Khu vực bờ biển Hồ Tràm - Hồ Cốc - huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Nhiều năm qua, khu vực này bị xói lở, xâm thực rất nặng và chưa có giải pháp nào khắc phục.
Tuy nhiên, với đề tài “Nghiên cứu các vấn đề xói lở xâm thực bờ biển khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc...” hy vọng hiện tượng xói lở, xâm thực trên sẽ được ngăn chặn.
Theo kết quả nghiên cứu, huyện Xuyên Mộc có khoảng 32km bờ biển, trong đó có tới 20km chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng xói lở. Cụ thể, khu vực phía nam sát mũi Hồ Tràm trong khoảng thời gian 30 năm qua, đặc biệt là trong vòng từ 3 - 5 năm trở lại đây chịu xói lở và xâm thực nặng trên chiều dài gần 2km từ mũi Hồ Tràm về phía cửa Lộc An, bãi biển đã bị thu hẹp hơn 100m, nhiều công trình kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng bị phá hoại nặng nề.
Trước thực trạng đó, mới đây Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu các vấn đề xói lở - xâm thực bờ biển khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc), đề xuất giải pháp xử lý xói lở bờ biển, góp phần phát triển bền vững”, do Thạc sỹ Bùi Quốc Nghĩa - Công ty cổ phần Nghiên cứu phát triển khoa học và Công nghệ Inova (TP.Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm. Đề tài được đánh giá là có các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng xói lở - xâm thực ở khu vực bờ biển Hồ Tràm - Hồ Cốc.
Dọc theo các bãi biển khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc, hầu như đã được phủ kín bởi hàng chục dự án đầu tư du lịch với trị giá hàng tỷ USD đã và đang chuẩn bị triển khai, trong đó, có khoảng 20 dự án chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng xói lở - xâm thực bờ biển và các vấn đề môi trường khác. Chính vì vậy, một giải pháp tổng thể cùng các giải pháp công trình kỹ thuật bảo vệ bờ biển mà đề tài đưa ra sẽ góp phần phát triển bền vững theo mục tiêu khai thác tổng hợp vùng bờ là rất cần thiết.
Trên cơ sở tổng hợp các nguồn tư liệu khảo sát, các dữ liệu nền, quy luật đặc trưng của điều kiện tự nhiên và hiện trạng xói lở - bồi lấp bờ biển Hồ Tràm - Hồ Cốc, đề tài đã chỉ rõ chế độ sóng gió vùng ven bờ khu vực nghiên cứu. Ông Bùi Quốc Nghĩa cho biết, qua nghiên cứu đã xác định nguyên nhân cơ bản trực tiếp gây xói lở mạnh mẽ tại khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc trong thời gian gần đây. Đó là sự mất đi của Hòn Trảo (hiện nay là mũi Hồ Tràm) từ khoảng 30 năm trước. Theo đó, đề tài đề xuất khôi phục mũi Hồ Tràm bằng giải pháp đê cứng là đê chắn sóng nhằm khắc phục nguyên nhân cơ bản này.
Những người thực hiện đề tài đã đề xuất giải pháp tổng thể với mục tiêu là chống xói lở bờ biển bằng cách tác động lên bãi biển bằng các công trình kỹ thuật để hạn chế xói lở bờ biển tại những điểm quan trọng đối với các hoạt động kinh tế và du lịch trên bãi biển; cải tạo địa hình bãi biển bằng cách tăng chiều rộng bãi biển cho các hoạt động kinh tế - du lịch trong điều kiện mực nước thuỷ triều cao, giảm thiểu tác động trực tiếp của sóng lên các công trình trên bờ, đồng thời tăng vùng tiêu năng cho sóng trên bãi biển; xử lý ao xoáy bằng cách tác động lên bãi biển bằng các công trình kỹ thuật để giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do hoạt động của các ao xoáy lên các hoạt động kinh tế và du lịch trên bãi biển.
Theo ông Trương Thành Công, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ để đưa đề tài trên áp dụng vào thực tiễn cần phải tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp công nghệ bền vững cho toàn vùng. Bên cạnh đó, phải ngăn cấm việc khai thác cát bừa bãi tại các khu vực cửa sông, các đồi cát ven biển và việc nạo vét để góp phần giảm nguy cơ gây tác động dẫn đến xói lở bờ biển.