước trong vắt, xanh ngọc bích, phản chiếu mây trời, rừng cây, đẹp tới ngỡ ngàng. Nơi đây còn được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim kinh điển, trong đó nổi tiếng nhất là Tây Du ký.

Boracay (Philippines)

Ngày 04/4/2018, Philippines đã ra lệnh đóng cửa "thiên đường" du lịch này từ ngày 26/4. Theo giới chức Philippines, dù biết rõ thiệt hại từ việc đóng cửa "thiên đường" du lịch Boracay, song họ vẫn phải áp dụng biện pháp cứng rắn này nhằm khôi phục hệ sinh thái biển cho hòn đảo. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Tuy không bị thiệt hại do thiên tai nhưng hòn đảo thần tiên nổi tiếng Philippines - Boracay - cũng đang trong tình trạng thưa thớt khách du lịch bởi thông tin sắp bị đóng cửa 6 tháng. Boracay từng là niềm tự hào của ngành du lịch đảo quốc này với thành tích nhiều năm liền xuất hiện trong các danh sách bãi biển đẹp nhất hành tinh do các tạp chí du lịch uy tín bình chọn. Năm 2017, đã có tới gần 4 triệu hành khách tới hòn đảo này. Ước tính mỗi năm hòn đảo đóng góp tới 20% doanh thu cho ngành du lịch. Việc đóng cửa hòn đảo này sẽ tác động mạnh đến ngành du lịch, khiến khoảng 17.000 nhân viên làm trong các khu nghỉ dưỡng sẽ mất việc làm.

Lý do Philippines đưa ra đó là bởi tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động ở Boracay. Lượng khách du lịch quá đông khiến cho hòn đảo thần tiên này chìm trong rác và mùi phế thải. Thêm vào đó là sự phát triển của loài tảo xanh khiến bờ biển bãi cát trắng mịn trở nên loang lổ, mất đi cảnh quan tươi đẹp vốn có. Trong thời gian đóng cửa, chỉ có cư dân với thẻ căn cước được phép lên phà tới hòn đảo hiện có 40.000 dân này.

Koh Phi Phi (Thái Lan)

Ngày 29/3/2018, Thái Lan đã ra lệnh tạm thời đóng cửa vịnh Maya và đảo Phi Phi nhằm ngăn chặn những tổn thương cho môi trường do quá tải khách du lịch. Hai khu vực trên sẽ tạm thời bị đóng cửa trong vòng 3 tháng bắt đầu thứ tháng 6 để các rạn san hô bị tổn thương cần có thời gian phục hồi.

Đảo Koh Phi Phi và vịnh Maya là điểm đến quen thuộc của du khách Việt Nam trong những năm qua. Sau khi xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng The Beach năm 2000, nơi này bắt đầu được du khách quốc tế để mắt tới. Lượng khách tới đây mỗi ngày ngày càng đông. Mỗi ngày, 5.000 lượt du khách tham quan vịnh Maya bằng thuyền, khiến cho những rặng san hô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây không phải khu du lịch duy nhất ở Thái Lan bị buộc đóng cửa do ảnh hưởng từ du lịch ồ ạt tới môi trường.

Trước đó, tháng 5/2016, chính phủ Thái Lan đóng cửa hòn đảo Koh Tachai và chưa tuyên bố ngày mở cửa trở lại. Vài tuần sau đó, ba hòn đảo Koh Khai Nok, Koh Khai Nui và Koh Khai Nai nằm ở Phuket phải giới hạn lượng du khách tới đây. Trước đó, khoảng 4.000 du khách tới thăm khu vực này, chủ yếu tham gia các hoạt động gây hại tới hệ sinh thái môi trường như lướt thuyền tốc độ hay lặn biển, tắm biển ít nhất 3 tiếng hay cho cá ăn.

5. Thay cho lời kết

Trong thời gian qua, sự tăng trưởng nóng của hoạt động du lịch tại một số điểm đến trong những kỳ nghỉ lễ như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang đã làm cho môi trường nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến tác động tiêu cực đối với du khách và cộng đồng địa phương. Giải quyết bài toán tăng trưởng du lịch phải tính đến khả năng sức chứa của điểm đến. Bảo vệ môi trường du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển du lịch mà các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, trường học, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và kể cả khách du lịch phải nhìn nhận đúng mới có những hành động đúng để cùng phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường du lịch. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong du lịch để đề ra những chính sách quản lý môi trường du lịch phù hợp; hướng dẫn cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý rác thải; quy hoạch chi tiết các điểm, khu du lịch, đề ra các quy định, giáo dục người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh bảo vệ môi trường sinh thái ở các điểm, khu du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa... Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có chiến lược, chương trình hành động thực hiện đánh giá hàng năm về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân ở các vùng, tuyến, điểm du lịch làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tạo phong cách giao tiếp lịch sự với du khách, nâng cao nhận thức của người dân về tài nguyên du lịch và phát triển du lịch bền vững...

TS. Đoàn Mạnh Cương

Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL)