Ở TP. Đà Nẵng, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hành động “tử tế vì môi trường” của các bạn trẻ như lặn biển nhặt rác, trồng thêm nhiều cây xanh hay đơn giản là thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa... đã tạo cảm hứng và lan tỏa mạnh đến cộng đồng chung tay vì một tương lai xanh…
Chiến dịch “Dọn rác Sơn Trà - ChallengeForChange” đã tạo ra hiệu ứng lớn về ý thức bảo vệ môi trường
“Săn rác” dưới đáy biển
Từng sọt rác đựng vỏ lon, lưới kéo cá cùng các loại chai nhựa khó phân hủy lần lượt được đội lặn đưa lên bờ là hình ảnh không còn xa lạ với du khách khi đến ghềnh đá Obama (Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) vào những ngày cuối tuần... Giữa trời nắng trong xanh, từng thành viên trong đội lặn chốc chốc lại trồi lên khỏi mặt nước phấn khởi khi trên tay là rác. Ít ai biết rằng, đội quân nhặt rác này là những bạn trẻ có niềm đam mê bơi lặn đến đây để vừa “thư giãn” ngắm san hô vừa thu gom rác thải.
Lê Anh Tiến (27 tuổi) đã bắt đầu công việc lặn biển nhặt rác được gần 2 năm nay. Vốn xuất thân là huấn luyện viên bơi lội của Trung tâm Bơi lội 30/4 (Thanh Khê, Đà Nẵng) nên cứ vào những ngày cuối tuần anh lại cùng bạn bè và các học trò lặn biển ngắm san hô ở Sơn Trà. Những chuyến lặn biển đã cho Tiến nhận ra san hô và sinh vật biển đang từng ngày bị hủy hoại bởi rác thải nhựa. Đau đáu khôn nguôi, Tiến cùng những người bạn chung đam mê lặn biển thu gom rác.
Tiến cho biết, khác với nhặt rác trên bờ, lặn và vớt rác dưới đáy biển đòi hỏi phải có sức khỏe và kỹ năng. Trước khi xuống nước, Tiến và các bạn chia nhau công việc và vị trí cụ thể phù hợp với khả năng lặn, kỹ năng ếm hơi của từng người. Các bạn phải dặn nhau quan sát động thái của người cảnh giới bên trên, quan sát để tránh san hô, cá chình…
Tuổi trẻ chung tay “xóa sổ” bãi rác khủng Đá Đen (Sơn Trà, Đà Nẵng)
Theo Tiến, nguy hiểm nhất khi lặn biển nhặt rác là “ham rác” quá, đôi lần nhìn thấy những bãi rác quá lớn, lượm được 1 - 2 cái rồi nhưng vẫn cứ gắng lượm thêm dù gần hết hơi, đến khi trồi lên không kịp. Hay những hôm lặn biển gặp sóng lớn, các bạn phải dùng vai để kê vào đá tảng tránh bị trôi theo con nước nên bị trầy xước rất nhiều.
“Lặn và nhặt rác dưới đáy biển vất vả gấp mấy chục lần nhặt trên bờ nhưng bù lại khi ở dưới lòng đại dương bạn sẽ được ngắm san hô và nhiều sinh vật biển khác vô cùng thú vị. Mỗi khi cắt xong mớ dây dính vào rừng nguyên sinh dưới biển, nhìn thấy cả đàn cá sum vầy, cảm giác chúng vui vẻ là có thật ” - Tiến kể.
Còn với chàng trai trẻ Lê Hải Đăng trải nghiệm trong chuyến lặn biển nhặt rác đầu tiên đã giúp cho em “nhìn” thấy một không gian biển xanh cần được bảo vệ. Nhìn đám san hô sống như đang “vùng vẫy” tuyệt vọng trong đống chai lọ nhựa và dây thừng, em không chịu nổi. Suốt buổi lặn hôm nay em chỉ lượm được rất ít rác vì chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng bơi lội, hơn nữa rác dưới đáy biển không chịu đứng yên mà cứ trườn theo con nước.
“Lặn biển nhặt rác rất vất vả và mất sức. Nhưng em vẫn quyết tâm cùng thầy Tiến và các anh chị tiếp tục duy trì lặn biển nhặt rác vào mỗi sáng Chủ nhật ở từng bãi đá khác nhau. Vừa nâng cao kỹ năng bơi lội cho em, vừa góp phần bảo vệ môi trường biển” - Đăng hào hứng.
Hành động để thay đổi
Ghé thăm bãi biển TP. Đà Nẵng trong mùa du lịch này, nhiều người dân và du khách thích thú tìm đến chụp ảnh cùng những chú cá “Bống” rất đặc biệt với nhiệm vụ “ăn rác” cùng thông điệp “Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa chứ không phải đại dương”. Hình ảnh chú cá nuốt rác thải mà con người sử dụng đã tạo ấn tượng mạnh, lan truyền thông điệp bảo vệ đại dương với cộng đồng. Các em nhỏ khi nhìn thấy Bống liền nhao nhao hỏi bố mẹ: “Cá gì đây ạ?”. Khi được bố mẹ giải thích về ý nghĩa của Bống được viết trên tấm bảng đặt cạnh, các em đã hào hứng chạy dọc bờ biển tìm vỏ chai nhựa, bao ni lông để cho Bống “ăn”.
Cô Sarah Field - chủ nhân của ý tưởng này cho biết, mình đến TP. Đà Nẵng làm việc được 9 tháng và rất yêu mến cuộc sống nơi đây. Những lần đi dạo trên bờ biển, thỉnh thoảng thấy những chai nhựa, vỏ bao ni lông trôi dạt hoặc nằm vương vãi trên bãi cát, khiến cô trăn trở. Khi chia sẻ ý tưởng cùng những người bạn, Sarah nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Cuối tháng 3/2019, một người bạn của Sarah đã kết nối cô với Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà. Dự án cho Bống ăn rác của nữ giáo viên này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, cùng sự tham gia của đông đảo các tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học ở TP. Đà Nẵng.
“Thực hiện dự án này, chúng tôi mong muốn, bất cứ du khách khi thấy “Bống” ở biển sẽ suy nghĩ tại sao lại có con cá đựng rác ở đây, tại sao phải tách rác thải nhựa ra khỏi biển. Từ đó, lan tỏa thông điệp bảo vệ đại dương khỏi rác thải nhựa ở Đà Nẵng” - cô Sarah Field chia sẻ.
Nhà hoạt động môi trường, nhà tái chế Mzung (Nguyễn Mỹ Dung) từng nói “Người trẻ ạ, sẽ đến lúc thế giới không cần người thành công nữa, mà cần người tử tế để đi sửa những điều sai”. Và TP. Đà Nẵng đã vô cùng may mắn có được những người trẻ “tử tế” như vậy.
Mỗi chuyến lặn biển của thầy trò huấn luyện viên Lê Anh Tiến thường nhặt được chừng 20 - 30 kg rác thải nhựa
Còn nhớ, 4 tháng trước, bãi Đá Đen (Sơn Trà, Đà Nẵng) như một biển rác khổng lồ, thậm chí, có chỗ rác dày gần 1 m, do sóng biển tấp vào. Chàng trai Vũ Thành An (28 tuổi) thông qua mạng xã hội Facebook đã khởi xướng chiến dịch “Dọn rác Sơn Trà - ChallengeForChange”. Mạng xã hội là ảo nhưng hành động là thật và nghiêm túc. Sau 4 tháng ròng rã, 19 buổi dọn rác, với 700 lượt người tham gia, các bạn trẻ đã trả lại cho nơi này vẻ đẹp đầy thơ mộng giữa núi non và biển trời mà chắc chắn, nhiều người phải ngỡ ngàng.
Trong số những bạn trẻ bền bỉ tham gia chiến dịch, ngay từ ngày đầu phải kể đến Đặng Anh Tuấn. Vì yêu Sơn Trà, nên hơn ai hết, Tuấn không thể chịu đựng được hình ảnh rác thải bủa vây eo biển nên thơ và hoang sơ này. Tuấn bảo, khi bắt tay dọn rác ở đây nhiều người nói rằng, một người dọn trăm người xả cũng như “muối bỏ biển” thôi. Nhưng bọn mình vẫn làm, đơn giản chỉ vì nơi này đang cần bọn mình. Cũng theo Tuấn, vấn đề rác thải đang rất nhức nhối trên toàn cầu, nên cần sự chung tay hơn nữa của mọi người. Không nhất thiết phải đi đến tận nơi, thu nhặt và phân loại rác mới gọi là bạn đã tham gia phong trào. Chỉ cần thay đổi thói quen sử dụng bao ni lông, các sản phẩm từ nhựa thì các bạn đã có một “Before & After” nho nhỏ trong nhận thức. Từng đó cũng đã là một kì tích và giúp phần nào chúng mình không phải đi nhặt rác ở những bãi rác phát sinh trong tương lai.
“Không có cách tuyên truyền nào hiệu quả hơn việc xắn tay lên và dọn rác. Nhóm chúng mình đã có một mùa hè rực cháy theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng” - Đặng Anh Tuấn chia sẻ.
Lan Anh - Quỳnh Anh