Quyết tâm nói không với rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 23/09/2019
Từ 1/9/2019, các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long sẽ nói không với túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần, vốn tạo ra nguy cơ xâm hại rất lớn từ rác thải nhựa tới môi trường di sản. Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban Thường trực Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.

- Mối nguy hại từ rác thải nhựa đã được đề cập rất nhiều, riêng với Vịnh Hạ Long thì mối nguy này thể hiện như thế nào, thưa ông?

+ Rác thải nhựa hiện nay có tác động rất lớn đến môi trường và thẩm mỹ của Vịnh Hạ Long. Nghĩa là không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm mà còn là sự ô nhiễm, phản cảm từ cái nhìn của du khách khi thấy rác thải trôi nổi trên vịnh.

Lượng rác thải nhựa trên vịnh hiện nay khá lớn. Chúng ta cứ thử làm một phép tính nhé, hàng ngày trung bình Vịnh Hạ Long đón 12 ngàn lượt khách tham quan, kèm theo đó là tầm 12 ngàn cái chai nhựa, hoặc ống hút. Và chỉ ước khoảng 10% số đó mua hàng thì sẽ có hơn 1 ngàn người sử dụng các loại túi bóng khác nhau. Vậy thì từ các chai, cốc, ống hút nhựa, túi ni long sẽ tạo ra khối lượng rác thải nhựa khổng lồ cho Vịnh Hạ Long. Nếu các nhân viên ở các công ty lữ hành, bán hàng tại các điểm, các cơ quan quản lý nhà nước mà không có ý thức nữa sẽ tạo thành lượng rác thải rất lớn.

- Những mối nguy như ông nói chắc rằng cũng đã nhìn thấy từ lâu. Vậy tại sao đến giờ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long mới có chủ trương về việc không sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng 1 lần đối với các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long?

+ Đúng là như vậy! Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã rất quyết liệt trong việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải trên vịnh với lượng rác thu gom trung bình hàng tháng đạt trên 100 tấn rác các loại, có sự phân loại rác từ chất liệu gì, nguồn từ đâu đến. Thực hiện chủ trương của chính phủ, tỉnh, chúng tôi đang triển khai và sẽ quyết liệt nói không với việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng 1 lần kể từ 1/9 tới đây. Để làm được việc này, ngoài quyết tâm của các cơ quan nhà nước còn cần sự đồng thuận rất lớn từ các cá nhân, đơn vị đang hoạt động kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long, như các đơn vị bán hàng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chèo đò tham quan Vịnh, kayak, xuồng cao tốc, tàu vận chuyển khách tham quan…

f
Một số điểm bán hàng trên Vịnh Hạ Long đã chuyển từ cốc, ống hút bằng nhựa sang sử dụng cốc và ống hút bằng giấy từ đầu tháng 8.

Đến nay thì ai cũng nhận thấy rằng, rác thải nhựa thực sự nguy hại với Vịnh Hạ Long, nếu như chúng ta không có hành động ngay thì rác thải nhựa sẽ tác động tới du lịch, các lĩnh vực kinh doanh trên vịnh cũng như các yếu tố bền vững của Vịnh Hạ Long. Do đó, sau khi được quán triệt, tuyên truyền, các doanh nghiệp đã có phản hồi tích cực để chung tay bảo vệ Vịnh Hạ Long. Những người đang làm các dịch vụ trên vịnh cũng vậy, như bà con từng là ngư dân, nay làm nhân viên các công ty chèo đò đưa khách tham quan vịnh, chèo kayak, hay nhân viên phục vụ trên các tàu du lịch đều nhận thức được rằng việc nói không với rác thải nhựa là hết sức quan trọng.

Như vậy, đây là thời điểm chín muồi, hết sức phù hợp để chúng tôi hiện thực hóa việc nói không với rác thải nhựa, vì đã có chủ trương lớn của Chính phủ, có khuyến nghị từ những tổ chức quốc tế như UNESCO và khẳng định rõ ràng về sự đồng hành của doanh nghiệp nữa.

- Vậy việc nói không với rác thải nhựa được triển khai cụ thể như thế nào?

+ Rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, với Vịnh Hạ Long cũng không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Do đó, chúng ta cần có lộ trình, khi thực hiện có những biện pháp hết sức cụ thể, làm sao cho hoạt động này mang tính bài bản, được thực hiện một cách triệt để trên Vịnh Hạ Long. Vì vậy, ngay từ tháng 7, chúng tôi đã họp với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã nhận thấy việc này là hết sức cần thiết. Do đó, chúng tôi đã ban hành một kế hoạch, phương án để từ 1/9 này trở đi sẽ giảm thiểu hoàn toàn rác thải nhựa trên vịnh. Thành phố đã ban hành một văn bản thông báo cho các doanh nghiệp về việc dừng các hoạt động tạo ra rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long. Từ đó, tuyên truyền đến tất cả doanh nghiệp, người dân tham gia vào các dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã khởi động để có thể quyết tâm nói không với rác thải nhựa từ 1/9.

f f
f
Túi giấy hiện đã được sử dụng khi du khách mua hàng tại nhiều điểm dịch vụ thay thế cho túi ni lông.

Đơn cử như doanh nghiệp kinh doanh xuồng kayak, trước đây mỗi du khách xuống thì được phát 1 chai nước kèm ống hút có vỏ bọc nhựa, 1 khăn lau trong túi nhựa. Nhưng ngay từ cuối tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp này là đã không sử dụng chai nhựa nữa mà chuyển sang chai nước to, cốc thủy tinh, cốc giấy, góp phần giảm được hàng nghìn chai nhựa xuống Vịnh Hạ Long mỗi ngày.Tại các điểm tham quan, các doanh nghiệp cũng không sử dụng túi ni lông mà chuyển sang túi giấy, túi sinh học thân thiện môi trường để gói hàng cho khách. Các tàu du lịch, tàu nghỉ đêm cũng tiên phong nói không với rác thải nhựa bằng cách chuyển sang lắp đặt các cây nước trên tàu, sử dụng các chai nước thủy tinh chứ không dùng chai nhựa...

Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang tìm nguồn thay thế bằng vật liệu khác cho các đồ dùng nhựa, như: Nguồn cung cấp túi giấy hay túi sinh học, ống hút từ vật liệu sinh học, các cốc giấy, các loại chai thủy tinh… Chúng tôi cũng liên hệ với người dân địa phương là những người chèo đò trên Vịnh Hạ Long, để vào những lúc rảnh rỗi, họ sẽ gấp các túi giấy để cung cấp cho các doanh nghiệp bán hàng trên vịnh. Như vậy, vừa có nguồn cung tại chỗ cho doanh nghiệp mà người dân lại có thêm thu nhập. Để có thêm sự kết nối, thời gian vừa qua, chúng tôi đã tuyên truyền tới du khách qua rất nhiều kênh thông tin, như: Các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống tờ rơi, tờ gấp in ấn phát cho khách, qua các poster để thông báo những hành vi được làm và không được làm của du khách khi đến tham quan Vịnh Hạ Long.

f
Nhân viên các công ty chèo đò chở khách tham quan Vịnh sẽ gấp các túi giấy để cung cấp tại chỗ cho doanh nghiệp bán hàng trên Vịnh Hạ Long.

- Việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần phổ biến vì tính tiện dụng và chi phí thấp. Vậy liệu có chế tài xử lý với các hành vi vi phạm không, thưa ông?

+ Ở đây, chúng ta chưa có chế tài để xử lý du khách sử dụng các loại đồ nhựa 1 lần nhưng có thể tuyên truyền để du khách nhận thức được rằng, đây là việc không nên làm với Vịnh Hạ Long. Tôi cho là mọi người sẽ sẵn sàng trả thêm một chi phí nhỏ có thể có, để bằng hành động của mình góp phần bảo vệ cho môi trường Vịnh Hạ Long xanh, sạch, đẹp hơn. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ trên Vịnh đều đã có thông báo, sau đó, chúng tôi đưa vào hợp đồng dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. Tổ liên ngành của Ban Quản lý Vịnh và TP Hạ Long sẽ giám sát việc thực hiện. Với doanh nghiệp vi phạm, đầu tiên chúng tôi sẽ tuyên truyền, nhắc nhở, sau đó có các biên bản nhắc nhở về sai phạm, nếu vẫn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ xem xét việc xử lý hợp đồng, có thể dừng hoặc đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp trên Vịnh Hạ Long.

Bảo vệ Vịnh Hạ Long không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, người dân, du khách. Thế giới có nhiều bài học khi mà có những bãi biển, những khu vực tham quan đã phải đóng cửa vì ô nhiễm môi trường. Bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ nhận thức được rằng, nếu như chúng ta không hành động thì sẽ có những hoạt động phải dừng lại. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để các bên không bị xung đột quá lớn về lợi ích, tạo sự đồng thuận trong thực hiện.

f
Lượng rác các loại thu gom trên Vịnh Hạ Long đạt trung bình hơn 100 tấn/tháng.

- Rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long không chỉ từ các hoạt động dịch vụ trên Vịnh mà còn từ nguồn rác ven bờ nữa. Vậy đơn vị có giải pháp như thế nào với nguồn rác ven bờ?

+ Nguồn rác khu vực ven bờ xuất phát từ các địa phương của Quảng Ninh như Quảng Yên, Hoành Bồ, TP Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn và một phần của Cát Bà (TP Hải Phòng), cũng gây nên sức ép về rác thải trên Vịnh Hạ Long. Vì thế, chúng tôi đã báo cáo tỉnh, các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý rác thải ven bờ. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương có chương trình tuyên truyền, vận động bà con thu gom rác thải ven bờ. Tất cả các khu vực ven bờ biển TP Hạ Long đều có các thùng rác lắp đặt để du khách có thể bỏ rác vào thùng, có biển tuyên truyền, nhắc nhở để mọi người cùng có ý thức bảo vệ môi trường Vịnh. Chúng tôi cũng thuê các đơn vị thu gom toàn bộ rác thải ven bờ Vịnh, mọi người sẽ thấy các thuyền này hoạt động thường xuyên từ chân cầu Bãi Cháy tới cột 8. Còn khu vực do các doanh nghiệp như Sun Group, Tuần Châu quản lý thì trách nhiệm thu gom, xử lý được giao cho doanh nghiệp. Việc giám sát được làm thường xuyên, khi có các phản ánh về rác từ phía thứ 3, chúng tôi sẽ thông tin tới các doanh nghiệp để xử lý kịp thời, triệt để.

Cùng với đó, chúng tôi cũng thấy rằng cần có những hành động ở cấp cao hơn của TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhằm thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng 1 lần bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Qua đây tạo thành một phong trào quyết liệt, rộng khắp nhằm hạn chế rác thải nhựa, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường Vịnh Hạ Long nói riêng trước tác động của rác thải nhựa.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Phan Hằng (Thực hiện)

Nguồn: Báo Quảng Ninh