Ngày 20/11/2008, Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Việt Nam rất có tiềm năng để xây dựng công viên địa chất ở miền Bắc.
Đó là sự đa dạng địa chất, có cảnh quan địa mạo đặc sắc và đều nằm trong dải trầm tích, phân bố đá vôi của miền Bắc Việt Nam.
Việc tiến hành xây dựng các công viên địa chất ở nước ta cũng là một phần trong Chương trình Năm Quốc tế hành tinh trái đất của Việt Nam được thực hiện từ năm 2007 - 2009 và là cơ sở để kết nối con người với tự nhiên.
Các chuyên gia về địa chất và khoáng sản đã tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng di sản địa chất và triển vọng xây dựng công viên địa chất ở 15 khu vực thuộc phạm vi Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Kết quả cho thấy: 9 khu vực có triển vọng hình thành công viên địa chất tầm cỡ quốc gia. Đặc biệt, 6 khu vực hoàn toàn có thể trở thành công viên địa chất tầm cỡ quốc tế; trong đó điển hình là Khu vực cao nguyên đá vôi Đồng Văn - Mèo Vạc; Vườn Quốc gia Ba Bể; Di sản thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bảng; Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà - quần đảo Long Châu - bán đảo Đồ Sơn...
Hiện nay, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu hai mô hình trọng tâm là "Mô hình công viên địa chất ở các vườn quốc gia nhằm duy trì phát triển kinh tế từ những dịch vụ du lịch" và "Mô hình công viên địa chất xen lẫn khu dân cư bảo đảm điều kiện sinh hoạt bình thường ở địa phương". Với những kết quả điều tra, đánh giá tiềm năng di sản địa chất dựa trên hai mô hình này, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiến nghị xây dựng các công viên địa chất thuộc khu Đông Bắc và Trung Bắc bộ mang tầm quốc tế.