Việt Nam ưu tiên tham gia chương trình giảm thiểu chất thải nhựa

Cập nhật: 18/07/2019
Việt Nam ưu tiên tham gia chương trình đối tác cho hành động giảm thiểu chất thải nhựa, cam kết và hành động mạnh mẽ với các chiến dịch lớn trên phạm vi toàn quốc chống rác thải nhựa.

Xe lưu động tuyên truyền 'Nói không với rác thải nhựa' trên các tuyến đường tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 17/7, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức cuộc họp xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hợp tác hành động quốc gia về nhựa cho Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phát động phong trào chống phát thải nhựa, trong đó giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Ban đầu, các siêu thị lớn không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tiến đến năm 2025, cấm hoàn toàn dùng đồ nhựa một lần trên toàn quốc.

Việt Nam ưu tiên tham gia chương trình đối tác cho hành động giảm thiểu chất thải nhựa, cam kết và hành động mạnh mẽ với các chiến dịch lớn trên phạm vi toàn quốc chống rác thải nhựa, ký kết với tổ chức chính trị, xã hội, đề xuất thành lập các liên minh gồm những doanh nghiệp đang có phát thải lớn, trong đó có phát thải nhựa.

Ngày 21/6/2019, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đã được thành lập gồm 9 doanh nghiệp lớn như TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood...

Từ nay đến cuối năm 2019, 30 doanh nghiệp lớn nữa sẽ tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa của Liên minh này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang điều tra lượng phát thải chất thải nhựa trên phạm vi cả nước để có cơ sở xây dựng các chính sách, giải pháp phù hợp, nhằm giảm thiểu chất thải nhựa; xây dựng chương trình tổng thể kế hoạch hành động về chất thải nhựa sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2019.

Giám đốc Chương trình chống rác thải nhựa toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới Cristina cho biết sự hợp tác của Diễn đàn Kinh tế Thế giới không chỉ với Chính phủ Việt Nam mà với các doanh nghiệp công và tư ở Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới có thể giúp Việt Nam thu thập dữ liệu khó, để tạo ra những dữ liệu đáng tin cậy, xây dựng chương trình hành động cụ thể.

Chương trình đối tác toàn cầu dựa trên 3 trụ cột chính gồm: hợp tác công-tư; phân tích dữ liệu; đầu tư chiến lược về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính sách… hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, giúp Việt Nam đảm nhận trách nhiệm trong khối ASEAN tốt hơn.

Quan hệ đối tác sẽ tập hợp các nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam nhằm định hình, lãnh đạo việc thực hiện lộ trình đầu tư và hành động của Việt Nam.

Các thành viên đối tác được tiếp cận những đối tác quan trọng trong lĩnh vực nhựa và các nguồn tài chính; đánh giá khách quan về các hành động và chương trình có thể làm thay đổi.

Lộ trình hành động và đầu tư riêng cho Việt Nam dựa vào dữ liệu đặc thù và dữ liệu đầu vào của các bên liên quan; thông báo một kế hoạch quốc gia làm rõ nguồn tài nguyên cần và mức độ giảm thiểu nhựa; cung cấp phân tích lợi hại và trường hợp đầu tư cho từng giải pháp để thu hút nhà đầu tư cơ sở hạ tầng trong một cấu trúc tài chính pha trộn.

Hợp tác đầu tư chiến lược gồm triển khai quỹ tín thác đa tài trợ cho các đại dương khỏe mạnh; huy động 100 triệu USD để đầu tư vào các dự án chuyển chất thải từ môi trường vào chuỗi giá trị tái chế, ra mắt vườn ươm liên quan; xác định ý định đầu tư vào các dự án xử lý ô nhiễm nhựa.

Lộ trình dự kiến của Việt Nam giai đoạn 2019-2020 gồm khảo sát, lựa chọn các đối tác thực hiện tại địa phương, tạo và tiến hành hợp tác hành động quốc gia; đưa ra các phân tích về quốc gia, hỗ trợ năng lực thực hiện cho các đối tác địa phương, kêu gọi các thành viên trong chương trình hợp tác; thực hiện ở quy mô toàn quốc.

Góp ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng cần bắt đầu bằng giáo dục ý thức cho người dân và quy hoạch khu, cụm công nghiệp hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề tái chế.

Đại diện các hãng hàng không Vietjet, Bamboo cũng cho biết sẽ đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay, trong đó, sẽ hợp tác với các tập đoàn, công ty nhựa trong nước để sản xuất sản phẩm vừa phù hợp với chi phí, vừa đảm bảo bảo vệ môi trường./.

Nguồn: VNA