“Xu thế phát triển của du lịch thế giới đang dịch chuyển qua từng năm, ngay cả các loại hình, sản phẩm du lịch cũng đã và đang thay đổi với tốc độ nhanh. Trong khi đó, du lịch Việt Nam chưa cập nhật hoặc cập nhật không đồng đều xu hướng phát triển của du lịch thế giới”. Đó là nhận định của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự chủ động từ các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch để Việt Nam là điểm đến giàu sức hút.
Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe ở khu nghỉ dưỡng Almanity Hội An (Quảng Nam).
Nhiều xu hướng mới đã hình thành
Trong một hội thảo mới đây tại Hà Nội về xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đến du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: Du lịch thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng, do nhu cầu của khách du lịch ngày càng tăng lên. Thực tế, tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí vẫn là mục đích của đa số thị trường khách, song nhiều nhu cầu mới đã hình thành và được thể hiện, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống như sự khác biệt, đặc sắc, nguyên bản. Hay là nhu cầu trải nghiệm giá trị tự nhiên để cảm nhận hết tính nguyên sơ, độc đáo của điểm đến. Và đó còn là nhu cầu trải nghiệm giá trị sáng tạo và công nghệ cao, trong đó hướng đến tính hiện đại và tiện nghi.
Ông Nguyễn Anh Tuấn dẫn giải, nếu trước đây du lịch biển là phổ biến, thì những năm gần đây du khách đã chuyển sang nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương. Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, nên xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang thịnh hành.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch Việt Nam) đã đúc kết tới 9 xu hướng kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, trong đó lưu ý về xu hướng du lịch kết hợp với trải nghiệm chăm sóc sức khỏe và cân bằng cảm xúc. Trong số các quốc gia đi đầu về loại hình này, có Hàn Quốc với hình thức tắm đá muối hay Ấn Độ với các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga… Theo bà Nguyễn Thanh Bình, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ tăng mạnh trong vài năm tới.
Hay loại hình du lịch làm việc trực tuyến, du khách được tạo không gian làm việc ở nơi nghỉ dưỡng cũng đang phát triển, sẽ tác động mạnh đến kinh doanh cơ sở lưu trú. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Hành chính, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lại đưa ra nhận định về sự phát triển của loại hình du lịch gắn với khoa học, giáo dục, học thuật và tình nguyện. Một số quốc gia đã đưa xu hướng du lịch này vào chương trình hành động quốc gia tầm nhìn dài hạn như: Thái Lan, Indonesia, Nam Phi, Nepal… Trên thực tế, có một số doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội cũng đang đi theo hướng này.
Dù có nhiều xu hướng du lịch, song điểm chung vẫn là hướng đến sự bền vững, có trách nhiệm và thân thiện với môi trường, đề cao sự ứng dụng của công nghệ.
Cần có sự định hướng
Ngành Du lịch Việt Nam có điều kiện để nắm bắt hoặc phát triển hơn nữa các xu hướng phát triển của du lịch thế giới. Điều quan trọng, mức độ nắm bắt và thực hiện như thế nào để góp phần thực hiện các mục tiêu của du lịch Việt Nam về số lượng khách cũng như chất lượng khách, mức độ chi tiêu, sự tác động của khách đến môi trường sống, môi trường văn hóa của điểm đến. Không dễ thực hiện mục tiêu này, nếu không có sản phẩm để nắm bắt xu hướng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, hiện tại các loại hình và sản phẩm du lịch phổ biến ở Việt Nam, chủ yếu vẫn mang tính truyền thống như tham quan, nghỉ dưỡng, lễ hội và tâm linh. Sản phẩm du lịch của các địa phương còn nhiều trùng lặp, chưa thật sự phong phú, đa dạng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Hành chính, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, ở Việt Nam, không quá khó để áp dụng các loại hình du lịch mang tính trải nghiệm, có sự tương tác chặt chẽ giữa du khách với thiên nhiên, văn hóa và con người bản địa. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, hoàn toàn có thể đưa loại hình du lịch gắn với khoa học, giáo dục, học thuật và tình nguyện vào chương trình, đề án phát triển du lịch quốc gia. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cũng cần phải chủ động để phát triển những sản phẩm du lịch đang là xu hướng của du khách trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch Việt Nam), hệ thống cơ sở lưu trú tại Việt Nam không chỉ đối mặt với việc mở rộng quy mô, gia tăng số lượng, đa dạng loại hình mà phải tăng cường chất lượng, đẳng cấp. Ngay cả loại hình du lịch kết hợp trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe và cân bằng cảm xúc cũng có tiềm năng phát triển ở nhiều địa phương của Việt Nam, kể cả ở Hà Nội. Tuy nhiên, chưa nhiều cơ sở lưu trú quan tâm đầu tư loại hình này. Hiện tại, có một số cơ sở lưu trú ở Huế, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu… bước đầu thành công với mô hình này. Và đây có thể là gợi ý tốt cho nhiều cơ sở lưu trú khác.
Rõ ràng, sự phát triển nhanh chóng của các xu hướng du lịch trên thế giới sẽ tác động đến thị trường du lịch Việt Nam. Vì vậy, cần có sự định hướng chiến lược của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, sự nhìn nhận về lợi ích cốt lõi của các xu hướng du lịch, mang lại cho chính các nhà quản lý, địa phương, công ty lữ hành và du khách. Từ đó, có những hành động cụ thể để tiếp tục thu hút du khách trong nước và quốc tế.