Đứng ở top 4 thị trường du lịch năng động nhất Việt Nam sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, du lịch Đà Nẵng đang thúc đẩy và khẳng định thương hiệu của mình bằng chiến lược phát triển bền vững trong đó lấy phát triển sản phẩm làm cốt lõi.
Năm 2007, khi Đà Nẵng lần đầu tiên cán mốc đón một triệu khách du lịch một năm, lãnh đạo ngành đã xác định: Từ xuất phát điểm là điểm trung chuyển khách tới 2 trung tâm di sản văn hóa của Việt Nam do UNESCO công nhận tại Việt Nam là Huế và Phố cổ Hội An, khu đền tháp cổ Mỹ Sơn, 1 triệu lượt khách dừng chân tại Đà Nẵng được xem là thành công lớn của ngành du lịch Thành phố sau một thời gian dài chậm phát triển hơn so với các địa phương lân cận… bài học của sự thành công là phải tạo ra các sản phẩm và các sự kiện du lịch để giữ chân du khách. Kiên trì định hướng suốt 12 năm qua, Đà Nẵng đã tạo được thương hiệu du lịch cho mình trên thị trường quốc tế bởi chiến lược phát triển sản phẩm.
Chính quyền đi tiên phong
Với một loạt chính sách thu hút đầu tư và khích lệ toàn dân phát triển các dịch vụ du lịch, chính quyền đã tạo một cơ chế thuận lợi, khích lệ các doanh nghiệp sáng tạo và mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm xứng tầm. Ngay đối với thành phố, một loạt các công trình mang tính biểu tượng đã được xây dựng như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý. Những cây cầu không chỉ để giải quyết vấn đề giao thông, chính quyền đã rất sáng tạo khi tận dụng thời cơ để biến những công trình khô cứng trở thành điểm nhấn và hấp dẫn du khách.
Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý...không chỉ để giải quyết vấn đề giao thông, chính quyền đã rất sáng tạo
khi tận dụng thời cơ để biến những công trình khô cứng trở thành điểm nhấn và hấp dẫn du khách.
Bên cạnh các công trình là việc xúc tiến du lịch ra nước ngoài đồng thời đưa các sự kiện quốc tế về Đà Nẵng như Giải đua thuyền buồm quốc tế, Lễ hội ẩm thực quốc tế, Hoa hậu quốc tế và đáng kể nhất là Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương đã được tổ chức thành công tại Đà Nẵng tạo nên hiệu ứng lan tỏa về năng lực của Thành phố trên trường quốc tế. Các công trình văn hóa – lịch sử được đầu tư, phát triển như Bảo tàng điêu khắc Chăm, Chùa Linh Ứng, Chùa Quan Âm Ngũ hành Sơn, Chùa Phổ Đà, Chùa Tam Bảo…
Bên cạnh tạo ra sản phẩm, chính quyền còn xây dựng hạ tầng đồng bộ và thượng tầng chính sách thông thoáng để thu hút và khích lệ du lịch phát triển. Cụ thể như việc khởi công xây dựng nhà ga nội địa T1 sân bay Đà Nẵng năm 2007 và tiếp tục mở rộng xây dựng nhà ga T2 năm 2015. Sự ra đời của 2 ga này đã lần lượt đưa số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng lên theo cấp số nhân qua các năm.
Tới nay, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã mang về 70% du khách cho thành phố. Song song với đó là những chính sách thu hút đầu tư và các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cả cộng đồng về du lịch bền vững, đưa Đà Nẵng vào top 20 các thành phố sạch nhất thế giới (2012 tại diễn đàn APEC lần thứ 44) – một nền tảng thu hút du lịch cao cấp. Nạn chèo kéo và chặt chém du khách cũng được kiểm soát tối đa giúp Đà Nẵng trở thành lựa chọn tối ưu của du khách tại Việt Nam.
Đà Nẵng đã tạo được thương hiệu du lịch cho mình trên thị trường quốc tế bởi chiến lược phát triển sản phẩm.
Doanh nghiệp được khích lệ và truyền cảm hứng
Năm 2007, dự án InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort được khởi công xây dựng với thiết kế của ông Vua các khu nghỉ dưỡng. Năm 2012 khách sạn đi vào hoạt động và ngay lập tức đã ghi tên trong Top những khách sạn sang trọng nhất thế giới và top 100 khách sạn tốt nhất trên khắp 5 Châu. Tiếp theo đó là đà phát triển cho Bà Nà Hill, Cầu Vàng, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, …
Tất cả tạo nên một thực đơn đa dạng và phong phú đến với du khách cho dù ngoài lợi thế về vị trí địa – kinh tế - chính trị và thiên nhiên ưu đãi như Top 6 Bãi biển đẹp nhất hành tinh, Đà Nẵng rất khó cạnh tranh về chiều sâu văn hóa và lịch sử với các vùng lân cận như Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Việc tạo ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng trở thành vấn đề sống còn để giữ chân du khách tại Đà Nẵng.
Các sự kiện được diễn ra liên tục trên bãi biển, Hội chợ đêm Helio, các festival diễn ra liên tục khiến du khách không khỏi "bận rộn" với lịch vui chơi khi đến Đà Nẵng. Đặc biệt phải kể đến Lễ hội pháo hoa quốc tế được tổ chức thường niên suốt nhiều năm qua khiến Đà Nẵng trở thành một cái tên không ngừng được nhắc đến trên thế giới.
Du lịch Đà Nẵng đang thúc đẩy và khẳng định thương hiệu của mình bằng chiến lược phát triển
bền vững trong đó lấy phát triển sản phẩm làm cốt lõi.
Sự năng động của các hãng lữ hành không ngừng quảng bá, thu hút du khách mà còn là mạng lưới kết nối sản phẩm của các đơn vị và địa phương khác nhau, đặc biệt là Huế - Quảng Nam trở thành một mạng lưới dày đặc và hội đủ tất cả các loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách quốc tế và nội địa.
Các cơ sở lưu trú cũng được đầu tư cao cấp và chất lượng. Đến nay Đà Nẵng chỉ xếp sau TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội về số lượng khách sạn 4 – 5 sao và tương đương, cung cấp 43% lượng buồng phòng cho du khách. Các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng hội đủ các thương hiệu đình đám quốc tế như InterContinental, Hayatt, Hilton, Sheraton, Crown, Novotel, Grand Mercure, Mercure…
Với tầm nhìn và cơ chế thu hút của Thành phố, các loại hình vui chơi giải trí đòi hỏi sự quản lý khắt khe như Casino cũng được thực hiện và đem lại đóng góp không nhỏ trong hút khách quốc tế có chi tiêu cao đến thành phố như Casino tại Crown Plaza hay Furama.
Với chiến lược phát triển sản phẩm làm lõi, đầu tư hạ tầng và chính sách thượng tầng làm nền tảng, du lịch Đà Nẵng đang không ngừng tăng trưởng từ 15% mỗi năm, góp phần cùng với du lịch cả nước đưa Việt Nam trở thành Top 3 quốc gia tăng trưởng du lịch tốt nhất thế giới (2019).
Đ.Tuấn - Đ.Hoàng