Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội mở rộng đang triển khai 8 dự án du lịch sinh thái lớn.
Tổng diện tích xây dựng của các dự án này là 3.700 ha, vốn đăng ký lên tới 9.723 tỷ đồng.
Trong đó, dự án đầu tư khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức) rộng 15,5 ha, vốn đầu tư 111,2 tỷ đồng, hiện đang hoàn thành.
Dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu (huyện Quốc Oai) rộng 212,2 ha có vốn đầu tư 3.178 tỷ đồng cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sân gofl và dịch vụ hồ Văn Sơn (huyện Chương Mỹ) rộng 179,2 ha, vốn đầu tư 22 triệu USD...
Sau khi hoàn thành, các dự án du lịch sẽ là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần hấp dẫn khách quốc tế và nội địa đến tham quan.
Theo ông Tiến, quan điểm của Hà Nội là phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Do vậy, các dự án du lịch sinh thái lớn này khi phê duyệt đầu tư đều có đánh giá tác động môi trường, xử lý môi trường. Đặc biệt, các dự án du lịch liên quan đến rừng đều có chương trình lồng ghép trồng rừng trong phát triển du lịch. Điển hình như khu vực sườn Đông núi Ba Vì khi phát triển dự án du lịch, rừng cây phát triển tốt, trong khi đó sườn Tây núi Ba Vì cây bị chặt phá nhiều.
Một số khu du lịch khác cũng có ý thức trong bảo vệ cảnh quan môi trường như Khu du lịch sinh thái Đầm Long - Bằng Tạ đang bảo tồn hàng chục loài động vật quý hiếm cùng nhiều loài thực vật trong khu rừng nguyên sinh.
Khu du lịch Ao Vua đã đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển du lịch sinh thái, trồng 150 ha rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, vận động người dân không săn bắn bừa bãi.
Khu du lịch Thác Đa đầu tư bảo vệ trên 100 bụi cây trúc, tạo cảnh quan đẹp để thu hút khách du lịch.