Sau hơn 6 tháng đưa vào sử dụng Trạm xử lý nước thải Chùa Cầu, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam có kinh phí đầu tư hơn 260 tỷ đồng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này vẫn chưa được cải thiện. Du khách vẫn phải “nín thở” khi qua biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ Hội An.
Ô nhiễm tại Chùa Cầu, Hội An lại tái diễn
Thời gian gần đây, du khách khi đặt chân tham quan di tích Chùa Cầu (nằm bắc qua con kênh nhỏ, giao nhau giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai - Trần Phú) không khỏi ngao ngán trước tình trạng ô nhiễm tái diễn ở công trình được xem là biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chị Trần Thị Huyên, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, du lịch tại Hội An chị rất háo hức được tham quan, tìm hiểu di tích Chùa Cầu, thế nhưng, khi nhìn dòng nước đen ngòm và hôi dưới chân di sản thì rất thất vọng.
“Chùa Cầu là biểu tượng Di sản văn hóa thế giới - Hội An, mang vóc dáng kiến trúc cổ, đậm đà bản sắc văn hóa, cần phải trùng tu, bảo vệ, gìn giữ như báu vật. Thế nhưng, ô nhiễm môi trường tại đây không chỉ gây ra sự phản cảm với du khách mà còn đang hủy hoại nặng nề di sản”- chị Huyên chia sẻ.
Tình trạng ô nhiễm dòng kênh dưới chân di sản Chùa Cầu là vấn đề “nhức nhối” nhiều năm nay tại đô thị cổ Hội An. Người dân địa phương cho biết, môi trường nơi đây bị ô nhiễm do rác thải và nước thải từ khu dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh các phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An đổ ra theo con kênh chảy về khu vực Chùa Cầu. Bên cạnh đó, một số du khách thiếu ý thức xả rác bừa bãi gây ô nhiễm. Mặc dù chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm như bơm nước từ sông Hoài vào ống ngầm đưa lên phía đầu con kênh để đẩy nước bẩn chảy ra sông, nạo vét lòng kênh… thế nhưng, ô nhiễm vẫn đâu lại vào đấy ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham quan, du lịch tại di tích chùa Cầu nói riêng và khu vực trung tâm phố cổ nói chung.
Dòng nước đen ngòm và hôi dưới chân di sản
Tháng 11/2018, chính quyền thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hoàn thành Dự án Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu. Dự án có tổng mức đầu tư gần 260 tỉ đồng, trong đó chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,1 tỉ yen (khoảng 228 tỉ đồng), còn lại do TP. Hội An đối ứng. Đặc biệt, nhà thầu xây dựng và đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát là các công ty đến từ Nhật Bản.
Trạm xử lý nước thải đặt tại phường Cẩm Phô rộng 3.752m2, công suất 3.000-5000m3/ngày đêm, gồm các hạng mục nhà quản lý 2 tầng; cụm xử lý 1 tầng; các hạng mục phụ trợ và nâng cấp kênh thoát nước dẫn đến trạm xử lý nước thải dài 1,6 km với hệ thống thiết bị điện và dây chuyền công nghệ xử lý nước thải đồng bộ.
Công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường nước khu vực, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra kênh Chùa Cầu. Từ đó, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích và xử lý nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các khu đô thị Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Phô và Minh An.
Tuy nhiên, kênh nước chảy dưới chân di tích hàng trăm năm tuổi này chỉ hết mùi hôi được vài tháng. Đặc biệt, những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, dòng nước dưới chân Chùa Cầu lại chuyển sang màu đen ngòm kèm theo đó là mùi hôi không tài nào chịu thấu.
Dòng nước đen ngòm và hôi dưới chân di sản
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay Trạm xử lý nước thải vẫn hoạt động tốt. Nguyên nhân tái diễn ô nhiễm, bốc mùi hôi thối tại Chùa Cầu thời gian gần đây là do đường ống của trạm bơm Cẩm Thanh bị vỡ nên toàn bộ nước thải chưa qua xử lý phải đưa ra Chùa Cầu.
“Sự cố hư hỏng đường ống cơ bản đã được khắc phục xong nên một thời gian nữa sẽ hoạt động ổn định trở lại. Nước thải sẽ được thu gom để đưa về trạm xử lý, đảm bảo tiêu chuẩn. Chỉ còn một lượng nhỏ nước thải phía sau Nhà máy nằm trên đường Phan Châu Trinh vẫn chảy ra khu vực kênh Chùa Cầu nên nước chưa được sạch. Thời gian tới, TP sẽ lập kế hoạch thu gom toàn bộ nước thải về lại Nhà máy, chắc chắn môi trường nước tại khu vực Chùa Cầu sẽ được đảm bảo hết ô nhiễm, mùi hôi”- ông Sơn khẳng định.
Cũng theo ông Sơn, vào tháng 9 và tháng 12/2019, cùng với Thánh địa Mỹ Sơn, Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao, Quảng Nam sẽ tổ chức lễ Kỷ niệm 20 năm ngày UNESCO công nhân Đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa thế giới. Vì thế, TP. Hội An đang tập trung khắc phục vĩnh viễn ô nhiễm khu vực Chùa Cầu.
Lan Anh