Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu song đặc biệt cấp bách đối với Việt Nam - một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH.
Để ứng phó với BĐKH đòi hỏi sự nỗ lực của Nhà nước, toàn dân nói chung và các tổ chức dân sự. Làm thế nào để phát huy vai trò của các tổ chức dân sự vào công tác ứng phó với BĐKH là nội dung Hội thảo "Biến đổi khí hậu và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự" vừa diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức và trao đổi quan điểm về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong công tác ứng phó với BĐKH; giới thiệu và thảo luận sáng kiến thành lập mạng lưới "Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Hội thảo là diễn đàn giới thiệu tổng quan về BĐKH; tác động của vấn đề này ở Việt Nam; cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến BĐKH và chia sẻ kinh nghiệm và thông tin về các hoạt động cụ thể liên quan đến lĩnh vực này.
Theo TS. Nguyễn Thế Tưởng - Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, qua các kết quả điều tra cho thấy, BĐKH ở Việt Nam biểu hiện chủ yếu ở các yếu tố: nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,3 ºC/năm, mực nước biển dâng cao từ 0,435 - 0,635cm/năm, lượng mưa tăng dần vào các tháng 7, 8, 9, 10 và 11; đến năm 2010 nước biển dâng cao 9cm, năm 2050 là 33cm và năm 2070 là 45cm. Theo đó, ở Việt Nam khi mực nước biển dâng cao 01m dự báo sẽ tác động tới 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng, 46 khu bảo tồn, 9 khu vực có đa dạng sinh học chính, 12,2% diện tích đất cả nước, nhiều vùng trũng ở đồng bằng ven biển sẽ bị ngập… Nguyên nhân của BĐKH ở Việt Nam do khí nhà kính từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất, chất thải và do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO. Hội thảo đã dành thời gian thảo luận các biện pháp nhằm giảm thiểu những tác động của BĐKH đến đời sống, kinh tế - xã hội của Việt Nam như: giảm lượng phát thải khí nhà kính bằng các công nghệ hiện đại, đẩy mạnh việc phục hồi các dải rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ; cải tạo cơ sở hạ tầng và tập quán sinh hoạt của cư dân ven bờ, tái định cư di dời cơ sở hạ tầng ra khỏi khu vực nguy hiểm; thiết lập hệ thống thông tin, quan trực hiện đại nhằm đưa ra các dự báo, cảnh báo sớm…
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình với ý tưởng thành lập mạng lưới liên kết các tổ chức xã hội dân sự để ứng phó với BĐKH, bởi đây là công việc chung của tất cả các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam, trong đó vai trò của chính người Việt Nam là đặc biệt quan trọng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nhấn mạnh: "VUSTA nhận thấy cần phải xây dựng một diễn đàn chung cho các thành viên nhằm trao đổi thông tin hoạt động và hợp tác hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao nhận thức cho các tổ chức thành viên, lồng ghép vấn đề BĐKH vào chương trình hoạt động và cuối cùng là kết nối các tổ chức thành viên với các bên liên quan để cùng giải quyết những vấn đề ở phạm vi quốc gia". "Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) mong muốn hỗ trợ cộng đồng nhận thức được những vấn đề liên quan tới BĐKH tại chính địa phương mình, tiếp cận và ứng dụng các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với nhũng tác hại do BĐKH gây ra với đời sống của họ. Sự hỗ trợ đó sẽ thiết thực và hiệu quả hơn nếu đặt trong nỗ lực chung của các tổ chức và cá nhân Việt Nam khác: Vì vậy, chúng tôi ủng hộ ý tưởng về một mạng lưới xã hội dân sự việt Nam cùng chung tay giải quyết vấn đề BĐKH" - Phó Giám đốc MCD Hồ Thi Yến Thu chia sẻ.
Với sự tham dự của gần 100 đại biểu từ các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ và nhận được sự quan tâm của đông đảo các phương tiện thông tin đại chúng, Hội thảo là sự khởi đầu cho hoạt động hiệu quả hơn của các tổ chức xã hội dân sự trong công tác ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.