Ngày Đại dương thế giới năm nay, Phú Quốc chọn cho mình một mục tiêu lớn: phát động phong trào chống rác thải nhựa và thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Đây là một nỗ lực của Phú Quốc nhằm hướng tới một hòn đảo xanh và sạch hơn trong bối cảnh rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng, đe doạ tới nguồn tài nguyên thiên nhiên và đời sống của các loài hoang dã, cũng như sinh kế của người dân nơi đây. Lễ phát động được UBND huyện Phú Quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang và WWF phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất khu vực biển phía Nam Việt Nam. Đây là nơi có đa dạng sinh học cao, bao gồm Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn biển (KBTB). KBTB có hai vùng lõi quan trọng: rạn san hô và thảm cỏ biển – nơi sinh sản và sinh trưởng chính của ghẹ xanh và các loài thủy sản khác.
Phú Quốc cũng là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Trong suốt thập kỷ qua, ngành du lịch Phú Quốc đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các khách sạn, nhà hàng và cơ sở dịch vụ du lịch khác. Lượng khách du lịch trong năm 2015 đã gấp chín lần dân số của đảo, và tỷ lệ này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Sự tăng trưởng nhanh chóng, cùng với công tác quản lý rác thải còn hạn chế, đã liên tiếp gây ô nhiễm nghiêm trọng trên bờ và dưới biển, làm hư hại các rạn san hô và thảm cỏ biển, suy giảm giá trị các bãi biển và do đó ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân địa phương. Một trong những tác nhân dẫn đến sự ô nhiễm chính là rác thải nhựa.
Theo UBND huyện, ước tính trung bình khối lượng rác thu gom hiện tại là khoảng 120-150 tấn mỗi ngày (tăng 50 tấn một ngày so với năm 2020). Khoảng 87% rác được thu gom bởi Ban Quản lý Công trình Công cộng, nhưng không phải tất cả rác thải đều được xử lý, và được xử lý đúng. Kết quả là, rác, đặc biệt là nhựa, đều xuất hiện trong hệ sinh thái trên bờ lẫn dưới biển.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang cho biết “KBTB Phú Quốc là một trong những KBTB quan trọng nhất Việt Nam. Sự phát triển bùng nổ của ngành du lịch và kinh tế đang tạo ra những áp lực nghiêm trọng lên hệ sinh thái biển Phú Quốc, huỷ hoại loài và sinh cảnh trong KBTB, do nhu cầu tiêu thụ hải sản cũng như rác thải đổ ra các bãi biển và biển”.
WWF đã và đang hợp tác cùng Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, KBTB Phú Quốc và người dân trên đảo Phú Quốc trong nhiều năm qua nhằm hỗ trợ khai thác thuỷ sản bền vững và phát triển sinh kế cho người dân, giảm ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường biển.
Ông Mai Văn Huỳnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc chia sẻ “Huyện đảo Phú Quốc cam kết hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng chính phủ và Bộ Tài nguyên & Môi trường phát động. Ngoài việc kêu gọi đầu tư công nghệ tiên tiến cho các nhà máy xử lý rác thải, UBND huyện sẽ triển khai các chương trình giảm rác thải nhựa bắt đầu bằng việc thay thế tất cả chai nước nhựa một lần bằng ly thủy tinh và bình sử dụng nhiều lần trong tất cả các cuộc họp của UBND huyện và Huyện ủy. UBND huyện cũng sẽ phát động việc thực hiện hoạt động Ngày xanh Đảo Ngọc mỗi tháng một lần, huy động thu gom rác trên toàn huyện đảo. Tôi hy vọng tất cả các tổ chức và cá nhân trong huyện sẽ nhiệt liệt hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” , tiến đến ngưng sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.”
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Điều phối viên Chương trình Biển của WWF-Việt Nam: “80% rác nhựa đại dương trên toàn cầu có nguồn gốc từ các hoạt động trên đất liền do việc quản lý rác thải từ các hoạt động tiêu dùng và sản xuất của con người không đúng quy chuẩn. Công tác quản lý rác trên và quanh đảo Phú Quốc vô cùng quan trọng bởi đây là hòn đảo giữa biển. Để ngăn chặn ô nhiễm rác nhựa, bảo vệ Phú Quốc và các hệ sinh thái biển khỏi ô nhiễm rác thải nhựa, cần sự chung sức của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người dân, khách du lịch và tất cả những ai đang sống, làm việc và yêu mến Phú Quốc”.
Buổi lễ Phát động Phong trào Giảm thiểu Rác thải Nhựa và Tái tạo nguồn lợi thủy sản tại thị trấn Dương Đông gồm các hoạt động thu dọn rác tại hai điểm trong thị trấn; thả giống thuỷ sản vào khu bảo tồn biển; triển lãm trưng bày tác hại của rác thải nhựa đến môi trường, đặc biệt là tác phẩm mô hình loài bò biển (một loài động vật biển có vú kiếm ăn tại các thảm cỏ biển gần bờ) chứa đầy rác thải nhựa thu gom từ bãi biển; và hoạt động bàn giao các xe thu gom rác cho 2 ấp chưa có hệ thống thu gom rác. Tiếp theo buổi lễ, các doanh nghiệp, tổ chức và người dân cùng tham ra dọn sạch rác tại bãi biển của ấp Bãi Bổn xã Hàm Ninh vào chiều ngày 8/6 và ấp Đá Chồng xã Bãi Thơm vào sáng ngày 9/6.
Nỗ lực tập thể này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền địa phương và người dân đối với vấn đề rác thải nhựa trên đảo, hướng đến một giải pháp bền vững, có tác động lâu dài cho đảo, từ đó xây dựng một tương lai cho con người và thiên nhiên Phú Quốc, nơi có thể thật sự trở thành hòn đảo ngọc và đáng mơ ước cho tất cả mọi người.