Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) đang phục hồi tốt

Cập nhật: 19/11/2008
Dự án “Phục hồi sinh cảnh đất ngập nước Đồng Tháp Mười tại Vườn quốc gia Tràm Chim” do Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) phối hợp cùng Công ty Coca-Cola thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Dự án đã góp phần phục hồi diện tích đồng cỏ vườn quốc gia (VQG), từ 800ha vào năm 2005 lên 2.700ha ở thời điểm hiện tại. Đồng thời lượng sếu đầu đỏ - động vật quý hiếm đặc trưng của VQG Tràm Chim cũng tăng lên 126 con so với 41 con của năm 2005. Đây là công bố mới nhất của dự án.

Ngoài ra, dự án cũng đã góp phần phục hồi sinh cảnh A3 - một phân khu quan trọng (trong số 5 phân khu) của VQG Tràm Chim, là bãi ăn chính của loài sếu; đồng thời kiểm soát được sự xâm lấn của cây mai dương, một loài thực vật ngoại lai xâm hại. Việc phục hồi sinh thái VQG Tràm Chim có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần cải thiện chất lượng nước, khôi phục nguồn nước ngầm, điều tiết lũ và hạn hán cho khu vực hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười, đồng thời giảm tác động của sự biến đổi khí hậu.

VQG Tràm Chim là mảnh sinh cảnh đất ngập nước cuối cùng còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười, hiện có diện tích 7.316ha, nằm trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Dự án “Phục hồi sinh cảnh đất ngập nước Đồng Tháp Mười tại VQG Tràm Chim” đã được WWF và Coca-Cola thực hiện từ tháng 4/2008 và kéo dài trong 3 năm với kinh phí hàng năm là 250.000 đô la Mỹ. Đây là một phần trong dự án hợp tác của WWF và Coca-Cola với Chiến dịch bảo tồn tài nguyên nước ngọt toàn cầu, với tổng số tài trợ là 20 triệu đô la Mỹ, thực hiện ở 7 lưu vực sông trên thế giới, tầm ảnh hưởng đến 20 quốc gia. Dự án tại VQG Tràm Chim - Việt Nam thuộc dự án lưu vực sông Mê Kông, ngoài Việt Nam còn một chương trình bảo tồn khác tại Thái Lan.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường