Sáu tháng đầu năm nay, dù lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta liên tục đạt mức hơn một triệu lượt người mỗi tháng, song tốc độ tăng trưởng khách đang có dấu hiệu chậm dần. Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch nhanh chóng có những giải pháp để thu hút khách quốc tế, bảo đảm mục tiêu đón 18 triệu lượt khách trong năm 2019.
Du khách tham quan lồng bè cá trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: THANH HÀ
Khách từ những thị trường chủ đạo giảm
Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đón gần 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế có xu hướng giảm dần, điển hình tháng 6 có mức thấp nhất trong nửa đầu năm, chỉ đạt 1,18 triệu lượt khách, giảm 10,6% so với tháng trước. Trong đó, khách đến từ châu Á chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến nước ta giảm 0,4%, từ châu Úc giảm 6% so với tháng 6 năm 2018. Tốc độ tăng trưởng khách hai quý đầu năm nhìn chung thấp hơn nhiều so với mức tăng từ 20-30% giai đoạn 2016 - 2018. Ðây là nguyên nhân khiến nhiều người lo ngại, ngành du lịch Việt Nam khó đạt mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay như kỳ vọng. Lý giải về sự sụt giảm này, một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, nguyên nhân chính là do số lượng khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc những tháng qua có dấu hiệu giảm. Thống kê cho thấy, sáu tháng đầu năm, số khách đến từ Hàn Quốc - thị trường lớn thứ hai trong cơ cấu khách quốc tế tới nước ta đạt hơn hai triệu lượt, chỉ tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (trong khi tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2018 đạt 60,7%). Ðặc biệt, lượng du khách đến từ Trung Quốc - thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam chỉ đạt gần 2,5 triệu lượt, giảm 3,3% so với sáu tháng đầu năm 2018 (trong khi tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2018 đạt 36,1%).
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng tăng trưởng du lịch có dấu hiệu chững lại, không mạnh mẽ như những năm trước có phần từ nguyên nhân do căng thẳng thương mại toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ và sự phát triển chậm hơn của các nền kinh tế châu Á… Bên cạnh đó, gần đây, các nước trong khu vực có sự cạnh tranh quyết liệt để thu hút khách du lịch quốc tế bằng những chính sách tăng cường như: đầu tư quảng bá, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực…; trong khi một số điểm đến ở nước ta đã trở nên bão hòa, dẫn đến phân tán lượng khách quốc tế từ những thị trường nguồn lớn.
Ðẩy mạnh thu hút dòng khách lẻ và nội khối
Vụ trưởng Thị trường (Tổng cục Du lịch Việt Nam) Ðinh Ngọc Ðức cho biết, ngay từ sau ba tháng đầu năm, nhận thấy lượng khách từ khu vực Ðông - Bắc Á tăng trưởng không như mong muốn, Tổng cục Du lịch đã tổ chức một số buổi họp với doanh nghiệp du lịch đang khai thác khách từ thị trường này để phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp. Trong tháng 5 và 6, một loạt chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch dưới dạng tham gia hội chợ quốc tế, roadshow đã được tổ chức tại hai quốc gia kể trên. Tổng cục Du lịch cũng trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chuyển một số gói kinh phí quảng bá dành cho thị trường Mỹ, Trung Ðông để ưu tiên cho thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc với mục tiêu sẽ đón được lượng khách lớn trong mùa cao điểm du lịch rơi vào quý III, quý IV năm nay. Thêm nữa, theo khảo sát, lượng khách sụt giảm từ thị trường Trung Quốc thời gian qua chủ yếu là khách sử dụng các chuyến bay charter (thuê máy bay nguyên chuyến thường dành cho các đoàn khách lớn), cho nên muốn thúc đẩy tăng trưởng khách từ thị trường Trung Quốc, đối tượng được ngành du lịch nhắm tới là dòng