Ở Thừa Thiên - Huế đang xuất hiện hình thức khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang bằng cách đặt lừ.
Lừ có khung bằng thép, được bao bọc bằng lưới theo hình chữ nhật, có thể xếp gọn lại để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Khi giăng ra, dọc thân lừ có nhiều cửa để tôm cá đi vào. Đây là dụng cụ đánh bắt có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi mới nhập về, lừ có các mắt lưới bao quanh rộng cỡ 1,8 - 2 cm, nhưng ngư dân đã cải tiến cho mắt lưới nhỏ hơn với cỡ từ 0,8 cm - 1,2 cm để có thể đánh bắt cả cá lớn, cá bé. Dụng cụ đánh bắt này đang có mặt tại nhiều địa phương, mỗi đêm có khoảng 100 lừ được đặt trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích rộng hơn 22.000 ha mặt nước, có hơn 14.500 hộ sinh sống, làm nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản. Bên cạnh việc đánh bắt bằng đặt lừ như trên là tình trạng nuôi tôm chắn bằng nò sáo trên đầm phá làm giảm nguồn lợi thủy sản ở đây.
Theo thống kê trong vùng có hơn 3.100 ha mặt nước nuôi tôm chắn sáo, ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường sống tự nhiên của các loài thủy sản. Các địa phương trong tỉnh đang vận động bà con giảm tối đa các hình thức khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trên đầm phá Tam Giang. Huyện Phú Vang tiến hành tháo dỡ 86 trộ nò sáo, 92 miệng đáy, và các trộ rớ lấn chiếm giao thông đường thuỷ để giải phóng khoảng 75 ha diện tích mặt nước trên đầm phá.
Các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền phấn đấu đến năm 2010 giảm 50% diện tích nò sáo, từng bước phục hồi môi trường sinh thái, bảo vệ tốt nguồn lợi thuỷ sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai...