Xây dựng, tái hiện một không gian văn hóa của người Dao ở Ba Chẽ vừa giúp bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống người Dao vừa thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển.
Đó là nội dung, mục tiêu của Đề án: "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản bản văn hóa người Dao phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025" của UBND huyện Ba Chẽ.
Khôi phục và phát huy nghề thêu của người Dao góp phần tạo sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch.
Đề án trên được huyện Ba Chẽ chủ trì xây dựng nhằm phát huy hết những giá trị văn hóa, di sản của người Dao trên địa bàn huyện. Không gian thực hiện là thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ). Theo đánh giá của Tiến sỹ người Dao Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hóa Phát triển – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về văn hóa người Dao và nhóm nghiên cứu thì sự hiện diện của hai nhóm Dao với hai phương ngữ trên địa bàn huyện Ba Chẽ tạo thành bức tranh văn hóa khá đầy đủ, đa sắc màu… tạo sự tương hỗ cho quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người Dao tại địa phương. Không chỉ lưu giữ được các nét độc đáo về phong tục tập quán và nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể đặc sắc, người Dao Ba Chẽ còn có không gian sống rất đặc thù đó là cả trên rừng, núi lẫn gắn bó với sông nước. Đặc biệt, người Dao ở Ba Chẽ còn lưu giữ lễ cúng Bàn vương, một phong tục độc đáo, quý hiếm mà người Dao nhiều địa phương không còn.
Thực hiện Đề án, ngoài các hạ tầng cơ bản như: nhà sinh hoạt cộng đồng, các hạng mục phụ trợ, việc khôi phục các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được ưu tiên, được xem là yếu tố "hồn cốt" cho làng văn hóa. Quan trọng nhất là lễ hội cúng Bàn Vương của người Dao Thanh Y, lễ cấp sắc, nhập đồng nhảy lửa, cắn mảnh sành, thủy tinh, nuốt bó hương đang cháy dở, diễn dân ca, dân vũ... Đặc biệt, trong đó một phần Lễ cấp sắc này sẽ được phục dựng, bảo tồn và phát huy. Hiện huyện đang phấn đấu để cuối năm nay sẽ phục dựng và biểu diễn trong Lễ hội trà hoa vàng cuối năm 2019.
Cũng theo Đề án, sau khi hoàn thành một số hạ tầng, huyện cũng khuyến khích các hộ dân tham gia xây dựng các mô hình homestay đại diện cho 12 dòng họ người Dao ở Ba Chẽ. Dự kiến, huyện sẽ xây dựng quy chế hỗ trợ theo hình thức 50% vốn và xây dựng cơ chế quản lý phù hợp để khuyến khích người dân tham gia rộng rãi hơn.
Môi trường sống gắn với sông nước của người Dao ở Ba Chẽ
cũng là một đặc điểm tạo sự hấp dẫn, khác biệt cho sản phẩm du lịch nơi đây.
Bên cạnh đó, còn tái hiện một số hoạt động đan lát thêu thùa, hát giao duyên, dân ca dân vũ của người Dao; khôi phục nghề nấu rượu bầu (tiu bầu) truyền thống; nghề chạm bạc; nghề dệt, thêu và cắt may một số mặt hàng lưu niệm; nghề làm mặt nạ gỗ... Điểm khác biệt và độc đáo của người Dao Ba Chẽ là vừa gắn với trên bộ vừa gắn với sông nước. Vì thế, nghề đóng thuyền cũng được phát huy... Rõ ràng đây sẽ là cơ hội để cộng đồng địa phương phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, giới thiệu cho du khách đồng thời cũng thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của cộng đồng vào phát triển dịch vụ, du lịch.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn, sự đơn điệu về sản phẩm du lịch, chưa có những sản phẩm du lịch độc, lạ, đặc biệt…thường khó để thu hút du khách. Vậy nên, nếu Ba Chẽ phục dựng được các giá trị văn hóa độc đáo, như: tục nhảy lửa, kết hợp với việc nhập đồng cắn mảnh sành, leo thang dao, cắn bó hương đang cháy, tái hiện hình ảnh vượt biển và sinh hoạt trên sông nước trong quá trình vượt biển của người Dao… sẽ là những điểm nhấn khác lạ và đặc biệt quan trọng để thu hút du khách, thúc đẩy sự phát triển của du lịch cộng đồng ở địa phương.
Hà Phong