Để phát triển Côn Đảo theo hướng bền vững, chính quyền địa phương đang có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường và đưa Côn Đảo trở thành "điểm đến xanh" trong hành trình của khách du lịch.
Các thành viên trong Câu lạc bộ truyền thông bảo vệ môi trường Côn Đảo tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Các thành viên trong Câu lạc bộ truyền thông bảo vệ môi trường Côn Đảo tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Sau hai năm triển khai, dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá loại hình du lịch sinh thái tại Côn Đảo” đã mang lại kết quả khả quan, đưa Côn Đảo trở thành “điểm đến xanh” trong hành trình của khách du lịch. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Văn Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, về dự án này.
Theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) ngày càng nhanh, sản xuất kinh doanh mở rộng, dân số và khách du lịch tăng làm gia tăng gia tăng khối lượng rác thải, nước thải tạo áp lực cho môi trường. Trong khi cơ sở hạ tầng của huyện đảo chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa được đầu tư nhà máy xử lý rác thải. Hiện rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Côn Đảo khoảng gần 20 tấn/ngày chưa có nơi chôn lấp hoặc xử lý bằng công nghệ hiện đại.
- Phóng viên: Trước những thực trạng đáng báo động trên, Côn Đảo đã có giải pháp gì để cải thiện môi trường và phát triển du lịch sinh thái Côn Đảo, thưa ông?
Ông Lê Văn Phong: Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững huyện Côn Đảo. Theo đó, mục tiêu chung của huyện Côn Đảo là bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương, góp phần xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc.
Thông điệp bảo vệ môi trường của huyện Côn Đảo là lấy phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học… Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân, du khách và doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, huyện cũng có các biện pháp chế tài mạnh mẽ nhằm hạn chế tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, huyện Côn Đảo cũng có chiến lược về thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án không tác động nhiều đến vẻ đẹp hoang sơ vốn có của Côn Đảo.
Song song với các giải pháp bảo vệ môi trường, huyện Côn Đảo cũng xây dựng nhiều tour tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn gắn với hoạt động bảo vệ môi trường như tour tham quan rừng mưa nhiệt đới, tour lặn biển ngắm san hô và xem rùa đẻ trứng, tour tham quan các hòn đảo nhỏ, tour tham quan các khu di tích lịch sử… Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, huyện Côn Đảo đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường triển khai dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá loại hình du lịch sinh thái tại Côn Đảo”, bước đầu đã mang lại kết quả rất khả quan.
Các thành viên trong Câu lạc bộ truyền thông bảo vệ môi trường Côn Đảo tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
- Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về dự án này đã mang lại kết quả như thế nào?
strong>Ông Lê Văn Phong: Dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp quảng bá du lịch sinh thái tại huyện Côn Đảo” do Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1235/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 26/6/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường huyện Côn Đảo đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 16/8/2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Côn Đảo về tăng cường công tác bảo vệ môi trường huyện Côn Đảo đến năm 2020.
Dự án được triển khai với hàng loạt giải pháp đồng bộ gồm: Truyền thông đại chúng trên phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng Internet; Truyền thông trực quan bằng pano; Truyền thông qua tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng tuyên truyền vận động; Truyền thông tiếp cận cá nhân thông qua ấn phẩm tờ rơi, cẩm nang; Thành lập Câu lạc bộ Truyền thông bảo vệ môi trường Côn Đảo…
Mục tiêu của dự án nhằm làm thay đổi thái độ, hành vi, giảm thiểu các tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường Côn Đảo; xây dựng môi trường sống lành mạnh tốt đẹp cho cuộc sống con người; quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo. Có thể nói rằng dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá du lịch sinh thái tại Côn Đảo” được triển khai từ năm 2018 đến nay đã mang lại kết quả khả quan, góp phần đưa Côn Đảo trở thành “điểm đến xanh” trong hành trình của khách du lịch. nhận được sự đồng tình, ủng hộ của du khách và người dân Côn Đảo.
- Phóng viên: Bước đầu dự án nhận được sự đồng tình, ủng hộ của du khách và người dân, nhưng về lâu dài Côn Đảo dự kiến có những bước đi thế nào để hoạt động bảo vệ môi trường được bền vững?
Ông Lê Văn Phong: Tiếp nối dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp quảng bá du lịch sinh thái tại huyện Côn Đảo” dự kiến sẽ kết thúc giai đoạn I vào cuối năm 2019, ngay từ bây giờ, Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo đã mời tư vấn bắt tay vào thực hiện cùng lúc hai đề án “Côn Đảo nói không với túi nilon” và đề án “Tăng cường năng lực về cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và kinh phí hoạt động cho các cơ quan đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường huyện Côn Đảo”. Mục tiêu của các dự án, đề án này đều hướng tới đưa Côn Đảo trở thành “điểm đến xanh” trong hành trình của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Xin cám ơn ông./.