Gắn kết hoạt động bảo tàng với phát triển du lịch

Cập nhật: 09/07/2019
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng dần. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, nửa đầu năm 2019, Việt Nam đã đón gần chín triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 7,5% so cùng kỳ năm 2018 và hứa hẹn một năm kỷ lục mới về thu hút du khách quốc tế. Cùng với đó, nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm về thiên nhiên, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam cũng có xu hướng tăng cao.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - di tích lịch sử, văn hóa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
(Ảnh minh họa - Wikipedia)

Xuất phát từ nhu cầu đó, xu hướng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đang dần được phát triển mạnh mẽ. Du lịch văn hóa được kết nối với di sản văn hóa bởi sự hòa quyện của văn hóa, con người và cộng đồng. Sự kết nối đó có thể coi là duy nhất và đặc biệt để khai thác nguồn tài nguyên du lịch. Trong đó, hệ thống bảo tàng, di tích - nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, đóng vai trò quan trọng. Bởi bảo tàng, di tích cũng là điểm du lịch văn hóa, du lịch di sản đặc biệt khác biệt với các loại hình du lịch khác. Nếu chúng ta biết khai thác, phát huy chúng một cách khoa học và đúng cách thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, thích hợp, hấp dẫn.

Với việc nâng cao hiểu biết về những yếu tố hoàn toàn mới lạ và độc đáo, khách du lịch sẽ thích đi đến các bảo tàng, di tích hơn vì ở đó họ có thể tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa và truyền thống của một địa phương, quốc gia mà họ đặt chân tới.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam mang đến nhiều điều mới lạ và thú vị cho học sinh,
giúp các em mở rộng kiến thức về khoa học.

Do đó, vừa qua, Hội thảo "Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch" đã diễn ra, với gần 10 tham luận tập trung xác định việc văn hóa phải được nhận thức là một “trụ cột” của sự phát triển bền vững đất nước cùng với du lịch.

Ðáng chú ý có các tham luận: Bảo tàng Lịch sử quốc gia với phát triển và quảng bá du lịch; Phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam; Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam - Điểm kết nối di sản văn hóa và du lịch”… Từ đó, các diễn giả cùng nhau chia sẻ, trao đổi về việc khai thác hiệu quả giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Trong đó tập trung vào hoạt động bảo tàng và hoạt động du lịch. Theo đó, văn hóa là cơ sở tiền đề, tạo môi trường cho du lịch phát triển và du lịch góp phần thúc đẩy bảo tồn phát huy giá trị văn hóa.

Tại hội thảo, các diễn giả đều nhất trí cho rằng, để hoạt động bảo tàng hấp dẫn du khách, cần ứng dụng công nghệ hiện đại như: Bảo tàng kỹ thuật số, bảo tàng ảo, công nghệ thực tế ảo… nhằm tối ưu hóa trải nghiệm cho khách tham quan. Ở Việt Nam, một số bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã ứng dụng công nghệ hiện đại như: Bảo tàng ảo, thuyết minh tự động để nâng cấp trải nghiệm cho du khách.

Trong bài tham luận “Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với phát triển và quảng bá du lịch” của Ths Nguyễn Thị Định, cán bộ Bảo tàng đã nêu rõ những hoạt động được Bảo tàng đặc biệt quan tâm, đó chính là các hoạt động hướng tới công chúng và phục vụ cho công chúng như: Trưng bày, giáo dục và truyền thông. Bởi lẽ, đây là những hoạt động phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hóa đến với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Đồng thời, tham luận cũng nêu ra một số định hướng của bảo tàng trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, các dịch vụ văn hóa cả về nội dung lẫn hình thức; tăng cường hợp tác, kết nối để quảng bá hình ảnh của bảo tàng, cũng như về đất nước, con người Việt Nam thông qua các di sản văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã nắm bắt cơ hội phối hợp Tổng cục Du lịch, các đơn vị lữ hành bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, xây dựng sản phẩm tour du lịch phục vụ khách tham quan trải nghiệm, tương tác...

Du khách quốc tế tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Khách du lịch hay công chúng chính là mối quan tâm hàng đầu của các bảo tàng, hoạt động của bảo tàng đều hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Chính vì vậy, gắn kết hoạt động của bảo tàng với du lịch là một trong những giải pháp tốt để phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa đã, đang lưu giữ. Thực tế cho thấy, khách du lịch đến Việt Nam thường qua các công ty lữ hành và bảo tàng có thể thu hút, là điểm dừng chân của du khách hay không, ngoài việc bảo tàng phải tự nỗ lực, cố gắng đổi mới, phát triển các hoạt động, dịch vụ của mình thì chính công ty du lịch cũng góp phần quan trọng để du khách đến với bảo tàng. Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phục vụ du khách, đồng thời thực sự phát huy hết tiềm năng và trở thành điểm đến yêu thích và quen thuộc của du khách thì sự phối hợp giữa các bảo tàng, di tích với ngành du lịch cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

MINH KHANG

Nguồn: Nhân Dân