Tại hội thảo về xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản, các chuyên gia đánh giá năm 2019 có thể là một năm bản lề trong sự phát triển của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Dù đã trải qua một năm đầy khó khăn nhưng nhiều chuyên gia vẫn tin rằng tiềm năng phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam còn rất lớn bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao và sự hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên.
Đánh giá này được ghi nhận tại Hội thảo về xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối năm 2019 do Chuyên trang đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức tại Hà Nội sáng 15/5.
Thực tế, tăng trưởng của khách du lịch trong nước và quốc tế của Việt Nam trong những năm qua đều rất cao. Các chuyên gia đánh giá năm 2019 có thể là một năm bản lề trong sự phát triển của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Báo cáo mới nhất của CBRE cho thấy từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản Phan Thiết đón nhận khoảng 12.000 căn hộ và biệt thự, gấp đôi lượng cung bất động sản nghỉ dưỡng 10 năm qua của Phan Thiết. Tại nhiều địa phương khác, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều sản phẩm nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Đặc biệt, một xu hướng mới đang hình thành trong những sản phẩm của phân khúc này là những bất động sản gắn với quyền sử dụng đất và có tính pháp lý rõ ràng. Người mua thường lựa chọn các dự án của những chủ đầu tư có uy tín, dự án có quy mô lớn và ở những vị trí đắc địa.
Theo tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 15,5 triệu lượt người, tăng 20% so với năm trước và khách du lịch nội địa đạt khoảng 80 triệu lượt người, tăng 10% so với năm trước. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong những tháng đầu năm nay.
Nắm bắt được cơ hội đó, hiện nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang đầu tư rất mạnh vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Điển hình trong số đó là Tập đoàn Novaland đã đầu tư vào một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng khá lớn tại Phan Thiết, Cam Ranh.
Đặc biệt, những doanh nghiệp lớn khác như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group cũng tiếp tục đầu tư mạnh vào phân khúc này.
Tiến sỹ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam, nhận xét dòng vốn đầu tư từ nước ngoài rót vào Việt Nam liên tục tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào bất động sản công nghiệp và dân dụng năm 2019. Yếu tố này tạo ra sức cầu rất lớn cho bất động sản; trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Việt Nam được đánh giá là miền đất đáng tin cậy của nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫn chứng nếu so sánh tổng số các bất động sản du lịch tại Việt Nam với một số nước mạnh về du lịch ở Đông Nam Á như Thái Lan chẳng hạn, thì số lượng của Việt Nam vẫn còn quá thấp. Trong khi đó, tăng trưởng du lịch của Việt Nam vẫn đang ở mức 30%/năm, thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Do đó, trong tầm nhìn dài hạn thì nguồn cung của condotel (căn hộ khách sạn) ở Việt Nam chưa thể vượt cầu.
Nhà nước cũng đã có chủ trương đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều chính sách khuyến khích như đổi mới thủ tục cấp visa du lịch, tổ chức các sự kiện quốc tế, phát triển nhanh hạ tầng giao thông, du lịch.
Tuy đến đầu năm 2019, tình trạng giảm giao dịch các bất động sản dạng condotel đang xảy ra tại một số địa phương, nhưng việc này chỉ mang tính địa phương và tức thời. Có thể lý do làm giảm giao dịch lại chính là những nhược điểm về chính sách siết tín dụng cho bất động sản và bất cập tính về pháp lý của condotel.
Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu băn khoăn về tính pháp lý hiện nay của bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, nhất là với các nhà đầu tư thứ cấp. Các ngân hàng rất lúng túng khi nhận tài sản thế chấp là condotel.
Theo ông Hiếu, condotel là bất động sản kinh doanh, do đó, tất cả các quy định pháp luật về đất đai hay thuế cần xem đây là bất động sản kinh doanh.
Ông Hiếu kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhanh chóng giải quyết vấn đề pháp lý còn lấn cấn để ngân hàng yên tâm khi nhận thế chấp, người mua nhà an tâm về quyền sở hữu. Hiện nay một số địa phương đã cấp sổ cho condotel, nhưng tương lai nó như thế nào thì không ai rõ.
Trước những băn khoăn về tính pháp lý của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Khởi khẳng định cơ sở pháp lý của các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã rõ ràng nhưng chỉ có các quy định là chưa đầy đủ.
Theo ông Khởi, hiện nay, bản thân nhiều nhà đầu tư cũng chưa hiểu rõ về loại hình bất động sản nghỉ dưỡng cũng như về cơ chế, cách thức. Tuy nhiên, thời gian tới, hình thức condotel, biệt thự nghỉ dưỡng cũng vẫn là điểm thu hút đầu tư khá tiềm năng cả trong ngắn và dài hạn.
Cùng đó, các nhà đầu tư sẽ có tính toán kỹ càng hơn chứ không như giai đoạn trước năm 2017. Đặc biệt, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tung ra thị trường thời gian tới sẽ có địa điểm phong phú với loại hình đầu tư đa dạng hơn, ông Khởi nhận định.
Thu Hằng