Các đình làng đang được tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát huy giá trị, tiến tới đưa một số ngôi đình có giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ vào các tuyến du lịch, tuyến góp phần phát triển du lịch của tỉnh và thực hiện hiệu quả đề án tạo dựng hình ảnh địa phương.
Đình Long Khánh (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 99 ngôi đình, tọa lạc tại 12 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 4 đình được xếp hạng di tích quốc gia là đình Long Khánh (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự), đình Tân Phú Trung (xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành), đình Phú Hựu (thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành), đình Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò).
Các đình làng đang được tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát huy giá trị, tiến tới đưa một số ngôi đình có giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ vào các tuyến du lịch, tuyến góp phần phát triển du lịch của tỉnh và thực hiện hiệu quả đề án tạo dựng hình ảnh địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, đình làng ở Đồng Tháp cũng như đình làng Nam Bộ hầu hết được mô phỏng theo đình làng miền Bắc, đã được định hình từ thế kỷ XVI.
Qua quá trình mấy trăm năm khai hoang mở đất, đình làng ở đây được thiết chế theo điền lệ chính thống của triều Nguyễn nên có những quy định chặt chẽ hơn.
Đình làng ở Đồng Tháp không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa truyền thống mà còn là nơi tuyên truyền giáo dục về lòng yêu nước, niềm tự hào của dân tộc, tri ân các anh hùng liệt sĩ, các tiền nhân có công mở cõi, khai hoang lập ấp, lập làng; nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em trong tỉnh như: Kinh, Hoa, Khmer…
Đình làng còn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư với chức năng như trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, Nhà văn hóa ấp, liên ấp...