Lan tỏa phong trào sống xanh tại Đà Nẵng

Cập nhật: 06/06/2019
Nhiều năm qua, nhờ dự án sống xanh, nhiều hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng đã xây dựng nhiều mô hình sống xanh, mô hình kinh tế xanh… vừa tạo được công ăn việc làm cho các chị em trong chi hội lại góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường.

Vườn rau sạch của cô Huỳnh Thị Mai giúp cải tạo đất hoang, tạo cảnh quang xanh, sạch, đẹp

Nhanh chóng lan tỏa mô hình sống xanh

Cô Huỳnh Thị Mai - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Mân Quang 2, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, sau khi được dự lớp học “sống xanh” do thành phố tổ chức, cô đã vận động các chị em trong chi hội tận dụng thùng xốp, đất hoang trên địa bàn để trồng rau sạch. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, chi hội phụ nữ của cô của có được 1 vườn rau sạch, hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu mà chỉ bón bằng lá cây khô và phân bò do các cô thu lượm. Bên cạnh việc có rau sạch cung cấp cho các gia đình của các chị em trong chi hội, vườn rau sạch của Hội phụ nữ còn tạo được công ăn việc làm với thu nhập 4 triệu đồng/tháng cho một số chị em trong chi hội nhờ vào việc chăm sóc và bán rau.

Mô hình “sống xanh” được bắt đầu thí điểm năm 2010 từ một nhóm cộng đồng nhỏ thuộc phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên chiểu, TP. Đà Nẵng) do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng phối hợp cùng Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị Đà Nẵng triển khai. Bắt đầu từ việc tập huấn cho các chị em trong các nhóm “sống xanh” với sáu chủ đề: rác thải, nước, năng lượng, người tiêu dùng thông thái, ngôi nhà an toàn và sức khỏe. Sau đó, các chị em được hướng dẫn trực tiếp cách phân loại rác thải, quy trình làm phân hữu cơ, cách trồng rau mầm trong thùng xốp, tiết kiệm điện, nước và nhiều mô hình mới như công sở xanh, chi hội xanh; phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon; phân loại rác thải tại hộ gia đình; mỗi hố rác 1 cây xanh...

Đến nay, chương trình đã được nhân rộng ở bảy quận, huyện, 56 xã, phường trên toàn thành phố với 900 nhóm “sống xanh” tổng cộng hơn 16.000 thành viên. Các chi hội đã có những phương thức thực hiện khác nhau như: Hội phụ nữ quận Cẩm Lệ sử dụng các bãi đất hoang, đất trống, đất dự án chưa triển khai… để trồng rau sạch, trồng hoa dịp tết. Không chỉ cung cấp nguồn rau sạch cho gia đình mà còn tạo quang cảnh xanh mát, xanh sạch đẹp cho khu dân cư. Nhiều chị em ở huyện Hòa Vang trồng cây chuối để lấy lá gói đồ ăn thay cho bao ni lông…; hay mô hình sử dụng giỏ nhựa đi chợ để giảm thiểu sử dụng túi ni lông của phụ nữ quận Sơn Trà… đều mang lại những hiệu quả tích cực.

Phát giỏ đi chợ cho các chị em để hạn chế sử dụng túi ni lông

Xây dựng nhiều mô hình sáng tạo

Không chỉ thực hiện “Sống xanh”, cùng với ý thức tham gia bảo vệ môi trường, các chi hội phụ nữ TP. Đà Nẵng cũng thực hiện nhiều mô hình khác như: công sở xanh, chi hội xanh ở quận Liên Chiểu; mô hình sống xanh tại trường Sky - line; xây dựng gia đình năm không, ba sạch; Công trình thi đua “trồng hoa và cây xanh vì thành phố bền vững về môi trường”… các mô hình và công trình thi đua đã giúp các thành viên nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày như sử dụng giỏ đi chợ, ủ phân hữu cơ, trồng rau quanh nhà, tắt những bóng điện khi không sử dụng đến; phân loại rác thải tại hộ gia đình…

Thực hiện mô hình “Sống xanh”, Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang đăng ký chăm sóc trồng hoa ven tuyến đường; giúp đỡ 01 chị làm vườn mẫu đạt tiêu chí; vận động 100% HVPN tích cực cải tạo vườn, trồng cây xanh, góp phần xây dựng thôn nông thôn kiểu mẫu đáp ứng tiêu chí môi trường.

Chi hội phụ nữ Thành Vinh 4 (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) ngoài mô hình trồng rau sạch từ đất hoang, chi hội còn triển khai thành công nhiều mô hình sống xanh như thu gom rác tái chế, thu mua túi ni lông, làm sản phẩm tái chế từ rác. Các mô hình đã góp phần cải thiện môi trường, làm cho đường sá thêm xanh, sạch; đồng thời tạo được công ăn việc làm cho một số chị em, hỗ trợ nguồn vốn cho chị em kinh doanh, khởi nghiệp.

Cô Phan Thị Hoa - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Thành Vinh 4 cho biết: “Chi hội triển khai mô hình thu gom rác thải tái chế cách đây 1 năm. Các hộ gia đình được phát 1 giỏ nhựa để thu gom rác tái chế thải ra hàng ngày, tới chủ nhật hàng tuần, các chị em trong chi hội sẽ đi thu gom rác tái chế từng nhà tập hợp về kho chứa và xuất bán 1 tháng 1 lần. Tiền thu được từ bán rác tái chế sẽ dùng để làm quỹ từ thiện giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có thành tích xuất sắc…”

Ngoài ra, để giảm thiểu sử dụng túi ni lông, Chi hội còn thu mua lại túi ni lông đã sử dụng từ các hộ gia đình sau đó vệ sinh lại rồi bán cho công ty môi trường. Các chị em trong chi hội còn tận dụng các áp phích quảng cáo để cắt may thành những chiếc giỏ tiện lợi, phù hợp cho các chị em đi chợ. Vừa tiết kiệm tiền lại vừa bảo vệ môi trường.

Với nhiều cách làm khác nhau nhưng thiết thực và hiệu quả,
mô hình sống xanh của các chi hội phụ nữ đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường

Để nâng cao ý thức cho các hội viên, cũng như lan tỏa tinh thần sống xanh trong cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng còn tổ chức nhiều cuộc thi thúc đẩy sự tìm tòi các mô hình sống xanh của các chị em, đồng thời tìm kiếm những giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng ngày Môi tường thế giới năm 2019, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cũng tổ chức Hội thi “Phụ nữ Đà Nẵng - Sống xanh, hành động xanh” cho hội viên 7 quận, huyện thể hiện tài năng, ý tưởng bảo vệ môi trường bằng các mô hình, việc làm thiết thực.

Cùng với đó, vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cẩm Lệ đã đồng phối hợp một số đơn vị tổ chức Chương trình “Vì một hành tinh xanh” nhằm giới thiệu về những cách làm hay, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường. Chương trình được đánh giá cao việc phát triển và duy trì có hiệu quả các mô hình, cách làm hay như: Thùng rác môi trường, ủ rác thải hữu cơ thành sản phẩm tẩy rửa, tái chế các sản phẩm gia dụng từ rác thải nhựa…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Trong giai đoạn triển khai, Hội rất vui mừng khi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận từ tất cả các thành viên của Hội. Từ những hành động nhỏ, đơn giản của các chị em sẽ tác động đến ý thức của mỗi người trong gia đình, đến bà con xung quanh. Mọi người đều mong muốn việc “sống xanh” không chỉ là một khẩu hiệu, mà đó là hành động cụ thể, đi sâu vào tiềm thức, thay đổi nhận thức của mỗi con người, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng bền vững về môi trường.

Yến Nhi

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn