Tập trung khai thác du lịch hang động, nhất là trong quần thể danh thắng Tràng An, nằm trong quần thể di sản thế giới là một trong những trọng tâm của du lịch Ninh Bình trong thời gian tới.
Không chỉ là điểm đến du lịch sinh thái kết hợp tâm linh, thời gian tới đây Ninh Bình sẽ tập trung khai thác và phát triển du lịch hang động dựa vào tiềm năng sẵn có (trên 230 hang động lớn, nhỏ).
Đó là khẳng định của ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch, tỉnh Ninh Bình.
Thời của du lịch hang động
- Vài năm trở lại đây, Ninh Bình trở thành điểm đến được cả khách du lịch trong nước và quốc tế lựa chọn. Để đáp ứng nhu cầu khách ngày càng đông, thời gian tới địa phương sẽ tập trung khai thác sản phẩm du lịch nào, thưa ông?
Ông Hoàng Thanh Phong: Ninh Bình là một trong những tỉnh tuy nhỏ về diện tích chỉ 1.400km2 nhưng có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh du lịch kể cả tự nhiên và nhân văn.
Cảnh sắc như tiên cảnh ở "Tuyệt tình cốc" của Ninh Bình. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Hiện nay, sản phẩm nổi trội của Ninh Bình là du lịch sinh thái kết hợp tâm linh. Du lịch sinh thái ở Ninh Bình đang phát triển mạnh mẽ như: khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, khu du lịch sinh thái Vân Long, đặc biệt là rừng quốc gia Cúc Phương…
Còn với du lịch tâm linh, Ninh Bình có tới 1.400 khu di tích lịch sử, văn hóa, trong đó nổi trội là cố đô Hoa Lư, quần thể chùa Bái Đính hay khu nhà thờ đá Phát Diệm… đã thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghiên cứu, khảo sát.
Hiện chúng tôi tập trung rất cao cho tuyến du lịch mới là du lịch khám phá hang động trong quần thể danh thắng Tràng An (chính là tuyến với hang Đột-đền Suối Tiên-phim trường Kong). Ngoài ra, chúng tôi còn đang khai thác một số tuyến mới như Hang Chùa, Hang Bụt, hay tuyến du lịch Thạch Bích-Thung Nắng, đặc biệt là vườn chim Thung Nham.
Ninh Bình có khoảng hơn 230 hang động lớn, nhỏ, trong đó trên 60% là hang động nước và đó chính là đặc trưng của sản phẩm du lịch Ninh Bình. Chúng tôi đã và đang tập trung khai thác du lịch hang động, nhất là trong quần thể danh thắng Tràng An, nằm trong quần thể di sản thế giới.
Video ông Hoàng Thanh Phong chia sẻ về đời sống người nông dân thay đổi từ khi làm du lịch:
- Nhằm phục vụ cho năm du lịch quốc gia 2020 mà Ninh Bình đăng cai, hiện địa phương đã chuẩn bị được những gì?
Ông Hoàng Thanh Phong: Ngay từ năm 2017, chúng tôi đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình Năm du lịch quốc gia, mời các tỉnh, thành phố tham hưởng ứng. Hiện nội dung chương trình đã hoàn thiện. Chúng tôi tập trung vào chủ đề “Hoa Lư ngàn năm.”
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng đã tổ chức đoàn cán bộ sang tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tổ chức Năm Du lịch quốc gia của tỉnh bạn để tạo điều kiện tốt nhất cho Ninh Bình tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2020.
Rút kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố đã làm từ những năm trước, chúng tôi kỳ vọng có thể tạo nên khác biệt. Ví dụ, các lễ hội truyền thống sẽ được điều chỉnh nội dung để làm sao kéo được đông người dân cùng tham gia lễ hội; để liên kết phát triển du lịch, chúng tôi tôi muốn kết hợp với các tỉnh, thành phố có các kinh đô cổ như Phú Thọ-Hà Nội-Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An-Huế làm tour hành trình về miền di sản.
Thông qua tour du lịch này, du khách có thể tìm hiểu được những giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản mà các tỉnh, thành phố đó có.
Du khách tìm hiểu về lịch sử vùng đất cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Chúng tôi cũng tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương rất đúng và trúng của Đảng và Nhà nước đang triển khai trên toàn quốc nhưng riêng đối với Ninh Bình chúng tôi cũng muốn gắn hoạt động phát triển du lịch với xây dựng phát triển nông thôn mới.
Điều này thể hiện rất rõ trong khu quần thể danh thắng Tràng An, người dân tham gia hoạt động du lịch đã chuyển dịch từ làm nông nghiệp sang làm du lịch. Riêng việc chèo đò chúng tôi đã giải quyết được cho trên 3.000 lao động địa phương ở 20 xã quanh đó có việc làm, có thu nhập ổn định.
4.0 “phủ sóng” Ninh Bình
- Toàn ngành du lịch đang đẩy mạnh phát triển du lịch xanh với việc kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa, sử dụng các vật dụng thân thiện môi trường, với Ninh Bình thì sao, địa phương đã hưởng ứng phong trào này như thế nào?
Ông Hoàng Thanh Phong: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là ngành du lịch hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tham gia tiết kiệm điện, nước. Đối với các cơ quan hành chính, siêu thị cũng khuyến khích hạn chế túi nilon, chai nhựa dùng một lần.
Tại các khu, điểm du lịch, người dân cũng như khách du lịch cũng được tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa…
Du khách quốc tế thăm quan phim trường Kong. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
- Còn việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
Ông Hoàng Thanh Phong: Ninh Bình là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch. Chúng tôi đã xây dựng được chương trình du lịch thông minh ứng dụng qua điện thoại di động.
Theo đó, trên địa bàn toàn tỉnh, khách du lịch có thể truy cập thông tin điểm đến, các dịch vụ ăn uống, lưu trú, đường đi thế nào cho thuận tiện thông qua điện thoại di động. Tới đây chúng tôi tiếp tục tham mưu cho tỉnh tăng cường hỗ trợ cho du lịch thông minh để tạo điều kiện tra cứu về chuyến đi cho khách du lịch.
- Có di sản, lại được thiên nhiên ưu đãi, áp dụng kịp thời nền tảng công nghệ mới, nhưng du lịch Ninh Bình còn khó khăn gì cần giải quyết để có thể phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới?
Ông Hoàng Thanh Phong: Ở Ninh Bình, cơ sở vật chất hạ tầng chưa thể đầu tư đồng bộ, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu. Hiện nay, các khách sạn, nhà hàng đang rất thiếu nhân lực nhưng cái khó là lớp trẻ Ninh Bình không hoàn toàn thích làm du lịch.
Các em học sinh, sinh viên khi học xong thường muốn tìm một nơi làm việc ổn định và có thu nhập cao. Trong bối cảnh đó, xung quanh Ninh Bình các khu công nghiệp nổi lên, trở thành môi trường hấp dẫn.
Quần thể chùa Bái Đính. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Đối với ngành du lịch, mặc dù chúng tôi đã cố gắng thu hút các em học sinh, sinh viên yêu thích ngành, muốn xây dựng cuộc sống bằng du lịch nhưng con số cũng chưa nhiều.
Tới đây, ngành du lịch Ninh Bình sẽ tham mưu cho tỉnh có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách để giữ chân học sinh, sinh viên học du lịch ở lại Ninh Bình, giúp địa phương phát triển các dịch vụ như lưu trú, nhà hàng, mua sắm…
Để làm được việc này chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng du lịch trung ương cũng như địa phương để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch, giao tiếp trong du lịch giúp các em tự tin khi làm nghề.
- Ngoài ra, tôi cho rằng mỗi người dân Ninh Bình cũng cần trở thành một đại sứ du lịch, chính những nụ cười và phong cách ứng xử, giao tiếp của họ với du khách trong nước và quốc tế cũng là cách để níu chân khách, khiến họ không chỉ đến Ninh Bình một lần…
Ông Hoàng Thanh Phong: Đúng vậy, chúng tôi cũng mong muốn và đang cố gắng làm thế nào có thể tuyên truyền cho người dân Ninh Bình luôn luôn tươi cười, có được tinh thần trách nhiệm như một đại sứ giúp du khách ấn tượng khi đến với Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.
Xuân Mai