khách lẻ đi du lịch tự túc. Mới đây, một chiến dịch quảng cáo về du lịch Việt Nam bằng tiếng Trung đã được triển khai trên hệ thống mạng xã hội nội bộ của nước này để tăng cường thu hút dòng khách lẻ. Theo các chuyên gia du lịch, trong bối cảnh du lịch trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ với sự lên ngôi của xu hướng du lịch cá nhân hóa, việc phải tập trung đẩy mạnh du lịch trực tuyến là đòi hỏi tất yếu. Muốn thế, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch và sự liên kết để tạo hệ thống dữ liệu số đồng bộ, sinh động về du lịch cần được tăng cường. Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu nhận định: Trước đây, ngành du lịch phụ thuộc khá lớn vào các công ty lữ hành nước ngoài đưa khách quốc tế tới Việt Nam. Ðiều này dễ gây rủi ro khi họ chuyển hướng khai thác thị trường khác. Trong khi đó, du lịch Việt Nam thời gian qua chứng kiến lượng khách quốc tế đi du lịch tự túc thông qua đặt dịch vụ trực tuyến tăng cao, cho nên phát triển du lịch trực tuyến sẽ là xu thế mới hiện nay và là hướng đi giúp tăng trưởng khách ổn định.
Thống kê sáu tháng đầu năm cho thấy, lượng khách đến từ châu Á chiếm tới 77,6% tổng lượng khách quốc tế. Trong đó, khách đến từ Thái-lan đặc biệt tăng mạnh với mức 45,4% so với cùng kỳ năm 2018, cho thấy, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với du khách các nước trong khu vực. Vì thế, bên cạnh những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác thị trường ASEAN với những lợi thế về chính sách visa trong nội khối. Ðây cũng là vấn đề được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2019 do Tổng cục Du lịch vừa tổ chức. Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là tập trung phát triển theo chiều sâu. Thực tế cho thấy, thời gian qua, du lịch Việt Nam vẫn chỉ chú trọng phát triển số lượng mà chưa tập trung nhiều vào việc nâng cao chất lượng. Dù được xếp hạng đứng thứ sáu trong tốp 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất toàn cầu nhưng doanh thu du lịch toàn ngành vẫn thua xa so với các quốc gia láng giềng. Nguyên nhân được xác định là dù thu hút số lượng lớn du khách, nhưng du lịch Việt Nam vẫn thiếu những sản phẩm, dịch vụ đặc thù để du khách sẵn sàng chi tiền. Hệ thống điểm vui chơi, giải trí, mua sắm chưa mang tính đồng bộ và thiếu đặc sắc cho nên không đủ kích thích sức mua của du khách. Do đó, ngành du lịch cần tập trung đầu tư theo chiều sâu bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Ðây cũng là chìa khóa giúp giảm sức ép của tăng trưởng nóng về số lượng khách du lịch lên hệ thống tài nguyên môi trường, di sản, điểm đến.
Theo dự báo của báo cáo hằng năm du lịch Việt Nam năm 2018: Trong năm 2019, dù lượng khách quốc tế đến nước ta có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2018, nhưng vẫn sẽ cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới (3-4%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (5-6%). Bên cạnh đó, những thị trường như Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Nga, Ô-xtrây-li-a, Ðông - Nam Á sẽ tăng trưởng tích cực. Thị trường Tây Âu và Mỹ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định. Thị trường khách nội địa cũng tiếp tục sôi động với hàng loạt chương trình kích cầu du lịch của các hãng hàng không, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú… Hơn nữa, hai quý cuối năm mới là mùa cao điểm du lịch đối với khách quốc tế. Ngành du lịch vẫn kỳ vọng sẽ duy trì được mức tăng trưởng khách theo kế hoạch với mục tiêu đón từ 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700 nghìn tỷ đồng. Nếu thực hiện được, ngành du lịch sẽ về đích trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đặt ra là đến năm 2020 đón, thu hút từ 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa.
TRANG ANH