Công sở sử dụng chai thủy tinh, hàng quán chỉ bán khi khách mang theo cà mèn, túi vải hay các phiên chợ sinh thái… là những điều dễ dàng bắt gặp khi đến thành phố du lịch Hội An. Trước sức ép rất lớn từ lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân và du khách, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã có những cách làm hay giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Chai nhựa được thay thế bằng thuỷ tinh trong các cuộc họp
Từ năm 2009, khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, TP. Hội An đã triển khai đồng thời chương trình nói không với túi ni lông trên cơ sở sự đồng thuận của người dân. Đến nay, Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên trên toàn quốc thực hiện thành công “Nói không với túi ni lông”. Ra Cù Lao Chàm, nếu nhìn thấy một chiếc túi ni lông là điều hiếm có.
Bà Trần Thị Kim Thùy - cán bộ môi trường xã Tân Hiệp cho biết, người dân rất ý thức, ở đây, không ai còn muốn sử dụng túi ni lông. Người dân đã hoàn toàn chủ động tìm vật liệu thay thế cho loại chất liệu này như lá chuối, lá bàng hay vật liệu cây cỏ có trên đất đảo.
“Việc vận động cũng phải lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” mới có được thương hiệu như ngày nay. Không những vậy, việc “hậu kiểm” cũng phải được thực hiện thường xuyên để bản thân doanh nghiệp, khách từ nơi khác đến đảo cũng tự thấy ý thức bảo vệ môi trường”- bà Trần Thị Kim Thùy cho biết.
Phiên chợ Hội An nói không với túi ni lông và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần
Sau đảo Cù Lao Chàm, TP. Hội An đang tiến hành chiến dịch nói không với chai nhựa và các chất thải làm từ nhựa. Năm 2017, TP. Hội An xây dựng kế hoạch hướng đến việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó, các cơ quan hành chính của TP. Hội An chính là những mũi tiên phong trong “cuộc chiến” này. Tại các cuộc họp và phòng làm việc của cơ quan hành chính TP. Hội An như Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội Phụ nữ TP. Hội An, UBND TP. Hội An, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thành Đoàn TP. Hội An… đã không còn sự xuất hiện của các loại đựng nước bằng nhựa mà thay vào đó là các bình đựng nước thủy tinh được sử dụng nhiều lần và giảm thiểu việc vứt bỏ các chai, lọ bằng nhựa ra môi trường.
“Mỗi nhân viên được cấp chai nước mang theo bên mình để hạn chế sử dụng chai nước nhựa, chúng tôi cũng khuyến khích mọi người không sử dụng túi ni lông mà thay bằng túi vải sinh thái, nói không hoàn toàn với ống hút nhựa, công tác phân loại rác cũng được thực hiện nghiêm ngặt tại văn phòng. Mô hình của Ban quản lý, nhiều công sở đã lan tỏa ra nhiều cơ quan công sở trên toàn thành phố. Chai nước nhựa đã chính thức bị “khai tử” tại văn phòng”- anh Võ Minh Lương, cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ.
Các chai bằng tre được phát cho mỗi cán bộ ở các văn phòng của Hội An
Ngoài thực hiện “Công sở không rác thải nhựa”, UBND TP. Hội An còn triển khai thực hiện chương trình “Giảm thiểu sử dụng và giảm phát thải túi ni lông” tại các khu chợ và khuyến khích doanh nghiệp không sử dụng túi ni lông. Trong chương trình này, TP. Hội An thực hiện kêu gọi người nội trợ mang giỏ nhựa, hộp nhựa, cà mèn đựng thức ăn… khi đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni lông; Tổ chức ký cam kết đối với các tiểu thương về việc không cấp phát miễn phí túi ni lông cho khách hàng, sử dụng túi thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông; Đổi túi ni lông lấy túi sinh thái, giỏ nhựa tại các khu chợ trên địa bàn thành phố. Tại những ngày diễn ra chợ phiên Hội An - nơi bày bán các sản phẩm xuất xứ Hội An cũng nói không với việc sử dụng túi ni lông và thay bằng giấy hoặc các vật liệu khác để góp phần bảo vệ môi trường. Đối với các doanh nghiệp nằm trong khu phố cổ thì thực hiện chương trình “Cửa hàng nói không với túi ni lông”… Lấy tuyên truyền là chủ đạo để người dân, tiểu thương dần nhận thức được tác hại của việc sử dụng túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe con người, cùng với đó là sự quyết tâm của các cấp chính quyền, biến thành hành động bỏ thói quen sử dụng, thải bỏ và dần đi đến nói không với túi ni lông.
Đến nay, nhiều cơ sở kinh doanh, hàng quán trong phố cổ Hội An như quán Chay Đạm, Vegan Beets Hội An, Cocobana cà phê.... đã bắt đầu nói không với túi ni lông, hộp xốp…. Theo bà Phạm Thị Đạm, khi ăn chay tức là bạn đang sống chậm, không sử dụng túi ni lông cũng là một bài học về tính nhẫn của con người. Dù không đem lại lợi ích gì nhiều, nhưng tôi muốn lan tỏa đến mọi người xung quanh về ý thức bảo vệ môi trường và tính nhẫn nại.
Quán ăn chay nói không với rác thải nhựa
“Lượng ni lông quá nhiều, nếu cứ tiếp tục kinh doanh sử dụng túi ni lông, mình thành người phá môi trường. Bên cạnh đó, mỗi khi nhìn một người khách nước ngoài mồ hôi nhễ nhại đi vớt rác dưới sông Hoài, tôi không cầm lòng được, bởi tôi là một trong những người đã xả rác”- bà Đạm chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, thành phố du lịch Hội An mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan mua sắm. Với hơn 100 tấn rác thải mỗi ngày từ sinh hoạt của người dân và hoạt động du lịch, đô thị cổ Hội An đang gặp sức ép rất lớn trong công tác xử lý rác thải. Do đó, thay đổi một thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, ni lông… là hết sức cần thiết. Tuy khó nhưng với quyết tâm của chính quyền và người dân để hướng Hội An trở thành một thành phố sinh thái thì cần hành động, dần thay đổi thói quen tiến tới bảo vệ môi trường.
“Trong thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh quyết tâm thực hiện thành công Cù Lao Chàm không ống hút nhựa, các sản phẩm nhựa một lần, tăng cường sử dụng các vật liệu thay thế thông qua việc vận động sử dụng ống tre, ống sậy, không sử dụng chai nước 1 lần. Chúng tôi quyết tâm từng bước xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu dân cư không túi ni lông tại Hội An”- ông Sơn nói.
Lan Anh