Phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói, cần thêm một yêu cầu là “nói không với rác thải nhựa”. Những mô hình hay cần nhân rộng có thể kể đến Hội An (Quảng Nam) và Quy Nhơn (Bình Định).
Biển Nhơn Lý đón du khách tham quan
Bài học từ Hội An
Trong khi nhiều địa phương vẫn loay hoay với việc giảm thiểu chất thải nhựa, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có những hoạt động thiết thực và cụ thể để thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa. Từ năm 2009, khi Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP. Hội An được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, chính quyền địa phương đã triển khai đồng thời Chương trình Nói không với túi ni lông trên cơ sở có sự đồng thuận cao của người dân.
Người dân Cù Lao Chàm đã tận dụng giấy báo cũng như các loại túi lưới, túi vải được tái sử dụng nhiều lần để đựng các vật dụng sinh hoạt thay thế. Đến nay, Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên trên toàn quốc thực hiện thành công “Nói không với túi ni lông”. Sau thành công kiểm soát túi ni lông, cuối năm 2018, Cù Lao Chàm lại “Nói không với ống hút nhựa” với thông điệp chỉ một hành động nhỏ nhưng có thể mang lại thay đổi lớn. Theo đó, chính quyền vận động người dân địa phương và du khách không sử dụng ống hút nhựa khi đến vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Cù Lao Mái Nhà - huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, bờ biển đẹp hoang sơ nói không với rác thải nhựa
Sau đảo Cù Lao Chàm, TP. Hội An đang tiến hành chiến dịch nói không với chai nhựa và các chất thải làm từ nhựa. Hành động đầu tiên đến từ các cơ quan hành chính của TP. Hội An. Tại các phòng làm việc của cơ quan hành chính, không còn xuất hiện của các loại đựng nước bằng nhựa mà thay vào đó là các bình đựng nước thủy tinh được sử dụng nhiều lần và giảm thiểu việc vứt bỏ các chai, lọ bằng nhựa ra môi trường.
Ngoài thực hiện "Công sở không rác thải nhựa”, UBND TP. Hội An còn triển khai thực hiện Chương trình “Giảm thiểu sử dụng và giảm phát thải túi ni lông” tại các khu chợ và doanh nghiệp sử dụng túi ni lông trên địa bàn TP. Hội An. Trong chương trình này, TP. Hội An thực hiện kêu gọi người nội trợ mang giỏ nhựa, hộp nhựa, cà mèn đựng thức ăn… khi đi mua sắm để hạn chế sử dụng túi ni lông; tổ chức ký cam kết đối với các tiểu thương về việc không cấp phát miễn phí túi ni lông cho khách hàng, sử dụng túi thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông; đổi túi ni lông lấy túi sinh thái, giỏ nhựa tại các khu chợ trên địa bàn thành phố, tại các phiên chợ.
Đối với các doanh nghiệp nằm trong khu phố cổ, thực hiện chương trình "Cửa hàng nói không với túi ni lông"… Từ khi thực hiện chương trình đến nay, lượng rác thải từ túi ni lông phát sinh tại các khu vực chợ và doanh nghiệp đã giảm một cách đáng kể.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, thành phố du lịch Hội An mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan mua sắm. Với hơn 100 tấn rác thải mỗi ngày từ sinh hoạt của người dân và hoạt động du lịch, đô thị cổ Hội An đang gặp sức ép rất lớn trong công tác xử lý rác thải. Do đó, thay đổi một thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, ni lông… là cấp thiết. Tuy khó nhưng với quyết tâm của chính quyền và người dân để hướng Hội An trở thành một thành phố sinh thái, chúng ta cần hành động, dần thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường.
“Trong thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh quyết tâm thực hiện thành công Cù Lao Chàm không ống hút nhựa, các sản phẩm nhựa một lần, tăng cường sử dụng các vật liệu thay thế thông qua việc vận động sử dụng ống tre, ống sậy, không sử dụng chai nước 1 lần. Chúng tôi quyết tâm từng bước xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu dân cư không túi ni lông tại Hội An”- ông Sơn nói.
Xã Nhơn Hải đẹp không kém phần với thắng cảnh Hòn Khô
Thay đổi nếp nghĩ từ bao giờ
Những năm gần đây, Quy Nhơn (Bình Định) khoác lên mình chiếc áo mới sạch sẽ, văn minh của một đô thị đang từng ngày chuyển mình khởi sắc. Từ lâu, biển Quy Nhơn không còn rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa trôi dạt trên mặt biển như nhiều năm về trước. Bởi vậy, thành phố Quy Nhơn rất đẹp trong lòng du khách phương xa và người dân bản địa. Ai từng đến Quy Nhơn một lần đều bùi ngùi khi chia tay và hẹn ngày quay trở lại ghé thăm thành phố nhỏ bé nhưng xinh đẹp, hiền hòa, mến khách.
Đã từ lâu, biển Quy Nhơn không còn rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa
Không biết tự khi nào, người dân thành phố hình thành thói quen không xả rác trên bãi biển, hàng ngày đội vệ sinh môi trường thu gom rác thải sinh hoạt của một số người dân thiếu ý thức lỡ tay vứt rác xuống biển. Từ đó, bãi cát vàng biển Quy Nhơn trở nên đẹp hoàn hảo, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến với Quy Nhơn để được hòa mình vào làn nước trong xanh, ngắm lặn san hô, khám phá vẻ đẹp tạo hóa nơi thủy cung.
Bờ biển Quy Nhơn trải dài 72km với những bãi tắm đẹp ở trung tâm và các vùng ngoại ô. Hình ảnh bãi biển Cát Tiên, xã Nhơn Lý uốn cong với đường nét mềm mại uyển chuyển của “nàng công chúa” bị đánh thức sau hàng trăm năm ngủ yên. Một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất ở Quy Nhơn là Eo Gió, nằm cách trung tâm thành phố hơn 20 km được ví như chiếc “phễu hút gió” của xã Nhơn Lý. Nơi đây phong cảnh hoang sơ với những ngọn núi đá cao vươn mình ra biển. Cùng với đó là làng chài Nhơn Lý, đảo Kỳ Co. Kế bên xã láng giềng Nhơn Hải cũng đẹp không kém phần với thắng cảnh Hòn Khô.
Mặc dù, rác thải đâu đó còn trên bờ cát biển Nhơn Lý - Nhơn Hải, nhưng so với những năm trước, hiện nay, người dân Nhơn Lý - Nhơn Hải có sự thay đổi rất nhiều trong nếp nghĩ, tập quán sinh hoạt của làng quê miền biển trước kia. Sự thay đổi này, xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó, có sự thành công về công tác tuyên truyền, vận động các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương, nhưng đặc biệt phải kể đến sức hút của ngành du lịch. Chính điều này, đã làm thay đổi không chỉ toàn bộ diện mạo khu đô thị xã đảo Nhơn Lý - Nhơn Hải, mà còn thay đổi nhận thức của người dân ăn sâu vào nếp ăn, nếp nghĩ bao đời nay.
Thời gian tới, Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ thực hiện phát động Phong trào “Nói không với rác thải nhựa, túi ni lông” tại xã đảo Nhơn Châu - Cù Lao Xanh. Như vậy, Quy Nhơn sẽ trở thành điểm đến du lịch biển hấp dẫn với tiêu chí bảo vệ môi trường biển, loài sinh vật biển.
Xuân Lam - Lan Anh - Mỹ Bình