Mục đích của việc nâng cấp đồng bộ và phát triển hạ tầng du lịch là để tạo động lực cho ngành du lịch của tỉnh An Giang phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo.
Toàn cảnh Khu du lịch Núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh Lương Bá Thịnh và CTV
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X xác định: “Phát triển ngành du lịch tỉnh thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Mục tiêu ấy đã, đang và sẽ được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học. Minh chứng cho điều này là những kết quả đáng phấn khởi của ngành du lịch tỉnh An Giang trong liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua. Chỉ tính sáu tháng đầu năm 2019, An Giang đã đón được hơn bảy triệu lượt khách, tăng 7,69% so với cùng kỳ năm 2018, ướt đạt 76,09% so với kế hoạch năm 2019 và doanh thu từ du lịch mang lại là 4.000 tỷ đồng. An Giang là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi và có nhiều tiềm năng du lịch nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều loại địa hình từ đồng bằng đến đồi núi, rừng và hệ thống sông rạch có thể khai thác và phát triển được nhiều loại hình du lịch đa dạng. Bên cạnh các loại hình du lịch sông nước, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch khám phá và đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh trở thành thương hiệu riêng có của An Giang.
Cáp treo lên đỉnh Núi Cấm. Ảnh Lương Bá Thịnh và CTV
Tuy nhiên, đồng chí Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại tỉnh An Giang cho rằng, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài tiềm năng và điều kiện sẵn có, cần thiết phải đầu tư xây dựng một hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch hoàn chỉnh bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và hạ tầng dịch vụ đồng bộ. Toàn tỉnh hiện nay có 91 cơ sở lưu trú với 2.665 phòng. Trong đó có 55 khách sạn đạt chuẩn từ một đến bốn sao và sáu nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, còn có 21 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành với tám doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 13 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Các sản phẩm dịch vụ du lịch cũng từng bước được quan tâm, đầu tư và phát triển như: Cáp treo Khu du lịch Núi Cấm ở huyện Tịnh Biên với chiều dài hơn 3.500 m và các hạng mục vui chơi, nghỉ dưỡng hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng; Khu du lịch Núi Sam cũng đã vinh dự được chính phủ công nhận là Khu du lịch Quốc gia (theo QĐ 2646/QĐ-BVHTTDL năm 2018) với quy hoạch tổng thể gồm các phân khu chức năng phục vụ các nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách. Theo đồng chí Lê Trung Hiếu, nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp tại các cơ sở lưu trú sẵn có của tỉnh; có chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn quan tâm đầu tư nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đạt chuẩn ba sao trở lên; đặc biệt ưu tiên đầu tư tại bốn khu du lịch trọng điểm của tỉnh; phát huy sản vật vùng thượng nguồn sông Mekong để tạo ra các món ẩm thực tươi, sạch, hấp dẫn, khác biệt là một trong những giải pháp để thu hút và giữ chân du khách.
Khách sạn Victoria trên Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ảnh Lương Bá Thịnh và CTV
Hạ tầng viễn thông ngày càng phát triển khá đồng bộ, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn. Đi cùng với sự phát triển của hạ tầng viễn thông là việc thành lập tổng đài hotline hỗ trợ du khách 0911.575.911 của Trung tâm Xúc tiến Du lịch (nay là phòng Xúc tiến Du lịch của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang) chịu trách nhiệm hỗ trợ thông tin về các khu, điểm, bản đồ, tour tuyến, cơ sở lưu trú, công ty lữ hành du lịch cho du khách đến tham quan tại An Giang. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông cũng đã và đang được tỉnh đầu tư theo hướng hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông chính đến các khu, điểm du lịch. Toàn tỉnh có gần 5.507 km đường giao thông và 1.639 cây cầu với chiều dài 55,7 km. Điển hình như đường tránh Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên; đường tỉnh lộ 943 đi Thoại Sơn; đường tỉnh lộ 941 đi lộ tẻ Tri Tôn, hai cầu đường tỉnh lộ 948 (cầu Bưng Tiền, cầu Tà Đéc); bảy cầu trên tuyến Quốc lộ 91 thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên… Giao thông đường thủy thông suốt, các bến phà, cầu nối giữa các huyện trong tỉnh cũng được trùng tu nâng cấp ngày càng chất lượng và đẹp hơn. “Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút và nâng cao mức độ hài lòng của khách du lịch. Với hiện trạng cơ sở hạ tầng đường bộ yếu kém, nhỏ hẹp đang là một rào cản và thách thức rất lớn đối với phát triển du lịch của địa phương. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp các tuyến đường bộ (tỉnh lộ) quan trọng, các tuyến giao thông nối liền khu, điểm du lịch; có kế hoạch khai thác các tuyến đường thủy để đón khách quốc tế từ Campuchia; đầu tư xây dựng cảng du lịch, trạm dừng chân để phục vụ trung chuyển khách; cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách trong tỉnh”, đồng chí Lê Trung Hiếu nói.
Khách du lịch tham quan rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh Lương Bá Thịnh và CTV
Theo UBND tỉnh An Giang, mục đích của việc nâng cấp đồng bộ và phát triển hạ tầng du lịch là để tạo động lực cho ngành du lịch của tỉnh phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành du lịch tỉnh; phát triển ngành du lịch An Giang theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” trọng điểm của cả nước.
Du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở An Giang. Ảnh Lương Bá Thịnh và CTV
Mục tiêu tỉnh sắp tới là đưa du lịch An Giang ngày càng phát triển, nâng cao hình ảnh du lịch An Giang trong mắt du khách, trở thành điểm đến “Hấp dẫn - thân thiện - an toàn”, vừa thu hút vừa giữ chân du khách. Phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch An Giang thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Bùi Quốc Dũng