Tình trạng tai nạn giao thông, vi phạm giao thông… liên quan đến người nước ngoài ở các thành phố du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Sa Pa (Lào Cai)... hiện nay đang diễn ra phổ biến và có xu hướng tăng lên cả về số lượng và hậu quả vi phạm. Đâu là điểm nghẽn và giải pháp nào cho vấn nạn này?
Kiên quyết không vì lợi nhuận mà cho người nước ngoài không có giấy phép lái xe quốc tế, giấy phép lái xe Việt Nam thuê xe
ĐÀ NẴNG: Nhiều vướng mắc khi xử lý khách nước ngoài vi phạm
Thời gian qua, khách quốc tế đến Đà Nẵng ngày càng tăng, để khám phá các địa điểm du lịch, rất nhiều du khách đã thuê, mượn phương tiện (chủ yếu là xe mô tô, xe máy) để tự đi lại tham quan, tìm hiểu du lịch… Điều này đã dẫn đến không ít sự cố về an toàn giao thông liên quan đến du khách nước ngoài.
Do khác biệt về đường phố, luật giao thông, nhiều khách nước ngoài đến Đà Nẵng khi tham gia giao thông đã vi phạm luật với các lỗi phổ biến như: Không có giấy phép lái xe, lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp theo quy định, đặc biệt có nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, không đi đúng phần đường… Theo thống kê của Phòng CSGT – Công an TP Đà Nẵng: Tình hình tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài ở Đà Nẵng hiện nay diễn ra phổ biến và có xu hướng tăng lên cả về số lượng và hậu quả vi phạm. Theo đó, năm 2015 xảy ra 1 vụ, bị thương 1 người; năm 2016: xảy ra 1 vụ, bị thương 2 người; năm 2017: xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người, 2018: xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người. Đặc biệt vào đầu năm 2019 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng tại đường tránh Nam Hải Vân (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) giữa xe khách chở đoàn khách du lịch Hàn Quốc và 1 xe conteiner, trong đó 16 khách Hàn Quốc bị thương, may mắn không có người thiệt mạng. Thiếu tá Thái Anh Tuấn (Phòng CSGT - Công an TP Đà Nẵng) thông tin: Trước tình hình khách du lịch nước ngoài vi phạm ATGT, công tác tuần tra, kiểm soát người nước ngoài vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh. Qua đó đã lập biên bản và tạm giữ xe mô tô 91 trường hợp; xử lý gần 60 trường hợp, xử phạt hơn 100 triệu đồng.
Nêu lên khó khăn trong việc xử phạt, xử lý người nước ngoài khi tham gia giao thông tại Đà Nẵng, thiếu tá Thái Anh Tuấn (Phòng CSGT - CATP Đà Nẵng) cho biết du khách không chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn bằng nhiều thứ tiếng khác như Trung, Hàn…, cũng có nhiều người biết tiếng Anh nhưng cố tình giao tiếp bằng tiếng bản địa, ngoài những người chấp hành thì cũng có không ít trường hợp phản ứng với lực lượng CSGT và không chịu hợp tác với cán bộ công an làm nhiệm vụ khiến cho quá trình xử lý trở nên khó khăn.
CSGT TP Đà Nẵng làm việc với khách nước ngoài tham gia giao thông (Nguồn: Tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng)
“Chính quyền thành phố phải có biện pháp tăng cường chặt chẽ đối với các cơ sở dịch vụ lưu trú cho người nước ngoài thuê xe, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm. Ban ATGT triển khai công tác tuyên truyền đối với các công ty du lịch lữ hành, hướng dẫn người nước ngoài về kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn khi gặp thời tiết bất lợi và cảnh báo những đoạn đường đèo dốc nguy hiểm”, ông Tuấn đề nghị.
Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho người nước ngoài khi tham gia giao thông tại Đà Nẵng cũng như Việt Nam là yếu tố rất quan trọng. Do đó cần thiết phải quy định về tuân thủ pháp luật về giao thông: “Thực hiện các mục tiêu tính mạng con người là trên hết, Sở GTVT Đà Nẵng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đối với khách nước ngoài khi tham gia giao thông, kết hợp tuyên truyền nhắc nhở tại chỗ để giúp họ nắm rõ những quy định khi tham gia giao thông đường bộ, tăng cường trau dồi ngoại ngữ đối với các chiến sĩ tham gia tổ chuyên đề về xử lý người nước ngoài, tìm hiểu các biện pháp để xử lý dứt khoát đối với các trường hợp chống đối, không hợp tác”, ông Bùi Thanh Thuận - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người nước ngoài tham gia giao thông, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các tuyến đường dẫn đến các khu du lịch, các khu vực tập trung đông du khách nước ngoài lưu trú trên địa bàn, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy do người nước ngoài điều khiển. Tiến hành lắp đặt hàng chục camera quan sát cùng máy chủ quản lý dữ liệu tại các nút giao thông Ngô Quyền - Nguyễn Thế Lộc, nút giao thông Ngũ Hành Sơn - Phan Tứ; đồng thời, lắp đặt 2 camera quan sát tại hai nút giao có đảo giao thông Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng và Ngô Quyền - Nguyễn Công Trứ...
TP.HCM: Thuê xe tự lái khi ... thiếu kỹ năng và chưa rành luật
Một trong những thực trạng đáng lo hiện nay là nhiều du khách nước ngoài dù chưa nắm được các quy định pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam, kỹ năng lái xe mô tô gắn máy còn hạn chế, không có giấy phép lái xe… vẫn tham gia giao thông nên đã gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
Đơn cử như tháng 1.2018 tại Km17, Quốc lộ 2, ngã 3 Khu công nghiệp Bình Vàng, xã Đức Đạo, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã xảy ra một vụ va cham giữa xe ô tô đầu kéo với xe máy BKS 34B3 564.40 đã làm hai người nước ngoài tử vong. Tiếp đó tháng 8.2019 tại Ninh Bình một vụ TNGT đã khiến chạm hai du khách nước ngoài điều khiển 2 xe máy gồm một nam và một nữ lưu thông hướng Thanh Hóa - Ninh Bình khiến một người tử vong và một người bị thương nặng.
Đề cập vấn đề này, thiếu tá Đặng Đức Minh, Trung tâm nghiên cứu An toàn giao thông, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng: Nguyên nhân TNGT liên quan đến người nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua đó là khách du lịch không nắm được các quy định pháp luật về giao thông đường bộ tại Việt Nam; không quen hệ thống đường bộ, tình hình giao thông đường bộ ở Việt Nam; không quen điều khiển hoặc thiếu kỹ năng điều khiển xe mô tô gắn máy. Trong khi đó công tác quản lý hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái đối với người nước ngoài vẫn còn lỏng lẻo. Công tác tuyên truyền các quy định khi tham gia giao thông tại Việt Nam đối với khách du lịch nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức.
Gặp rất nhiều vướng mắc khi xử lý người nước ngoài vi phạm ATGT tại Việt Nam
Mặt khác việc xử lý, xử phạt đối với các trường hợp người nước ngoài tham gia giao thông ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn như bất đồng ngôn ngữ giữa cán bộ điều tra, giải quyết vụ TNGT với người nước ngoài liên quan đến tai nạn; khó tạm giữ giấy tờ của người nước ngoài liên quan đến vụ tai nạn; khó triệu tập người nước ngoài liên quan đến tai nạn lên cơ quan công an để giải quyết vụ việc. Ngoài ra các phương tiện người nước ngoài điều khiển thường là phương tiện thuê ở Việt Nam nên khi gây tai nạn họ sẵn sàng bỏ lại phương tiện.
Theo Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, từ đầu năm đến nay, có hơn 4,3 triệu lượt người nước ngoài đến TP.HCM. Do đó để đảm bảo an toàn giao thông cho người nước ngoài, từ ngày 1.8 đến 31.10, TP.HCM đã triển khai cao điểm chuyên đề kiểm tra, nhắc nhở và xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, nhắc nhở hơn là xử lý vì người nước ngoài khi đến TP.HCM chủ yếu là khách du lịch, trong khi giao thông Việt Nam có đặc thù riêng khác biệt so với nhiều nước.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM nhấn mạnh, việc đảm bảo toàn an toàn cho người nước ngoài khi tham gia giao thông là hết sức quan trọng. Nên ngoài xử phạt thì tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn cũng như tuyên truyền về giao thông khi họ mới đến Việt Nam để người nước ngoài hiểu và chấp hành luật là cách tốt nhất.
Ngành Du lịch phải làm gì?
Theo ông Huỳnh Đức Trung (Phòng Lữ hành, Sở du lịch TP Đà Nẵng), các cơ sở kinh doanh, lưu trú dịch vụ cũng góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo ATGT cho du khách nước ngoài. Sở Du lịch Đà Nẵng đã khuyến cáo tới chủ các cơ sở lưu trú, khách sạn khi cho khách nước ngoài thuê xe phải đúng thủ tục, đủ giấy tờ, đồng thời yêu cầu các công ty lữ hành du lịch trên địa bàn, các cơ sở cho thuê mô tô, xe máy tăng cường tuyên truyền quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến điều khiển mô tô, xe máy; hướng dẫn người nước ngoài về kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi, trên đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường thường xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa, sương mù vào mùa đông.
Thiếu tá Đặng Đức Minh, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch cần phải phổ biến một số quy định của pháp luật của Việt Nam nói chung và pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng đối với khách du lịch nước ngoài khi họ mới đến Việt Nam. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái… cần thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam, kiên quyết không vì lợi nhuận mà cho người nước ngoài không có giấy phép lái xe quốc tế, giấy phép lái xe Việt Nam thuê xe.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) thông tin: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á có số người chết do va chạm trên đường, trong năm 2018 đã có 24.974 người thiệt mạng do TNGT ở Việt Nam. Từ đó có thể cho thấy rằng Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có mức độ rủi ro giao thông cao nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Do vậy, việc đảm bảo an toàn giao thông nói chung là rất cần thiết, đặc biệt là cần tìm ra những giải pháp phù hợp đối với đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch quốc tế khi tham gia giao thông ngày càng nhiều tại Việt Nam. Nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện thì việc đảm bảo trật tự ATGT cho du khách là điều hết sức đáng lưu tâm.
NGỌC HÀ - NGUYỄN HIẾU