Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối, hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người ở mỗi quốc gia. Phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội phát động, nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên, phụ nữ thông qua những mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội trao bình đựng nước, túi thân thiện với môi trường tặng hội viên phụ nữ.
Ni-lông và các sản phẩm bằng nhựa đã trở thành những vật dụng thường xuyên được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen của không ít người dân. Hàng triệu túi ni-lông và hàng chục tấn rác nhựa thải ra hằng ngày để lại gánh nặng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường, ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm và sự cố môi trường do sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy gây ra, Hội LHPN quận Hà Đông đã triển khai, chỉ đạo đến 22 đơn vị cơ sở thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa, túi ni-lông”. Trong đó, tất cả 17 phường đã tập trung tổ chức chiến dịch truyền thông trên loa truyền thanh, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; phát làn nhựa cho chị em đi chợ, nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lông. Cùng với đó, tất cả các cơ sở hội trong quận tổ chức 34 buổi ra quân tổng vệ sinh môi trường, bóc xóa biển quảng cáo sai quy định và tổ chức “Đổi phế liệu giữ mầu xanh”, xây dựng “Thùng rác từ thiện”, “Thùng rác thân thiện”.
Đến nay, nhiều hội viên, phụ nữ đã sử dụng làn và hộp đựng thực phẩm đi chợ, đồng thời chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường như: Túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni-lông tự phân hủy. Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông Lại Hà Phương cho biết: “Chúng tôi tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, đồng thời kêu gọi hội viên, phụ nữ hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa nhằm tiến tới không sử dụng từ những việc làm nhỏ nhất. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi công dân, cần sự chung tay của các sở, ngành, địa phương và người dân”.
Đối với các chị em Hội LHPN huyện Phú Xuyên, việc thu gom những đồ nhựa, phế liệu có thể tái chế đã trở thành một hoạt động thường xuyên sau khi kết thúc việc đồng áng và gia đình. Từ những chai nhựa, vỏ lon bia, giấy báo cũ... được chị em gom góp rồi đưa về điểm tập kết để bán gây quỹ. Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Xuyên Trương Thanh Hưng chia sẻ: “Mô hình thu gom phế liệu, phân loại rác thải tại nguồn, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được tất cả các chi hội trên địa bàn huyện Phú Xuyên triển khai hiệu quả, đến nay đã gây quỹ cho Hội gần 44 triệu đồng. Số tiền này được dùng để hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, tặng học bổng cho học sinh”. Cũng nhờ việc thu gom rác tại nguồn mà rác thải sinh hoạt của các gia đình được phân loại hằng ngày, nhà cửa thêm sạch, không còn chai nhựa, vỏ lon, rác thải để bừa bãi, gây mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm.
Những năm qua, Hội LHPN thành phố Hà Nội luôn xác định trách nhiệm là lực lượng nòng cốt tham gia, phối hợp chung tay bảo vệ môi trường. Các cấp Hội phụ nữ toàn thành phố đã tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác phế thải ra đường, nơi công cộng”; xây dựng nhiều mô hình như: “Hạn chế sử dụng túi ni-lông vì môi trường”; “Tiết kiệm đồ tái chế trồng cây xanh”, “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp thân thiện với môi trường”; “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”…; vận động thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, ra quân tổng vệ sinh xử lý các chân rác tồn đọng, bảo vệ nguồn nước, hạn chế sử dụng túi ni-lông, phân loại rác tại nguồn, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.
Đánh giá về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: “Những mô hình của chị em hội viên đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế rác thải nhựa, nâng cao nhận thức về việc sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường cho người dân. Để góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa, tạo nên sự thay đổi tích cực hơn nữa về nhận thức, ý thức và thói quen của cả cộng đồng, các cấp Hội phụ nữ cần có quyết tâm cao hơn, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có tính lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn đông đảo phụ nữ tham gia”.