Về Cồn Chim

Cập nhật: 26/07/2019
Một ngày cuối tuần, chúng tôi về Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Ðịnh). Ðây là nơi bảo tồn thiên nhiên, kết hợp phát triển du lịch sinh thái có diện tích gần 500 ha, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 15 km…

Thiên nhiên tươi đẹp ở Cồn Chim. Ảnh: MINH HOÀNG và QUY NHƠN LAKE VIEW

Sáng sớm, ông Huỳnh Trung Tấn và một cán bộ của Ban quản lý khu bảo tồn Cồn Chim đã chờ sẵn ở bến đò Phước Sơn. Chiếc xuồng máy chạy dầu ì ì rời bến, xuôi dọc đầm. Một bên là rừng sú vẹt, một bên là bãi nuôi trồng thủy sản của ngư dân xóm đảo. Dọc đường đi, thỉnh thoảng bắt gặp những ngư dân khai thác hải sản bằng lưới hay câu từ biển trở về sau một đêm mưu sinh. Ðể phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn, khu sinh thái ngập mặn được chia ra nhiều khu vực chức năng như: khu nuôi sinh thái kết hợp trồng rừng ngập mặn, khu bảo tồn cỏ biển, khu sân chim, khu nuôi động vật thân mềm… Trong đó, riêng hệ thực vật đã có khoảng 25 loài, nằm trong các dải rừng ngập mặn nguyên sinh và tái sinh. Những cây sú, vẹt, đước, bần… cùng với các loài cỏ biển, rong biển ở đây đang ngày càng hồi phục và phát triển. Hệ động vật cũng rất phong phú, với khoảng 64 loài phù du, 76 loài cá, hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loài chim rừng. Rừng ngập mặn ở đây được các nhà khoa học xác định đã có hàng trăm năm tạo thành một hệ sinh thái thực vật đa dạng, môi trường sống trong lành cho các loài thủy sản như tôm, cua, cá trú ẩn, sinh sôi, nảy nở.

Chiếc xuồng dừng lại trước căn chòi đầu tiên. Một khoảng đất khá rộng với vài ba ngôi nhà cấp bốn cùng hồ nuôi cua nước lợ hiện ra trước mắt. Ông Tấn cho biết, đây là cơ ngơi của Ban quản lý Khu bảo tồn Cồn Chim, hiện ông đang là nhân viên quản lý tại đây. Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng nhiều năm gắn bó với Cồn Chim cho nên ông đã nhận làm công việc bảo vệ và hướng dẫn viên du lịch tình nguyện khi Ban quản lý có đoàn công tác đến liên hệ nghiên cứu khoa học hay khách đến tham quan. Trong căn phòng nhỏ có thể nhìn ra bốn bề là đầm, vây quanh là những cây đước, cây bần xanh tốt, ông Tấn nói vui: Cây sống trong vùng ngập mặn này cũng phải có sức sống mãnh liệt lắm đấy. Ðể có được một cây sống xanh tốt như hôm nay, người trồng phải dặm đi, dặm lại, có gốc thậm chí phải dặm hàng chục lần. Những cây đước ngăn được sóng dữ và gió cát vốc từ đất liền ra đảo trông như một thành lũy. Vào mùa gió chướng, có những trận cuồng phong, cuốn theo nhiều cát bụi như muốn ném vào mặt người, vào nhà, vào từng ô đất trồng rau nhỏ bé, khiêm nhường của người nông dân Cồn Chim chắt chiu, bảo vệ bao đời mới có.

Thôn Vinh Quang 2 là nơi phần lớn cư dân Cồn Chim sinh sống. Làng biển, với những nóc nhà mái ngói, những vườn rau xanh, cây hoa mọc lấp ló trên những vụng đất nhỏ được quây lại bằng những cây bần cổ thụ thấp thoáng phía xa. Hơn 280 hộ dân của cả Cồn Chim quần tụ tại đây. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, xóm biển này chỉ có vài ba nóc nhà tranh sơ sài, dựng tạm. Dưới cái nóng 40oC, bắp tay ông Tấn nhìn ngược nắng trông như chiếc bánh mì phủ mật, thoăn thoắt buộc neo thuyền rồi đưa tay, kéo từng người trong đoàn chúng tôi lên bờ. Tiếng máy cưa xẻ gỗ dựng nhà mới ầm ĩ, tiếng trẻ con nô đùa, cười nói xôn xao chào đón chúng tôi khi bắt đầu đặt chân lên đảo.

Anh Hồ Văn Trung, Phó trưởng thôn Vinh Quang 2 kiêm xóm trưởng Cồn Chim cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cồn Chim được biết đến là một vùng đất cách mạng. Thời kỳ đó, mảnh đất kiên trung này đã phải oằn mình chống chọi hàng trăm tấn bom, nhiều chiến sĩ bị địch bắt, cầm tù, tra tấn dã man, nhưng ý chí quật cường của người dân nơi đây vẫn vững vàng, trở thành chỗ dựa vững vàng cho cách mạng tiếp tục duy trì và phát triển. Trong xóm hiện có hàng chục gia đình được chứng nhận có công với cách mạng, nhiều mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngay đầu xóm, có một bia tưởng niệm, ghi danh liệt sĩ là những người con đất bãi Cồn Chim đã ngã xuống hy sinh vì Tổ quốc. Ðến khoảng giữa những năm 1990, lần đầu Cồn Chim hân hoan chào đón đường dây dẫn điện vượt biển từ đất liền. Cũng từ đây, Cồn Chim thay da, đổi thịt từng ngày. Nhờ có chính sách khoán hộ trong nông nghiệp, năng suất nuôi trồng thủy sản tăng lên, môi trường rừng và nguồn lợi thủy sản từ đó cũng được cải thiện. Năm 2004, dự án phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại được chính thức triển khai đã mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế, xã hội cho người dân trên đảo. Từ một nơi hiu quạnh, vắng vẻ, Cồn Chim đã nhanh chóng được phủ cây xanh, thu hút những đàn chim di cư từ phương xa tìm đến làm nơi đỗ đậu bình yên. Ðến năm 2008, Nhà nước đã đầu tư đường ống đưa nước sạch từ đất liền ra Cồn Chim, giúp người dân thoát cảnh bao đời nay phải mua từng can nước rồi chở ghe từ Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) ra đảo. Thêm nữa, với kinh phí khoảng 200 triệu đồng, con đường bê-tông đầu tiên cũng được khánh thành tại Cồn Chim, từ đó, những con đường nhỏ, những ngôi nhà dân và nhiều công trình dân sinh khác đã mọc lên nhanh chóng nhờ hạ tầng giao thông được mở mang, phát triển. Tháng 5-2018, để nâng cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho cư dân Cồn Chim, ngành điện Bình Ðịnh đã xây dựng đường điện 22 kV dài 570 m và lắp trạm biến áp tại xóm đảo, với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hải, một người đã có hàng chục năm làm cán bộ xóm đảo Cồn Chim cho biết, người dân Cồn Chim từ xưa đã sống trong sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Bây giờ, Cồn Chim tuy là một ốc đảo nhưng cũng đã có đầy đủ các tổ chức, đoàn thể như: Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Ðoàn thanh niên… Nhờ hoạt động hiệu quả, thời gian qua các tổ chức, đoàn thể thật sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân địa phương. Cuộc sống hiện nay của 1.200 người dân Cồn Chim vẫn còn nhiều khó khăn, do chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Muốn vào đất liền hay từ đất liền ra đảo vẫn phải trông chờ vào những chuyến đò ngang. Hiện nay, xóm Cồn Chim mới chỉ có một lớp mẫu giáo khoảng 20 cháu và một cô giáo, lớp tiểu học có gần 50 học sinh thì phải học ghép lớp. Khi lên THCS và THPT các cháu phải đi đò sang đất liền để học. Người dân Cồn Chim đang mơ ước sẽ sớm có một cây cầu nối đất liền ra đảo, vừa hỗ trợ cải thiện cuộc sống, sinh hoạt của người dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cồn Chim vào lúc hoàng hôn. Những đàn chim bắt đầu trở về, kết thúc một ngày đi kiếm mồi nơi tứ xứ. Ông Tấn giảm tiếng động cơ xuồng máy, cốt không muốn đánh động lũ chim đang sà xuống mỗi lúc một nhiều hơn trên những ngọn cây đước, cây bưng phía xa đầm bãi. Ông bỗng cất cao tiếng hò Bả Trạo. Tiếng hò của ông ngân xa mãi như chạm đến tận ráng chiều cuối chân trời:

“Thanh bình thiên hạ/ Nhà nhà chung thỏa/ Chốn chốn kỳ cầu/ Bủa lưới giăng câu/ Sinh nhai no ấm”…

CÁT TIÊN

Nguồn: Nhân Dân