Vườn quốc gia Tràm Chim có hàng trăm ngàn hecta rừng xanh mượt, là nơi sinh trưởng của hơn 130 loài thực vật bản địa, hơn 40 loài cá nước ngọt, rùa, rắn, trăn và hơn 200 loài chim nước, trong đó có 13 loài chim quý hiếm, đặc biệt có sếu đầu đỏ, được ghi vào Sách Đỏ của thế giới và cũng là một trong 15 loài sếu quý hiếm trên thế giới có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Sếu về Tràm Chim
Trước đây, tại thị trấn Tràm Chim có một khu rừng tràm rất tốt và có rất nhiều loài chim đến kiếm ăn, sinh nở. Sếu cũng đã từng sinh đẻ ở đây. Nhưng từ khi có tác động của con người, có chiến tranh thì rừng tràm bị phá, nước cạn, phèn dâng lên mặt đất làm cho các loài chim và sinh vật khác không thể phát triển được. Từ đó, sếu không về đây sinh đẻ nữa mà chỉ về kiếm ăn trong mùa nước cạn và ra đi trong mùa nước nổi. Hàng chục năm qua cứ vào đầu xuân, sếu thường kéo về Tràm Chim hình thành một bầy có hàng trăm con, tụ tập về nơi đây mở lễ hội mừng xuân, sau đó chia bầy bay đi tìm những điểm có nhiều thức ăn vì lúc này là mùa mưa, đất mềm, có nhiều hạt củ.
Vì muốn cho sếu trở lại sinh sản ở Tràm Chim và các loài chim khác cũng về đây hội tụ, tỉnh Đồng Tháp và Ủy ban Bảo vệ Môi trường Thiên nhiên quốc gia đã quyết tâm phục hồi môi trường với sự tham gia hỗ trợ của các nhà khoa học cấp nhà nước để nghiên cứu điều kiện tự nhiên và hệ thống sinh thái vùng đất trũng ngập nước Đồng Tháp Mười nhằm hình thành một khu vực lưu trú và cũng là nơi bảo tồn cần thiết cho một loài chim nước quý hiếm này.
Hàng năm, sếu đầu đỏ kéo về vùng Tràm Chim từ tháng 12 đến tháng 7, đông nhất là vào tháng 3. Đây là khoảng thời gian của cả mùa khô và đầu mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân bản địa gọi khoảng thời gian này là những ngày hội của sếu. Sau thời gian này, sếu đầu đỏ tạm biệt Tràm Chim để trở về nơi trú ngụ và sinh nở trước đó tại Campuchia, Lào, Thái Lan.
Đến Tràm Chim, bất chợt một thoáng như mơ như thực, du khách sẽ bắt gặp ẩn hiện trước cảnh bao la của đất trời Đồng Tháp những cánh sếu chấp chới nhẹ nhàng như những áng mây bềnh bồng... Nếu gặp may du khách sẽ được chứng kiến từng đàn sếu đầu đỏ về ăn củ năng cùng với nhiều loại chim khác tụ hợp thành từng đàn đông vui. Khi chiều về, du khách có thể xem và chụp ảnh đàn sếu khi sếu múa đôi và kêu vang khắp trời.
Sếu về lại Tràm Chim là hiện tượng báo hiệu điềm ấm no và hạnh phúc, phồn vinh. Sếu sống hiền hòa, giản dị và còn báo hiệu cho con người biết được sự thay đổi khí tượng, thời tiết, nắng mưa... để tạo điều kiện cho công việc đồng áng. Thiên nhiên nơi đây đã và đang thu hút nhiều du khách đến tham quan du lịch. Tương lai không xa, nơi này sẽ trở thành một viện bảo tàng thiên nhiên, một trung tâm du lịch về nguồn và là điểm tham quan, du khảo lý tưởng cho du khách gần xa.
Nguy cơ đàn sếu sẽ... biến mất!
Đàn sếu sẽ biến mất ở các khu bảo tồn ở Việt Nam, đó là lo ngại của các nhà khoa học. Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây đàn sếu giảm đi nghiêm trọng. Nếu như trước đây sếu về Tràm Chim đến 800 con thì gần đây chỉ khoảng 100 con. Khu vực Kiên Lương từ 300 - 400 con nay chỉ còn hơn 200 con. Hiện tại đồng tôm tiếp tục mở rộng, đất sống của sếu thu hẹp dần.
Đối với Tràm Chim, việc đào kênh chia năm xẻ bảy đã làm mất tính đặc thù và phá vỡ vùng lõi của vườn quốc gia. Hệ sinh thái thay đổi kéo theo nhiều loài động thực vật chịu hệ lụy, trong đó sếu cũng bị tác động.
Ngoài ra, trong số hơn 40.000 nhân khẩu sống xung quanh vùng đệm đa số nghèo, đời sống khó khăn... trong khi Tràm Chim là nơi nhiều cá, rắn, rùa, chim... nên khó ngăn được họ vào vườn săn bắt.
Theo TS. Dương Văn Ni - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cần thay đổi cách quản lý và giữ nước ở Tràm Chim, nên áp dụng cách “lấy lửa trị lửa”, chủ động “đốt” có kiểm soát vào mùa khô. Điều này làm giảm nguy cơ cháy rừng mà các loài động thực vật vẫn phát triển tốt. Bảo tồn và phát triển bãi năng để giữ lại sếu. Song song đó tuyên truyền để mọi người có trách nhiệm bảo vệ và hưởng lợi để phát triển bền vững.
Thực tế gần đây, đàn sếu ở Việt Nam thường chia thành từng đàn nhỏ, sống rải rác ở Hòn Chông, Phú Mỹ, Hòn Đất, Tràm Chim, Láng Sen... do bãi ăn bị thu hẹp dần. Tài liệu thống kê sếu hàng năm của Vườn quốc gia Tràm Chim và Hội bảo vệ sếu quốc tế (ICF) cho thấy, hàng năm sếu có chiều hướng giảm, từ 1.052 con (1985) còn 217 con (1994). Điều này đã làm cho Tràm Chim, ICF và các nhà khoa học trên thế giới lo ngại đến sự tuyệt chủng của sếu. Nếu không có biện pháp hữu hiệu để tổ chức bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ sếu... sẽ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Một số giải pháp bảo tồn sếu
Để bảo tồn được loài sếu ở Tràm Chim, cần bảo vệ môi trường sinh thái bằng cách hạn chế việc sử dụng hóa chất ở xung quanh rừng Tràm Chim, đồng thời phòng tránh việc cháy rừng ảnh hưởng đến đàn sếu; khôi phục lại một số vùng đất ngập nước xung quanh Vườn quốc gia Tràm Chim và đồng bằng sông Cửu Long nhằm mở rộng không gian và thức ăn cho sếu; kêu gọi các tổ chức, cá nhân bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ sếu...
Song song với những việc cần làm để bảo vệ đàn sếu thì việc tuyên truyền về sếu, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ khi đến Việt Nam. Không cho người dân vùng đệm vào chặt củi, bắt cá, lấy mật ong, thường xuyên kiểm tra việc phòng chống cháy rừng, theo dõi không để súc vật xâm hại vùng đất Tràm Chim.
Hy vọng một vài năm tới, sếu sẽ trở về Tràm Chim ngày càng nhiều để nơi đây sẽ là nơi du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên